Cuộc chiến Azerbaijan-Armenia ở khu vực Nagorno-Karabakh đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 người từ cả hai phía. Sau đó, Azerbaijan tuyên bố ngừng bắn đơn phương.
|
Đụng độ Nagorno-Karabakh: Khúc dạo đầu của cuộc chiến Azerbaijan-Armenia. Ảnh sputnik.com |
Về mặt quân sự, sẽ là công bằng để nói rằng Baku và Yerevan sẽ không lao vào một cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, cuộc đụng độ ở Nagorno-Karabakh chính là khúc dạo đầu cho cuộc chiến Azerbaijan-Armenia trong tương lai.
Trong cuộc chiến sắp tới này, phía Azerbaijan sẽ tấn công kết hợp giữa các binh chủng để nhanh chóng để đạt được kết quả quyết định, trong khi Armenia sẽ cố gắng lợi dụng địa hình phức tạp để phòng thủ và phát động các cuộc phản công qui mô nhỏ để giành lại các vị trí đã mất.
Nga sẽ tìm cách hòa giải đôi bên, trong khi hậu thuẫn Armenia qua “cửa hậu”. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Azerbaijan, nhưng Ankara sẽ đóng một vai trò hỗ trợ “có cân nhắc”.
Cuộc chiến trên mức đụng độ “bình thường”
Rõ ràng, những vụ đụng độ mới đây là khác với các vụ đụng độ "bình thường" giữa Azerbaijan và Armenia.
Mặc dù báo cáo thương vong của các quan chức hai bên là khác nhau, nhưng chúng giống nhau về các thiết bị quân sự đã được sử dụng. Trong vụ đụng độ hiện nay, cả hai bên đều đã sử dụng trực thăng vũ trang, xe tăng chiến đấu chủ lực và các loại xe bọc thép khác với sự hỗ trợ của pháo binh.
Xét theo góc độ quân sự, các vụ đụng độ hiện nay ở Nagorno-Karabakh giống với những gì mà học thuyết chiến tranh hiện đại gọi là "chiến dịch kết hợp giữa các quân chủng". Nền tảng tác chiến của chiến dịch dựa trên việc đồng thời sử dụng các loại vũ khí khí tài khác nhau, thông qua một chiến dịch đồng bộ để đạt được những gì mà “mỗi quân chủng riêng biệt” không thể nào làm nổi.
Do đó, các loại vũ khí trên chiến trường sẽ bù đắp cho sự khiếm khuyết của các bên tham chiến và mang lại lợi thế để tiến công.
Trong một kịch bản chiến thuật đơn giản, xe tăng có nhiệm vụ tấn công và bảo vệ bộ binh, trong khi bộ binh bảo vệ xe tăng trước các hệ thống chống tăng. Đồng thời, pháo binh sẽ trút lửa ghìm đầu đội hình đối phương, trong khi trực thăng tấn công sẽ săn lùng xe tăng địch để mở đường cho một cuộc tấn công bằng xe bọc thép.
Đáng chú ý, chiến dịch kết hợp giữa các quân chủng này nhằm đạt được những kết quả quyết định và nhanh chóng. Rõ ràng, ở cấp độ chiến lược, loại hình tác chiến này nhằm mục đích thay đổi sự kiểm soát lãnh thổ.
Mức độ nghiêm trọng của sự lựa chọn quân sự
Một chi tiết quan trọng về sự cân bằng chiến lược ở Nagorno-Karabakh được thể hiện qua thông báo thương vong của Tổng thống Armenia, ông Serzh Sargsyan, một thông báo không nói rõ số binh sĩ thiệt mạng là quân chính qui Armenia hay dân quân địa phương ở Nagorno-Karabakh.
Đây là một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng. Về vấn đề này, phía Azerbaijan lập luận rằng phần lớn các chiến binh thiệt mạng trên chiến trường đến từ Armenia chứ không phải đến từ lực lượng vũ trang địa phương.
Do đó, Baku dự đoán một sự suy giảm đáng kể nguồn nhân lực của chính quyền Armenia ở Nagorno-Karabakh.
Hơn nữa, quân đội Armenia - chủ yếu dựa vào nghĩa vụ quân sự và bị thiếu hụt nghiêm trọng về tài chính- đang phải đối mặt với nhu cầu hiện đại hóa trong những năm gần đây.
Nhìn chung, tương quan lực lượng tổng thể đã chuyển dịch theo hướng có lợi cho Baku trong những năm gần đây. Ngoại lệ duy nhất trong vấn đề này là giá dầu giảm ảnh hưởng đến công cuộc hiện đại hóa quân đội của Azerbaijan.
Học thuyết quân sự hiện nay của Azerbaijan, được thông qua trong năm 2010, nhấn mạnh quyền sử dụng sức mạnh quân sự để giành lại Nagorno-Karabakh. Nói cách khác, Azerbaijan muốn giành lại Nagorno Karabakh bằng mọi cách, thậm chí cả bằng vũ lực.
Các yếu tố Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Vào thời điểm này, nhược điểm chính của chính quyền của Tổng thống Aliyev được bắt nguồn từ nguy cơ gây ra một cuộc xung đột khu vực, trong đó Nga sẽ hỗ trợ Armenia.
Nga có căn cứ đáng gờm ở Armenia và được trang bị các hệ thống vũ khí chiến lược. Hơn nữa, Moscow và Yerevan gần đây đã ký một thỏa thuận phòng không chung.
Từ một góc nhìn rộng hơn, các yếu tố Nga phức tạp và không "chỉ đơn giản là" liên minh quân sự với Armenia.
Trong một thời gian dài, Moscow đã khai thác các cuộc xung đột kéo dài, bất kể ở Nagorno-Karabakh hay Nam Ossetia, để duy trì sự hiện diện quân sự tại các vùng lãnh thổ Liên Xô cũ.
Trong suốt cuộc đụng độ Azerbaijan-Armenia, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ tình đoàn kết mạnh mẽ với Azerbaijan do chia sẻ bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, có vẻ như, Ankara vẫn muốn tránh xảy ra một cuộc chiến tranh khu vực và chỉ tìm cách tăng cường sức mạnh cho đồng minh ở Baku.
Video chiến sự ác liệt ở Nagorno-Karabakh. (Nguồn Life News):