|
Tổng thống Obama nhất quyết đổ trách nhiệm cho chế độ Assad thực hiện vụ tấn công hóa học hôm 21/8.
|
Tổng thống Barack Obama hùng hồn tuyên bố, ông “có bằng chứng tin cậy” chứng minh chế độ Assad phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công hóa học khiến hàng nghìn người Syria thiệt mạng hồi tháng trước ở ngoại ô Damascus. Song ông lại không đưa ra được bất cứ bằng chứng thuyết phục nào để biện minh cáo buộc của mình.
Trong khi đó, Ngoại trưởng John Kerry lấp liếm bằng cách nhấn mạnh, việc tiết lộ thông tin có thể gây nguy hiểm cho "các nguồn tin và phương pháp" thu thập thông tin tình báo của Mỹ.
Tuy nhiên, để thuyết phục Quốc hội cho phép đánh Syria, chính quyền Obama tung ra 13 video với những hình ảnh kinh hoàng, thảm khốc về vụ tấn công hóa học tháng trước ở ngoại ô Damascus, nhấn mạnh tính xác thực của các video đã được cộng động tình báo kiểm chứng.
Anh, Pháp và NATO cũng hùa theo Mỹ, đổ trách nhiệm cho chế độ Assad về vụ tấn công hóa học hồi tháng trước. Tuy nhiên, trên thực tế, những đoạn video mà chính quyền Obama vừa công bố chỉ mô tả chi tiết cảnh tượng các nạn nhân vật vã đau đớn và quằn quại hấp hối do bị khí độc tấn công chứ không hề chứng minh được, người phải chịu trách nhiệm cho tội ác này là chế độ Assad.
Một số nghị sĩ Mỹ vẫn tỏ ra hoài nghi: “Chính quyền đang yêu cầu chúng tôi phát động chiến tranh với chỉ 2 tài liệu một dài 4 trang và một dài 12 trang và không hề có bằng chứng xác thực cơ bản. Họ nói, họ có bằng chứng chứng minh chế độ Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng những bằng chứng đó theo tôi, lại không trực tiếp tới ông Assad”, Hạ nghị sĩ Alan Grayson, đến từ Florida bình luận.
Miễn cưỡng bênh vực phe nổi dậy
|
Hình ảnh các nạn nhân Syria bị thiệt mạng do nhiễm khí độc trong video của Mỹ.
|
Mỹ, Anh và cộng động tình báo Pháp đều thống nhất cho rằng, phe đối lập không đủ khả năng tiến hành một vụ tấn công hóa học quy mô như vậy.
“Chúng tôi chắc chắn không nhóm nào trong hàng ngũ phe đối lập có khả năng thực hiện cuộc tấn công quy mô như vậy, đặc biệt lại diễn ra ngay tại khu vực trung tâm do chế độ Syria kiểm soát”, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh trước các nhà lập pháp Mỹ.
Từ đó, báo cáo của Nhà Trắng viết, Mỹ với sự tự tin cao kết luận chế độ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trên quy mô nhỏ nhiều lần trong nhiều năm qua, bao gồm vụ tấn công hóa học ở ngoại ô Damascus hôm 21/8. Kết luận này dựa trên nhiều nguồn thông tin bao gồm báo cáo của các quan chức Syria lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công hóa học cũng như kết quả phân tích các mẫu vật thu thập được từ hiện trường trong phòng thí nghiệm.
“Chúng tôi kết luận rằng, phe đối lập không sử dụng vũ khí hóa học”, báo cáo của Nhà Trắng kết luận.
Tuy nhiên, một quan chức Liên Hiệp Quốc từng cho biết, có nhiều nghi vấn mạnh mẽ rằng, các lực lượng nổi dậy Syria sử dụng khí sarin. Tuy nhiên, tuyên bố trên không được xác nhận và Bộ Ngoại giao Mỹ thời điểm đó tuyên bố, không có bằng chứng chứng tỏ quân nổi dậy sử dụng vũ khí hóa học.
Trong khi đó, Nga, đồng minh của chế độ Assad đưa ra kết quả điều tra vụ tấn công hóa học ở Aleppo hồi tháng 3 cho biết, các chất khí độc được tự chế bằng phương pháp tương tự như đạn dược do nhóm phiến quân Bashaar al- Nasr, thuộc hàng ngũ Mặt trận Giải phòng Hồi giáo Syria chế tạo. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc đã phát hiện sarin trong các mẫu vật được lấy từ hiện trường.
Assad không có động cơ để sử dụng khí độc
Một số chuyên gia trong khu vực đặt nghi vấn về động cơ khiến Tổng thống Assad có thể ra lệnh thực hiện một cuộc tấn công hóa học như cáo buộc của Mỹ và phương Tây.
"Al-Assad không có động cơ xác đáng để sử dụng những vũ khí loại này ở giai đoạn này của cuộc xung đột. Ông ấy đang giành lợi thế chứ không hề bị thua thiệt", nhà phân tích Ed Husain của Hội đồng Quan hệ đối Ngoại bình luận. Ông Ed Husain cũng lưu ý, Mặt trận al-Nusra có liên kết với al Qaeda hoặc các nhóm đối lập khác có thể đã thực hiện vụ tấn công để lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột Syria.
William Polk, người từng làm việc trong chính quyền Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và và Chiến tranh Trung Đông năm 1967 cũng bình luận, "tôi không nhìn thấy ông Assad có thể đã đạt được bất cứ điều gì khi phát động cuộc tấn công hóa học như vậy".
Ngoài ra, số lượng người thiệt mạng chính xác ngớ ngẩn trong vụ tấn công theo báo cáo của Mỹ cũng đặt ra nhiều nghi vấn về tính chính xác của thông tin Mỹ đang sử dụng.
Theo báo cáo của chính phủ Mỹ kết luận, “1.429 người trong đó có 426 trẻ em đã bị thiệt mạng trong vụ tấn công hóa học”.
Tuy nhiên, cựu Giám đốc đánh giá tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ Mỹ, hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược cho rằng: “Cộng đồng tình báo Mỹ không thể nào có khả năng để ước tính và thống kê được con số chính xác tuyệt đối như vậy”. Trong khi, các biện pháp họ sử dụng để thu thập số liệu trên vẫn được bảo mật.
Ngoài số liệu chính xác mà Mỹ đưa ra, các bên khác chỉ đưa ra ước lượng tương đối như giới lãnh đạo phe nổi dậy Syria đưa ra con số hơn 1.300 người thiệt mạng, Tổ chức Tình báo Liên quân Anh kết luận ít nhất 350 người, tình báo Pháp ước tính ít nhất 355 người và một số báo cáo khác đưa ra số liệu khoảng 1.500 người.
Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc vẫn đang ra sức kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới kìm chế, không hành động cho tới khi có kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bao giờ Liên Hiệp Quốc sẽ công bố kết quả điều tra của họ. Và thực tế nhiệm vụ của nhóm thanh tra của Liên Hiệp Quốc chỉ là xác định liệu vũ khí hóa học đã bị sử dụng hay không chứ không phải ai là đã sử dụng chúng.