Tối ngày 26/6, tuyên bố của Nhà Trắng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria. Điều này làm dấy lên lo ngại nguy cơ Mỹ sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào lực lượng chính phủ Damascus.
“Mỹ xác định rằng chính quyền Assad đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nữa ở Syria mà có thể sẽ khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Các hoạt động chuẩn bị tương tự như vụ tấn công mà chính phủ Syria đã thực hiện hôm 4/4/2017”, trích tuyên bố của Nhà Trắng.
Đáp lại, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nga Frants Klintsevich cho rằng tuyên bố phi lý của Mỹ chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhằm vào quân đội Syria.
“Rõ ràng, Mỹ đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mới vào các căn cứ của quân đội Syria”, ông Klintsevich phát biểu.
|
Lực lượng Mỹ tại căn cứ của lực lượng người Kurd YPG ở núi Karachok gần Malikiya (Syria) ngày 25/4/2017. Ảnh: Reuters. |
Theo Andrei Kots, một cộng tác viên của đài Sputnik, nguy cơ Mỹ tấn công phủ đầu quân chính phủ Syria không phải là vô căn cứ. Andrei cho rằng, Washington từng tiến hành nhiều chiến dịch quân sự dựa trên những “bằng chứng ngụy tạo”.
Trước đó, ngày 4/4, liên minh các nhóm đối lập Syria do Mỹ hậu thuẫn đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib.
Đến ngày 7/4, Washington, dù không đưa ra được bất cứ bằng chứng về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, đã oanh kích căn cứ quân sự Syria ở Assh Shairat bằng 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk.
>>> Mời quý độc giả xem video: Mỹ nã hàng chục quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ của quân đội Syria hồi tháng 4/2017 (Nguồn: RT/Youtube)
Hồi năm 2003, Mỹ đã tiến hành cuộc “xâm lược” Iraq sau khi cáo buộc Tổng thống Iraq khi đó là Saddam Hussein phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt trong phòng thí nghiệm bí mật của ông. Tuy nhiên, chứng cứ mà Washington đưa ra chỉ là một ống nghiệm nhỏ chứa chất bột màu trắng.
“Mỹ đã tấn công quốc gia có chủ quyền Iraq và biến đất nước này trở thành khu vực bất ổn ở Trung Đông. Và, vũ khí hóa học chưa bao giờ được tìm thấy”, Kots nhấn mạnh.
|
Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trình trước Liên Hợp Quốc “bằng chứng” cáo buộc Iraq phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt ngày 5/2/2003. Ảnh: AP. |
Trước khi “xâm lược” Iraq năm 2003, Mỹ và NATO từng ném bom Nam Tư.
Cái được gọi là cuộc “thảm sát Racak” vào tháng 1/1999 khiến 45 người thiệt mạng là “nguyên nhân chính” khiến NATO cùng Mỹ đánh Nam Tư.
|
Khói lửa bốc lên tại một địa điểm sau khi chiến đấu cơ NATO tấn công Nam Tư hôm 24/3/1999. Ảnh: AP. |
“Tuy nhiên, những gì thực sự xảy ra ở Racak ngày 15/1/1999 vẫn khiến nhiều người hoài nghi. Trên thực tế, hai nhóm điều tra vụ ‘thảm sát Racak’ đã đưa ra những kết luận khác nhau”, nhà báo cho biết.
Ủy ban Châu Âu khẳng định rằng các lực lượng an ninh Serbia đã sát hại những dân thường Albania ở Kosovo. Tuy nhiên, dựa trên các bằng chứng pháp y, nhóm chuyên gia Serbia, Belarus và Phần Lan lại cho rằng nạn nhân của vụ “thảm sát” này có thể là những du kích Albania cải trang thành dân thường.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ và NATO đã bỏ qua những kết quả điều tra mẫu thuẫn này và tấn công quốc gia có chủ quyền (Nam Tư) dưới danh nghĩa “can thiệp nhân đạo”.