Đó là nội dung trọng tâm của hội nghị thượng định đặc biệt của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản diễn ra tại Tokyo hôm qua đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao giữa 2 bên. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đẩy cẳng thẳng khu vực leo thang với động thái đơn phương lập Khu vực Nhận dạng Phòng không tranh cãi (ADIZ) mới trên Biển Hoa Đông.
|
Thủ tướng Shinzo Abe (thứ 6 từ trái sang) và các nhà lãnh đạo ASEAN bắt tay nhau sau Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN ngày 14/12.
|
Tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các nhà lãnh đạo của ASEAN đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc bảo đảm tự do hàng không cũng như sự an toàn của các hoạt động hàng không dân dụng”.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và thúc đẩy an ninh hàng hải, đảm bảo an toàn, tự do hàng hải, cũng như giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình", tuyên bố sau phiên họp nhấn mạnh.
Giới quan sát bình luận, tuyên bố này là lời khiển trách tập thể gián tiếp đối với Trung Quốc, quốc gia đang lún sâu vào các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông cũng như một số thành viên ASEAN ở Biển Đông. Bắc Kinh đã nhiều lẫn bị cáo buộc đe dọa, cưỡng chế và tiến hành các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng khu vực. Tokyo dường như đã thành công trong việc thúc đẩy ASEAN gián tiếp chỉ trích Trung Quốc đơn phương lập ADIZ mới tại Biển Hoa Đông trong tuyên bố này. (Tuyên bố không trực tiếp đề cập đến Bắc Kinh).
Hội nghị Nhật Bản-ASEAN hôm qua là cơ hội gặp gỡ và trao đổi chính thức và quan trọng đầu tiên của các lãnh đạo châu Á kể từ khi Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ trên Biển Hoa Đông và đe dọa sẽ có hành động tương tự tại Biển Đông. Nhiều người quan ngại, ADIZ của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông sẽ là tiền thân của một ADIZ trên Biển Đông.
Các chuyên gia cho rằng, tuyên bố trên cũng có khả năng thử phản ứng của Trung Quốc trong bối cảnh con rồng châu Á liên tục làm leo thang căng thẳng ở cả Biển Đông lẫn Hoa Đông, thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố sau hội nghị Nhật Bản-ASEAN còn nhấn mạnh: “Các lãnh đạo ASEAN kỳ vọng những nỗ lực của Nhật Bản sẽ đóng góp đáng kể trong công cuộc xây dựng và duy trì hòa bình, ổn định cũng như sự phát triển thịnh vượng trong khu vực”.
Từ đó, theo giới phân tích, hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN hôm qua cũng mang lại cho Thủ tướng Abe một số động lực trong kế hoạch tái vũ trang quân đội, đẩy mạnh vai trò quân sự của nước này trên trường quốc tế.
Bắt đầu kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Nhật Bản năm ngoái, Thủ tướng Abe đã rất tích cực công du 10 nước ASEAN, nhằm thắt chặt quan hệ và tìm kiếm các liên minh mạnh mẽ chống lại “người khổng lồ” Trung Quốc ngày càng ngang ngược.
“Nhật Bản và ASEAN là đối tác thực sự, thúc đẩy và mang lại thịnh vượng chung. Để đạt được điều này chúng ta phải duy trì hòa bình, bảo vệ quyền tự do hàng không và hàng hải. Kể từ khi nhậm chức, chiến lược ngoại giao của tôi là để mắt tới toàn bộ thế giới, trong đó ASEAN luôn là một đối tác đặc biệt quan trọng”, ông Abe nhấn mạnh.
Dù vậy, các nhà ngoại giao Nhật Bản cũng biết rằng, điều này rất khó khăn khi nhiều nước Đông Nam Á nằm trong quỹ đạo kinh tế của Bắc Kinh.
Cuối hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN, Tokyo cam kết cho vay và viện trợ 20 tỷ USD cho khu vực trong 5 năm. Giới quan sát bình luận, Tokyo cũng đang tranh thủ lợi dụng hội nghị thượng đỉnh với các nước ASEAN để thu hút sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên trong việc gây áp lực với Trung Quốc. Khoản tiền viện trợ và cho vay kếch xù trên là một phần trong chiến lược “tấn công quyến rũ” của chính quyền Abe nhằm tìm kiếm các đồng minh khu vực trong bối Trung Quốc ngày càng nỗ lực bành trướng ảnh hưởng ra ngoài khu vực.
Ngoài ra, ông Takashi Shiraishi, một chuyên gia về ASEAN ở Tokyo cho biết, ông Abe cũng đang tăng cường quan hệ với các nước khác, như Ấn Độ và Australia, với cùng một mục đích, kiềm chế Trung Quốc.