Mỹ-ASEAN: Phải giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Kết thúc Hội nghị Cấp cao đặc biệt  Mỹ-ASEAN, Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông.

Trong tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN diễn ra ở Sunnylands, California, Tổng thống Obama và các lãnh đạo ASEAN kêu gọi giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông.
My-ASEAN: Phai giai quyet hoa binh tranh chap Bien Dong
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Obama khẳng định rằng tranh chấp Biển Đông cần phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc nhất mực từ chối tham gia vụ kiện Biển Đông, nhưng ông Obama cho rằng các bên hữu quan cần phải tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế (PCA) dự kiến sẽ được đưa ra vào nửa cuối năm nay.
Sau hai ngày nhóm họp trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, California, các nhà lãnh đạo tham dự đã ra tuyên bố chung kêu gọi một “giải pháp hòa bình” đối với tranh chấp Biển Đông cũng như đề cao “quyền tự do hàng hải và hàng không”.
“Bất cứ tranh chấp nào giữa các bên liên quan cũng cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các hình thức hợp pháp bao gồm phán quyết sắp tới được đưa ra dựa trên Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) mà các bên tham gia”, ông Obama nêu trong tuyên bố chung này.
Nhân dịp hội nghị cấp cao lần này, một lần nữa Tổng thống Obama khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục đưa tàu thuyền hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và ủng hộ các nước khác cũng làm như trên (tức đưa tàu thuyền tuần tra ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
My-ASEAN: Phai giai quyet hoa binh tranh chap Bien Dong-Hinh-2
Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN ở Sunnylands, California.
Trước đó, tại phiên khai mạc hội nghị, Tổng thống Obama nêu rõ: “Tại hội nghị lần này, chúng ta có thể thúc đẩy tầm nhìn chung về trật tự trong khu vực, ở đó, các nguyên tắc và cả thông lệ quốc tế bao gồm tự do hàng hải được tôn trọng còn tranh chấp nên giải quyết thông qua biện pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp”.
Trung Quốc vốn ngang ngược tuyên bố rằng nước này có quyền lịch sử đối với hầu hết diện tích Biển Đông và trái phép bồi đắp đảo đá ở vùng biển chiến lược này nhằm khẳng định chủ quyền phi lý.
Mặc dù không phải là một tuyên bố chính thức, nhưng Mỹ đã công khai lên tiếng phản đối hành vi phi pháp đó của Trung Quốc bằng việc điều tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo để thể hiện quyền tự do hàng hải và hàng không.
Thanh Nga (theo SCMP)

Bình luận(0)