Người Ukraine thích ứng với cuộc sống ở Nga như thế nào? (1)

Google News

(Kiến Thức) - Những người dân tị nạn Ukraine mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn nơi đất khách Nga với vô vàn khó khăn phía trước.

Sau 3 ngày bị kẹt lại dưới căn hầm chật chội và kín bưng để tránh các đợt bom đạn, cặp vợ chồng Svetlana và Sergei Divenko suy ngẫm khá kĩ lưỡng rồi đưa ra quyết định khó khăn đối với tất cả các thành viên trong gia đình. Họ sẽ mang hai con nhỏ rời quê hương ở vùng miền đông Ukraine đang chìm trong khói đạn chiến tranh để tới Nga. Tất cả tài sản của gia đỉnh nhỏ được gói ghém vào trong một chiếc túi.
Họ kể lại rằng, có lẽ hành trình chạy xe ô tô trong vòng 2 ngày từ thành phố Slovyansk tới Belgorod (Nga) hồi tháng 6 là trải nghiệm nguy hiểm nhất trong cuộc đời họ. Bởi lẽ, họ đã may mắn vượt qua bao làn bom đạn không ngớt và cả 6 trạm kiểm soát trên suốt dọc đường đi.
Những người dân tị nạn Ukraine tập trung ở khu lán trại dựng tỉnh Rostov (Nga).
“Sau hành trình đó, con trai của tôi có thể sẽ không bao giờ còn thích cầm những khẩu súng đồ chơi một lần nữa. Ở mỗi chặng kiểm soát, lũ trẻ thường bị chĩa thẳng súng vào người. Chúng tỏ rất sợ hãi”, cô Svetlana kể lại.
Tuy nhiên, giống như nhiều công dân Ukraine ở vùng miền đông, gia đình anh Divenko tới Nga không chỉ để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhà mà còn hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) thống kê, hơn 1 triệu người dân Ukraine ở vùng chiến sự đã đi sơ tán. Một quan chức nhập cư Nga hồi tuần trước cũng đưa ra con số những người tị nạn Ukraine ở Nga vào khoảng 1 triệu. Tuy nhiên, các quan chức Ukraine tố rằng, Nga đã phóng đại điều đó nhằm một vài lý do chính trị.
Theo Kiev, Nga muốn lợi dụng cuộc khủng hoảng tị nạn này để cho thế giới thấy những hành động nhân đạo của họ, qua đó dẹp bỏ những chỉ trích của phương Tây đối với hoạt động của Moscow ở Ukraine, nơi những thành viên ly khai tham gia cuộc xung đột với lực lượng chính phủ.
Sau khi tới Nga, các công dân Ukraine sẽ được tiếp đón thân tình, tạo điều kiện về nơi ăn ở và cơ hội tìm kiếm công việc. Ban đầu, lúc mới sang, những người tị nạn sẽ ở các khu lều trại dựng gần biên giới Nga-Ukraine. Một vài người sau đó tới ở những căn hộ tạm thời. Số khác lại di chuyển tới sâu vào bên trong lãnh thổ Nga như các thành phố gần Moscow, Bắc Caucasus hay vùng Viễn Đông.
Trong số đó, một số người có ý định sẽ sinh sống lâu dài trên đất Nga mặc dù lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine có hiệu lực kể từ ngày 5/9.
“Chúng tôi không thấy bất cứ tương lai nào ở Slovyansk”, anh Divenko nói và cảm thấy may mắn khi cả gia đình anh đã thoát ra khỏi vùng chiến sự đầy ác liệt ở quê nhà.
(còn tiếp)
Thanh Nga (theo MT)

Bình luận(0)