Đó là nhận định của học giả Paula J. Dobriansky, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề toàn cầu (2001-2009), trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest số ra tháng 1-2 năm 2017.
Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Paula J. Dobriansky, một số nước đang tìm cách lật đổ trật tự quốc tế hiện hành và không có cường quốc nào - ngoại trừ Mỹ - nghiêm túc cam kết bảo vệ nó.
|
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quốc tế chưa từng có và rất đa dạng. Ảnh YouTube |
Thay vì phải đối mặt với một vấn đề chính sách đối ngoại duy nhất, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức quốc tế chưa từng có và rất đa dạng.
Những thách thức này bao gồm: nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có tính khí thất thường và đe dọa tiến hành chiến tranh hạt nhân; Nga ngày càng trở nên quyết đoán và can thiệp vào các cuộc chiến từ Syria đến Ukraine; Châu Âu đang bị chao đảo bởi cuộc khủng hoảng người tị nạn và tiếp tục tình trạng bất ổn kinh tế-chính trị; Trung Quốc đang ngày càng đe dọa các nước láng giềng, quyết đoán theo đuổi tuyên bố chủ quyền (phi lý) trên biển và đang tìm cách loại trừ ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á; những nỗ lực thống trị Trung Đông của Iran và xung đột Sunni-Shiite leo cao gây mất ổn định trong khu vực. Và cuối cùng là các mối đe dọa khủng bố thánh chiến.
Siêu cường Mỹ hiện không được tôn trọng và cũng không khiến cho người ta e sợ. Các đối thủ của Mỹ đang bắt tay nhau và trục Moscow-Bắc Kinh-Tehran là ví dụ đáng kể nhất. Trục này không chỉ tìm cách khiến cho Mỹ phải hứng chịu một loạt các thất bại nhục nhã, mà còn làm mất uy tín phương pháp tiếp cận Mỹ trong việc quản trị toàn cầu. Và, thật không may, trục này đã đạt được một số thành công.
Các nước bạn bè của Mỹ cảm thấy bị bỏ rơi, bị gạt ra rìa và bị xa lánh; liên minh của Mỹ thì bị suy yếu. Việc liên tục vẽ ra “những vạch đỏ” để rồi liên tục rút lui đã khiến cho uy tín và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ bị giảm sút đáng kể. Việc chính quyền Obama tuyên bố không sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên đã gây hại rất nhiều cho chính sách răn đe của Mỹ.
Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump cũng phải đối mặt với sự giảm sút đáng kể về hậu thuẫn trong nước dành cho chính sách đối ngoại quyết đoán. Một bộ phận lớn cử tri đang đặt câu hỏi về vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Nhiều người Mỹ cũng đã quay lưng lại với thương mại tự do vốn là một thành phần quan trọng của chiến lược toàn cầu Mỹ thời hậu chiến. Nhiều người Mỹ tỏ ra coi thường các nước đồng minh và coi các tổ chức toàn cầu là không thích hợp, thậm chí còn nguy hiểm.
Để đối phó hữu hiệu những thách thức chưa từng có và rất đa dạng nói trên, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cần phải cấp bách tiến hành một số biện pháp.
Thứ nhất, tân Tổng thống Mỹ phải đưa ra một chiến lược rõ ràng, những nguyên tắc cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ và nhận thức được vì sao những lợi ích quốc gia quan trọng đòi hỏi sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Thứ hai, Mỹ phải giữ vai trò lãnh đạo quốc tế, phải can dự với cả đồng minh lẫn bạn bè và phải ngăn chặn kẻ thù. Hướng tới mục tiêu này, tân Tổng thống Donald Trump phải cam kết tôn trọng các cam kết và hiệp ước đã ký. Với nguồn lực trong nước có hạn, việc Mỹ chia sẻ gánh nặng và quản lý hữu hiệu liên minh là rất cần thiết.
Thứ ba, Mỹ nên cam kết duy trì một trật tự thế giới tế ổn định và tuân thủ luật pháp quốc tế. Không được từ bỏ những giá trị cốt lõi và đạo đức Mỹ, nhưng cũng không nên áp đặt một cách thô bạo những giá trị này lên các nước khác.
Thứ tư, việc có một nền kinh tế và quốc phòng mạnh mẽ chính là chìa khóa cho sức mạnh Mỹ trên toàn cầu, Tổng thống Mỹ đắc cử Trump nên tập trung nhiều vào cả hai lĩnh vực này.