Ông Trump có thể kích hoạt luật nổi dậy để ngăn cản ông Biden?

Google News

Những người ủng hộ cực đoan của ông Trump đang kêu gọi tổng thống áp dụng Luật Nổi dậy để điều động quân đội, qua đó ngăn ông Joe Biden tiếp quản quyền lực.

Luật Nổi dậy được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1807, cho phép tổng thống triển khai quân đội nhằm trấn áp những cuộc nổi dậy chống chính phủ. Sau hơn 200 năm, số lần đạo luật này được kích hoạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cực đoan đang kêu gọi Tổng thống Trump áp dụng Luật Nổi dậy và sử dụng quân đội để duy trì quyền lực, theo Politico.
Luật Nổi dậy nói gì?
Đạo luật này trao quyền cho tổng thống sử dụng quân đội và Vệ binh Quốc gia để trấn áp các vụ bạo lực hay nổi loạn ở các tiểu bang. Đây là một trong số ít các ngoại lệ cho phép tổng thống sử dụng quân đội để thực thi pháp luật trên toàn lãnh thổ nước Mỹ.
Trong lịch sử, đạo luật này chỉ được kích hoạt khi Mỹ rơi vào xung đột cực độ, như nội chiến trong thế kỷ 19, cuộc nổi dậy của tổ chức phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan, hay bạo loạn sau cái chết của Martin Luther King Jr.
Quân đội từng một lần được triển khai sau khi cựu quan chức của phe Hiệp bang miền Nam thất bại trong cuộc chạy đua thống đốc năm 1872 ở Lousiana. Sự điều động này nhằm ngăn một nhóm vũ trang chiếm quyền kiểm soát chính quyền tiểu bang.
Ong Trump co the kich hoat luat noi day de ngan can ong Biden?
Quân đội được triển khai tại Los Angeles năm 1992 để trấn áp các cuộc bạo loạn. Ảnh: Reuters. 
Lần gần nhất đạo luật được kích hoạt là vào năm 1992, nhằm dẹp yên các cuộc bạo loạn làm rung chuyển thành phố Los Angeles, bang California.
Đối với một số cử tri cực hữu tin vào thuyết âm mưu, Luật Nổi dậy cần được kích hoạt nhằm ngăn chuyển giao quyền lực cho tổng thống đắc cử Joe Biden.
Lý do của những người này là phe Dân chủ đã "đánh cắp" cuộc bầu cử và đang âm mưu đảo chính. Vì thế, Tổng thống Trump cần huy động quân đội để ngăn kế hoạch này diễn ra.
Ngay cả Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của ông Trump, thời gian gần đây cũng kêu gọi tổng thống áp dụng thiết quân luật.
Những học thuyết về một "nhà nước ngầm" chống lại Tổng thống Trump được lan truyền từ lâu. Hiện nay, lời kêu gọi sử dụng quân đội để đảo ngược kết quả bầu cử khiến những thuyết âm mưu này đạt mức độ nguy hiểm cao hơn.
Nó cũng đồng thời cho thấy mức độ ảnh hưởng của ông Trump đối với các cử tri trung thành nhất, theo Politico.
"Trọng tâm của những thuyết âm mưu này là sự tồn tại giả định của mạng lưới bất chính tìm cách hủy hoại nước Mỹ và hạ bệ ông Trump. Nên ông ấy có thể sử dụng các thuyết này để giúp ích cho mình", Jared Holt, chuyên gia từ cơ quan tư vấn chính sách Atlantic Council, nói.
Câu trả lời cho mọi rắc rối
Những năm gần đây, Luật Nổi dậy ngày càng phổ biến trong các cuộc thảo luận của phe cực hữu. Họ cho rằng đây sẽ là công cụ giúp chính quyền Trump giải quyết mọi rắc rối, từ trục xuất người nhập cư trái phép, cho đến bắt giữ những thế lực ngầm tìm cách đảo chính.
Hồi tháng 5, QAnon - tổ chức thường lan truyền những thuyết âm mưu vô căn cứ - kêu gọi sử dụng Luật Nổi dậy để giải quyết tình trạng "bất ổn dân sự gia tăng" giữa phong trào biểu tình phản đối việc người Mỹ da màu George Floyd bị cảnh sát Minnesota làm thiệt mạng.
Tới tháng 6, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton lần đầu đưa Luật Nổi dậy ra thảo luận công khai trong một bài viết trên tờ New York Times. Thượng nghị sĩ Cotton kêu gọi ông Trump kích hoạt đạo luật, sử dụng quân đội để đáp trả các cuộc biểu tình chống cảnh sát.
Ong Trump co the kich hoat luat noi day de ngan can ong Biden?-Hinh-2
