Mỹ-Nhật tập trận gửi thông điệp gì cho Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật được cho là để trấn an Tokyo về tham vọng của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

 Thủy quân Lục chiến Mỹ trong khoa mục tập trận đổ bộ chung.

Hàng loạt khoa mục tập trận chung chưa từng có giữa Mỹ và Nhật trong chiến dịch mang tên "Bình minh chớp nhoáng" kéo dài gần 20 ngày, bắt đầu kể từ đầu tháng này, ở  ngoài khơi bờ biển California có mục tiêu cụ thể: tấn công đổ bộ tái chiếm đảo sau khi nó bị xâm lược bởi một lực lượng không quy mô nhưng được vũ trang đầy đủ.

Theo đó, đảo San Clemente, cách San Diego khoảng 120 km về phía tây bắc “sắm vai” chuỗi đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, Điếu Ngư/Senkaku là nơi diễn ra cuộc tập trận tái chiếm đảo. Giới chức Nhật Bản công khai tuyên bố, cuộc tập trận không nhằm vào một nước thứ 3 nào nhưng nó vẫn đổ “thêm dầu lửa”, khiến tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Bắc Kinh và Tokyo càng thêm căng thẳng.

Các tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra cộng thêm việc Trung Quốc thường xuyên điều tàu hải giám dễ dàng xâm nhập các vùng biển xung quanh Điếu Ngư/Senkaku rõ ràng phơi bày thực tế, Nhật Bản có khả năng nhanh chóng bị đánh bại trong trường hợp đối thủ mở cuộc tấn công nhắm mục tiêu vào chuỗi đảo phía tây và tây nam của nước này bao gồm Okinawa và Điếu Ngư/Senkaku. Cuộc tập trận Bình minh chớp nhoáng chứng tỏ, phát triển khả năng bảo vệ và tái chiếm đảo trở thành ưu tiên của Nhật.

“Việc bảo vệ các đảo xa là vấn đề cấp bách nhưng Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (SDF) chỉ mới bắt đầu luyện tập để phát triển các khả năng như vậy. Nhật Bản cần phải xác định chiến lược quốc phòng và mua sắm thiết bị cần thiết cũng như đào tạo các thành viên SDF vì mục tiêu trên”, Trung tướng Koichi Isobe, Phó Tổng tham mưu trưởng Nhật Bản cho biết.

Về phía Trung Quốc, dĩ nhiên Bắc Kinh phản đối đồng thời yêu cầu Mỹ-Nhật hủy bỏ cuộc tập trận ngay từ đầu. Và đương nhiên, Tokyo–Washington đều bỏ ngoài tai yêu cầu của Bắc Kinh. Một nguồn tin thân cận với cuộc tập trận “Bình minh chớp nhoáng” tiết lộ, đây là động thái nhằm chứng tỏ với Trung Quốc rằng, Nhật Bản đang củng cố và tăng cường khả năng răn đe với sự hỗ trợ nhiệt tình của Mỹ.

“Chúng tôi đương nhiên biết Trung Quốc khó chịu nhưng xét từ góc độ của Nhật và Mỹ, mục tiêu của cuộc tập trận là nhằm xây dựng khả năng răn đe mạnh mẽ cho SDF. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chứng tỏ sự gắn bó chặt chẽ giữa 2 lực lượng Mỹ và Nhật Bản – để Trung Quốc thấy rằng, chúng tôi sẵn sàng chiến đấu”, CS Monitor dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.

Ngoài ra, trong bối cảnh Bộ Quốc phòng Mỹ bị cắt giảm ngân sách và phải tập trung các nguồn lực tại nhiều khu vực mới khác ở Châu Á-Thái Bình Dương, Washington đang muốn Tokyo đóng vai trò tích cực hơn trong liên minh an ninh. Cuộc tập trận là một phần quan trọng để Mỹ hiện thực hóa kế hoạch đó. Song một số nhà quan sát nhấn mạnh, cuộc tập trận cũng đặt Washington vào một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" tiềm tàng.

Tình thế nan giải?

Lực lượng Tự vệ mặt đất Nhật Bản rời khỏi chiếc máy bay chiến đấu MV-22 Osprey, chuẩn bị tham gia cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Nhật tại căn cứ của Thủy quân lục chiến Mỹ, Camp Pendleton ở California hồi tháng 2.

Theo Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, Washington có nghĩa vụ hỗ trợ Tokyo ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ của họ. Song chính quyền Obama không ít lần mạnh mẽ tuyên bố giữ lập trường trung lập và không đứng về bên tranh chấp nào. Đồng thời, Washington kêu gọi các bên bình tĩnh và khuyến khích giải quyết tranh chấp hòa bình thông qua đàm pháp ngoại giao.

“Cuộc tập trận đã được lên kế hoạch để diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình để tránh các rắc rối ngoại giao. Nhưng thực tế, Mỹ-Nhật tiến hành tập trận là để gửi tới Bắc Kinh một thông điệp – họ đang xây dựng khả năng ngăn chặn tình huống bị Trung Quốc xâm lược”, một quan chức Mỹ bình luận.

Sự cần thiết phải tăng cường khả năng bảo vệ đảo xa của Nhật lần đầu tiên được công nhận bởi cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda, người chủ trương quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư/Senkaku năm ngoái.

Dưới chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đương nhiệm, nhu cầu thành lập một lực lượng đặc biệt, theo mô hình Thủy quân lục chiến Mỹ, có khả năng đẩy lùi bất cứ cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mang tính cấp bách và bức thiết hơn.

Năm nay, Nhật đã tăng ngân sách quốc phòng trong 11 năm qua và dự kiến sẽ để dành ra một khoản kinh phí không nhỏ để mở rộng quy mô và phạm vi của Trung đoàn bộ binh phía tây. Đây là đơn vị đang được luyện tập tấn công, tái chiếm đảo dưới sự hướng dẫn của Thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Sasebo, tây nam Nhật Bản.

Đòn bẩy cho Abe?

 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Mối đe dọa từ Trung Quốc mà Nhật Bản nhận thức được cũng có thể mang lại cho Thủ tướng Abe đòn bẩy mà ông cần để nhanh chóng thay đổi thế trận quốc phòng của đất nước trong trường hợp Đảng Dân chủ tự do của ông nắm quyền kiểm soát cả hai viện của Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng tới. Nhiều nhà quan sát tin vào khả năng này.

Cuối năm nay, các nhà lập pháp Nhật Bản dự kiến thỏa luận về việc thành lập Hội đồng an ninh quốc gia theo kiểu Nhà Trắng của Mỹ và cho phép quân đội Nhật có quyền hành động tự vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ hay bất cứ đồng minh nào khác của họ trong trường hợp bị tấn công.

Trong một bài xã luận mới đây, John Swenson-Wright, giảng viên cao cấp về nền chính trị hiện đại Nhật Bản và các quan hệ quốc tế ở ĐH Cambridge nhấn mạnh, những thành công ban đầu trong chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe cho phép ông tiếp tục theo đuổi các sáng kiến về chính sách ngoại giao và an ninh mới.

“Thời Chiến tranh Lạnh, các thế hệ lãnh đạo Nhật Bản buộc phải chọn và theo đuổi các giới hạn trong vai trò của lực lượng an ninh. Nhưng nay, đối mặt với những thách thức an ninh mới trực tiếp và nghiêm trọng hơn, cả ở trong và ngoài khu vực Đông Á, Thủ tướng Abe có vẻ đang nỗ lực thúc đẩy một thế trận quốc phòng tham vọng và quyết đoán hơn cho Nhật Bản”.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Bạch Dương (Theo CS Monitor)

Bình luận(0)