Ông Trump giúp “Thêm Trung Quốc bớt Mỹ” ở Châu Á?

Google News

(Kiến Thức) - Vào lúc sự hiện diện của Bắc Kinh đang lớn dần trong khu vực Châu Á, thì Washington lại “co cụm” theo công thức “Thêm Trung Quốc bớt Mỹ”.

"Thêm Trung Quốc bớt Mỹ" là nhận định của giáo sư Dominique Moisi giảng dạy tại King’s College (London) trong một bài viết đăng trên nhật báo kinh tế Pháp Les Echos.
Theo giáo sư Dominique Moisi, từ hàng chục năm nay, sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á là nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh.
Chính sách Châu Á của ông Trump “rối tung rối mù”
Phải chăng mọi việc đã thay đổi kể từ khi tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ?
Ong Trump giup “Them Trung Quoc bot My” o Chau A?
Chính sách đối với Châu Á của Tổng thống Trump đang “rối tung rối mù”. Ảnh: The Daily Beast 
Theo chuyên gia về địa chính trị Dominique Moisi, tham vọng và sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc đã khiến các nước trong vùng cần có sự che chở của Mỹ nhiều hơn. Không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc mà cả Philippines, Indonesia, Singapore và Đài Loan đều trông đợi nhiều vào Mỹ.
Khúc mắc nằm ở chỗ vào lúc sự hiện diện của Trung Quốc đang lớn dần trong khu vực, thì phía Mỹ lại “co cụm”, điều mà giáo sư Moisi thu gọn trong một công thức “Thêm Trung Quốc, bớt Mỹ”.
Trước khi tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, chính quyền mới ở Philippines đã tỏ thái độ xa lánh Mỹ để xích lại gần Trung Quốc. “Cuộc cách mạng về phương diện ngoại giao” đó của Manila, theo tác giả bài phân tích, cho thấy Châu Á ngày càng hoài nghi về “ánh hào quang Mỹ” trong khu vực.
Việc Tổng thống Donald Trump gián tiếp nêu lên khả năng ngừng dùng chiếc ô hạt nhân để bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc đã mở ra viễn cảnh đẩy Châu Á lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nhiều thí dụ khác, trong đó điển hình là việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay việc xích lại gần với Đài Bắc chọc giận Bắc Kinh, cho thấy chính sách đối với Châu Á của tổng thống Trump đang “rối tung rối mù”.
Vậy nước Mỹ của ông Trump muốn gì? Phải chăng Washington muốn thấy các quốc gia trong khu vực (Đông Á) liên kết với nhau để sẽ thành lập một liên hiệp tương tự như mô hình của Châu Âu hay chỉ đơn giản là Mỹ phủi tay với Châu Á?
Giáo Moisi cho rằng trong mọi trường hợp, đường lối của Mỹ như “thêm củi lửa” cho tham vọng của Bắc Kinh. Chỉ có điều, chính sách cứng rắn của ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh cộng thêm với những đòn khiêu khích của Tổng thống Donald Trump ở Washington, có nguy cơ dẫn đến tai họa.
Giáo sư Moisi không khỏi chua xót nêu câu hỏi: Nước Mỹ dưới thời Donald Trump có còn là tấm gương dân chủ nữa hay không, trong khi Trung Quốc lại lên giọng dạy cho nước Mỹ của ông Trump về kinh tế tư bản như điều chúng ta đã thấy ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos vừa qua?
Giúp Trung Quốc thống trị Đông Nam Á?
Trong một bài viết đăng trên trang mạng của tuần báo Mỹ Newsweek, nhà phân tích Yigal Chazan thuộc công ty tư vấn Alaco (London) cho rằng những quan điểm mang tính biệt lập chủ nghĩa của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể giúp Trung Quốc thống trị khu vực Đông Nam Á.
Dưới thời tổng thống Obama, Mỹ đã thúc đẩy việc thành lập một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn, thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quy tụ 12 quốc gia, nhưng không bao gồm Trung Quốc.
Ngược lại, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại tuyên bố ngay trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng sẽ ra quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP, một hiệp định mà ông cho sẽ là một “thảm họa” cho nước Mỹ. Ông Trump tuyên bố sẽ chỉ thương lượng những hiệp định tự do mậu dịch nào “mang trở lại việc làm và công nghiệp cho nước Mỹ”. Bắc Kinh vẫn xem TTP là một nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc nắm vai trò quyết định trong thương mại thế giới. Cho nên, dĩ nhiên là Trung Quốc rất vui mừng trước việc TPP bị ông Trump “khai tử”.
Việc TPP bị “thủ tiêu” sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy dự án tự do mậu dịch riêng “Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực” (RCEP) nhằm kéo các nước Châu Á vào quỹ đạo của Bắc Kinh. Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường quan hệ với các quốc gia chủ chốt trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Minh Châu (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)