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Tom Cotton. Ảnh: AP. 
Tổng thống Trump sau đó cũng nhắc lại ý tưởng này. Ông tuyên bố với cử tri rằng mình có thể sử dụng quân đội để giải tán các cuộc biểu tình.
Kể từ đó, đối với những người ủng hộ cực đoan của ông Trump, Luật Nổi dậy nhanh chóng trở thành lời giải cho mọi vấn đề - kể cả cuộc bầu cử mà chiến dịch của ông Trump cáo buộc có gian lận.
"Thẩm quyền của tổng thống là áp dụng Luật Nổi dậy và tuyên bố thiết quân luật", Roger Stone, một đồng minh của ông Trump, nói. Stones cũng cho rằng ông Trump có thể sử dụng luật này để bắt giữ bất cứ ai can thiệp vào bầu cử, từ CEO Facebook Mark Zuckerberg cho tới vợ chồng nhà Clinton.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý không đồng ý với ông Stone. Jimmy Gurule, cựu công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ, nói cần tồn tại một "âm mưu" thực sự để có thể sử dụng quân đội liên bang theo Luật Nổi dậy.
"Vấn đề mấu chốt ở đây là câu hỏi: 'Âm mưu quái quỷ đó là gì?'. Không ai có thể chỉ ra người tham gia âm mưu, phạm vi của âm mưu, mục tiêu của âm mưu", ông Gurule nói.
Trả lời phỏng vấn Fox News, Tổng thống Trump từng nói có thể sử dụng quân đội để "nhanh chóng giải tán" những người biểu tình chống đối sau cuộc bầu cử.
"Hãy xem, đó là hành vi nổi dậy. Chỉ cần gửi quân tới trấn áp, chúng ta có thể làm điều đó dễ dàng", ông Trump nói.
Quân đội sẽ trấn áp ai?
Năm tuần sau ngày bầu cử, phần lớn nỗ lực pháp lý của phe ông Trump thất bại. Hôm 14/12, đại cử tri đoàn trên khắp nước Mỹ bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Những người ủng hộ ông Trump cực đoan nhất đang kêu gọi kích hoạt Luật Nổi dậy, sử dụng quân đội để dập tắt "cuộc nổi loạn chống lại nhà chức trách Mỹ".
Những người này cho rằng đạo luật trao quyền cho Tổng thống Trump đối phó với phe Dân chủ và các thế lực ngầm đang âm mưu loại bỏ ông khỏi Nhà Trắng.
"Những người lan truyền thuyết âm mưu thường không có kiến thức pháp lý. Họ đơn giản chỉ bắn đi mũi tên khi mọi thứ không như ý", Brian Levin, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan và Thù hận, Đại học California, nói.
Các chuyên gia pháp lý nhận định Tổng thống Trump không có cơ hội để kích hoạt Luật Nổi dậy trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, điều này không ngăn được những người như Lim Wood, luật sư trong đội ngũ pháp lý của ông Trump, kêu gọi tổng thống sử dụng quân đội để cản trở cuộc họp của đại cử tri đoàn bang Georgia.
Cuối tuần qua, sau khi Tòa án Tối cao bác đơn kiện của tiểu bang Texas đối với quy trình bầu cử ở 4 bang chiến trường, người ủng hộ ông Trump tiếp tục đổ xuống đường phản đối. Sử dụng quân đội là một trong những thỉnh cầu mà người biểu tình ủng hộ gửi tới ông Trump.
Theo ông Gurule, ngay cả khi Tổng thống Trump thực sự kích hoạt đạo luật, sẽ không có lực lượng nổi dậy nào để quân đội trấn áp.
Ong Trump co the kich hoat luat noi day de ngan can ong Biden?-Hinh-3
 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
"Làm thế nào để quân đội trấn áp cái gọi là 'gian lận bầu cử'? Chiếm lại quyền kiểm soát lá phiếu chăng? Hay chiếm lại tất cả máy bỏ phiếu?", ông Gurule nói.
Luật Nổi dậy có lẽ chỉ là một chủ đề được liên tục nhắc lại nhằm giữ lửa cho phong trào "Làm nước Mỹ vĩ đại một lần nữa" của ông Trump, theo Politico.
Tuy nhiên, điều ông Brian Levin lo ngại chính là việc Tổng thống Trump có thể sử dụng đạo luật này để gửi thông điệp tới cử tri ủng hộ, rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden là một cuộc nổi dậy bất hợp pháp.
Theo Duy Anh/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)