|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. |
Theo mạng tin Sankei của Nhật Bản, Cục Hải
dương Quốc gia Trung Quốc ngày 23/4 đã hợp thức hóa hành động xâm phạm
lãnh hải Nhật Bản khi nói rằng mục đích phái 8 tàu hải giám tới vùng
biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là nhằm giám
sát các tàu Nhật Bản hoạt động ở vùng biển này.
Theo hãng tin Kyodo (Nhật Bản), động thái
xâm phạm lãnh hải Nhật Bản của 8 tàu hải giám này đã buộc Tokyo phải gửi
công hàm phản đối Bắc Kinh. Rõ ràng, đây là lần đầu tiên một số lượng
lớn tàu hải giám của Trung Quốc xâm phạm vùng biển này kể từ tháng
9/2012, sau khi Chính phủ Nhật Bản mua 3 trong số 5 hòn đảo ở Senkaku từ
một chủ sở hữu người Nhật.
Tính đến nay, tàu Trung Quốc đã 40 lần xâm phạm lãnh hải Nhật Bản kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa các hòn đảo không người ở này.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu Đại sứ Trung Quốc
để trao công hàm phản đối các động thái của tàu Trung Quốc. Phát biểu
tại một phiên họp ủy ban của quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho
rằng hành động xâm phạm này là đáng tiếc, song vẫn để ngỏ khả năng đối
thoại với Trung Quốc.
Báo Sankei khẳng định Nhật Bản thực sự quan
ngại trước khả năng ban lãnh đạo Trung Quốc - vốn chủ trương coi trọng
quyền và lợi ích biển - sẽ áp dụng chiêu bài đối đầu một cách cứng rắn
hơn trong vấn đề chủ quyền.
Chuyến thăm đền Yasukuni của các quan chức cấp cao
trong Nội các của Thủ tướng Abe có thể khiến quan điểm đối với Nhật Bản
của ban lãnh đạo Trung Quốc càng thêm cứng rắn, và có thể sự việc này
liên quan chặt chẽ đến cuộc rượt đuổi đầy nguy hiểm trên biển Hoa Đông
vừa qua.
Theo Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, do 3 tàu hải giám phát hiện nhiều tàu Nhật Bản đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nên đã quyết định tăng viện thêm 5 tàu hải giám khác đang tham gia hoạt động tuần tra định kỳ trên biển Hoa Đông đi vào khu vực này. 8 tàu hải giám trên được chia thành 4 biên đội, chủ yếu giám sát “hành động xâm phạm chủ quyền của Nhật Bản” từ một hướng khác.
Cách gọi “nhiều tàu Nhật Bản” của Trung Quốc ám chỉ các tàu đánh cá của 80 thành viên thuộc một tổ chức chính trị. Phía Trung Quốc phái tàu hải giám đến vùng biển này là nhằm chống lại hoạt động của tàu cá Nhật, đồng thời khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại đây.
Cục Hải dương tuyên bố vùng biển xunh quanh Điếu Ngư/Senkaku là lãnh hải của Trung Quốc và nhấn mạnh: “Dưới áp lực của các tàu hải giám, các tàu cá Nhật Bản lần lượt rời khỏi vùng lãnh hải của Trung Quốc. Hành động giám sát của các tàu hải giám đã phá vỡ âm mưu của các phần tử cánh hữu ở Nhật Bản.”
Cục này còn rêu rao rằng đây là một “thắng lợi” của Bắc Kinh. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ phía Nhật Bản về việc các phần tử cánh hữu nước này đã xâm phạm lãnh hải trái phép và gây rối”.
Tháng 3/2013, Trung Quốc đã hợp nhất đội tàu giám sát của Cục Hải dương Quốc gia hoạt động độc lập với đội tàu hải giám thuộc Bộ Nông nghiệp và đội cảnh sát biển của Bộ Công an vào lực lượng của Cục cảnh sát biển Trung Quốc mới được thành lập, và Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng đầu tiên.
Với việc Trung Quốc trao quyền cảnh sát cho Cục cảnh sát biển, phạm vi hoạt động vốn chỉ hạn chế trên phương diện hành chính đã được mở rộng đáng kể. Cùng với việc hợp nhất cơ cấu, số lượng tàu của lực lượng mới sẽ tăng mạnh, vượt qua con số 450 tàu tuần tra mà Lực lượng bảo an biển của Nhật Bản đang có.
Các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cũng đưa ra tiên đoán hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, đang lên kế hoạch viễn du trong năm nay, có thể sẽ đi qua vùng biển gần Okinawa và nếu điều này thực sự diễn ra thì đây có thể là động thái gia tăng đe dọa vũ lực của Trung Quốc nhằm vào Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: