Những hậu quả của vụ TNK bắn hạ máy bay Nga

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc khủng hoảng Syria sau vụ TNK bắn hạ máy bay ném bom Nga có nguy cơ chuyển từ nội chiến sang đụng độ trực tiếp giữa các cường quốc quân sự.

Đó là nhận định của tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong vấn đề toàn cầu” (Russia in Global Affairs)  Fyodor Lukyanov đồng thời là  Chủ tịch Đoàn Chủ tịch của tổ chức Hội đồng Ngoại giao và Chính sách Quốc phòng.
Nhung hau qua cua  vu TNK ban ha may bay Nga
Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong vấn đề toàn cầu” Fyodor Lukyanov.
Theo Tổng biên tập  Lukyanov, chuyển biến tiêu cực này là có thể đoán trước. Khi  lực lượng vũ trang của các nước lớn hoạt động trong một khu vực chiến sự chật hẹp mà không có sự phối hợp toàn diện,  việc tránh xảy ra sự cố là hầu như không thể. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga đã làm leo thang căng thẳng đột biến. Nét mặt và những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Vladimir Putin về "cú đâm sau lưng” này cho thấy phản ứng mạnh mẽ của Nga là không thể tránh khỏi. Ông Putin không phải là mẫu chính trị gia “lời nói không đi đôi với việc làm”.
Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm
Bất kể có động cơ gì, Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi một trò chơi rất nguy hiểm. Bằng cách nhờ cậy NATO ngay sau vụ bắn hạ máy bay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm sự đoàn kết và hỗ trợ từ các đồng minh trong liên minh quân sự này. Nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ chủ động bắn hạ chiến đấu cơ Nga ở Syria không thể được xem là một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên NATO. Nếu đúng là máy bay Nga đã bay qua không phận của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có 17 giây như Ankara tuyên bố, người ta không thể không đặt vấn đề rằng phản ứng quân sự  của Ankara là quá đáng.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ kháng cáo lên NATO về cuộc khủng hoảng Syria, nhưng cho đến nay liên minh quân sự này đã  lảng tránh bởi vì mưu đồ đen tối của Ankara trong khu vực khiến cho các đồng minh nghi ngờ. Thổ Nhĩ Kỳ  cho rằng  hoạt động người Kurd “ở trong và xung quanh Syria còn nguy hiểm hơn nhiều so với đà tiến của nhóm khủng bố  Nhà nước Hồi giáo (IS)”. Các giao dịch ngầm và hoạt động buôn lậu giữa nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã được cho qua, trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris.
Hiện thời, sự khoan dung của cộng đồng thế giới đối với Thổ Nhĩ Kỳ không còn như trước. Theo báo cáo từ cuộc họp khẩn cấp của NATO, không có nước nào đứng ra  bảo vệ Nga, nhưng nhiều chính khách tự hỏi tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại tiến hành một hành động  mạo hiểm như vậy.
Thái độ của Châu Âu đã thay đổi đáng kể sau các vụ tấn công khủng bố trên bán đảo Sinai và ở Pháp. Chiến dịch không kích phiến quân của Nga ở Syria đang nhận được sự đồng tình, thông cảm nhiều hơn.  Một cuộc đối đầu mới với Nga là  đặc biệt nguy hiểm và có thể hủy hoại tất cả kế hoạch chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Tin tức về một trong hai phi công nhảy dù khỏi chiếc Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ  đã bị cái gọi là quân nổi dậy “ôn hòa” bắn chết  khiến cho người ta nhìn nhận khác về các nhóm phiến quân này và  có thể làm cho tiến trình ngoại giao ở Vienna lâm vào  bế tắc.
Nga trả đũa như thế nào?
Rõ ràng, Nga sẽ không tấn công Thổ Nhĩ Kỳ vì trong trường hợp này NATO sẽ buộc phải can thiệp. Trừng phạt kinh tế là biện pháp khả thi hơn.
Các biện pháp trừng phạt của Nga sẽ  liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, du lịch,  xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ và tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng Thổ Nhĩ Kỳ “. Các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn ở  Nga phải đối mặt với nhiều hạn chế khắt khe hơn.  Các biện pháp hạn chế nhập khẩu thực phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một lựa chọn. Thổ Nhĩ Kỳ đã hưởng lợi rất nhiều khi Nga áp đặt lệnh cấm đối với các nguồn cung cấp thực phẩm đến từ  Liên minh Châu Âu.
Một lựa chọn khác là Nga sẽ  nhắm mục tiêu vào những lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Đó là việc không quân Nga tăng cường triệt hạ các tuyến buôn lậu giữa nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo với Thổ Nhĩ Kỳ và thẳng tay tấn công các nhóm phiến quân được Ankara hậu thuẫn. Để bảo vệ các máy bay ném bom ở Syria, Nga triển khai hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất S-400 ở Syria và huy động thêm hàng chục máy bay tiêm kích hiện đại để bảo vệ các máy bay ném bom.  
Quan hệ giữa Nga với người Kurd có thể sẽ thay đổi.  Nhưng đây sẽ là một động thái nguy hiểm  vì Thổ Nhĩ Kỳ có thể hỗ trợ phong trào độc lập ở Crimea bằng nhiều cách và giữ "chìa khóa" ra vào Biển Đen.  Nếu tình hình xấu đi hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ có thể rút khỏi Công ước mở cửa Biển Đen. Do đó, Biển Đen có thể bị biến thành một khu vực khủng hoảng.
Liên minh thời vụ chống IS
Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi theo con đường riêng  và cảm thấy không cần thiết phải phối hợp tất cả các hành động với NATO.  Tuy hành động riêng rẽ và vượt ra ngoài qui định của NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cầu viện liên minh quân sự này trong những tình huống nguy  cấp như vụ bắn hạ Su-24 của Nga.
Một lựa chọn khác là thành lập một liên minh thời vụ  với mục đích giải quyết một nhiệm vụ cụ thể. Đây là phương pháp tiếp cận hiện đại đã được thực hiện  từ đầu thế kỷ này,  khi nó lần đầu tiên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld đề xuất.  Một  “đại liên minh” chống IS  có thể tập trung  nỗ lực chống nhóm khủng bố  Nhà nước Hồi giáo của  Nga, Pháp, Mỹ  và nhiều nước khác.  Một liên minh như vậy không cần cam kết trung thành hoặc giá trị chung, nhưng lại tỏ ra khá hiệu quả trong một thời điểm nhất định.
 Nếu nguyên tắc này chiếm ưu thế, vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga  sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Nhưng một liên minh như vậy chỉ có tính chất thời vụ. Một khi nhiệm vụ đề ra hoàn tất,  các đối tác trong liên minh lại quay ra cạnh tranh gay gắt với nhau.
Minh Châu (Theo Russia in Global Affairs)

Bình luận(0)