Theo trang mạng DEBKAfile của Israel, Tổng thống Tayyip Erdogan đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sa vào 3 cuộc chiến tranh đồng thời: hai cuộc ở bên ngoài biên giới (ở Syria và Iraq) và một cuộc chiến chống lại lực lượng nổi dậy người Kurd ở trong nước. Mặc dù cường độ của ba cuộc chiến tranh nói trên chưa cao, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị lôi vào cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn và phức tạp hơn.
|
Tổng thống Tayyip Erdogan đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ sa vào 3 cuộc chiến tranh đồng thời. Ảnh Newsweek |
Vốn đã bị quá tải vì 3 cuộc chiến tranh nói trên, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phải đối mặt với mạng lưới khủng bố của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, Mặt trận al-Nusra có liên hệ với Al Qaeda và quân nổi dậy người Kurd Syria.
Trong năm 2016, Ankara và Istanbul đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công khủng bố của phiến quân IS và lực lượng nổi dậy người Kurd (PKK), làm cho hơn 180 người bị thiệt mạng.
Việc liên quân Syria-Hezbollah-Iran-Nga đại thắng ở Aleppo đã buộc một số lượng lớn quân nổi dậy Syria chạy từ Đông Aleppo đến tỉnh Idlib có biên giới chung với Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy Ankara vào tình thế khó xử: mở cửa biên giới như trước đây hoặc đóng lại theo đòi hỏi của Nga. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đóng cửa biên giới, các nhóm phiến quân Syria sẽ bị vây hãm, tương tự như Ai Cập và Israel đang phong tỏa Dải Gaza. Điều này sẽ khiến cho các nhóm phiến quân ở Syria không còn nhiều tùy chọn để sống sót ngoài việc đưa chiến tranh vào miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Giống như các cơ quan tình báo, Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang bị quá tải khi mở rộng cuộc chiến chống IS ở Syria sang đánh Mặt trận al-Nusra (hiện mang tên Mặt trận Fatah al-Sham), các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan và dân quân người người Kurd.
Tình hình có thể biến thành tai họa nếu thiểu số người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ chọn thời điểm này để đứng lên chống lại chính phủ của Tổng thống Erdogan, với sự ủng hộ của PKK và dân quân người Kurd ở Syria (YPG). Có đến 10 triệu người Kurd đang sinh sống ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ trong tổng số 22 triệu người Kurd trong cả nước.
Kể từ khi cuộc đảo chính bất thành tháng 7/2016, Tổng thống Erdogan đã theo đuổi một chiến dịch đàn áp liên tục và thanh trừng quyết liệt trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại đối thủ chính của ông là giáo sĩ Fethullah Gulen, người mà ông cáo buộc đã dàn dựng các cuộc nổi dậy từ nơi sống lưu vong ở Mỹ. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ luôn đổ lỗi cho giáo sĩ Gulen phải chịu trách nhiệm về mọi hành động phản đối sự cai trị hà khắc của ông và sau đó dùng bàn tay sắt nghiền nát các đối thủ.
Chỉ có điều, chiến dịch đàn áp và thanh trừng thẳng tay lại gây ra tác dụng ngược lại với dự tính của Tổng thống Erdogan. Vốn là một nhân vật bên lề chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch đàn áp của Tổng thống Erdogan đã biến giáo sĩ Gulen thành người hùng và đẩy những người phản đối vào vòng tay của các phần tử cực đoan.
Nếu Tổng thống Erdogan không thể ngăn chặn cuộc chiến Syria lan sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông có thể sẽ phải chiến đấu ở trong nước không phải trên một mà trên cả ba mặt trận: chống lại thiểu số người Kurd, các phần tử Hồi giáo cực đoan và Phong trào Gulen.