“Mắt thần” của Mỹ - Philippines giám sát TQ trên Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Theo Asia Times, căn cứ Oyster đang được xây dựng cách quần đảo Trường Sa 150 km sẽ là "mắt thần" của Mỹ, Philippines để giám sát Trung Quốc trên Biển Đông.

Subic thứ hai
Nằm cách thủ đô Manila của Philippines về phía tây nam 600km, các công nhân Philippine đang xây dựng một con đường nối liền giữa bán đảo Luzon tới vịnh Oyster trên quần đảo Palawan. 
Theo tìm hiểu, hòn đảo hoang sơ này là một địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng dự án này không có ý định thu hút khách du lịch nước ngoài mà hơn thế là các nhà chức trách Philippines muốn biến nơi đây thành một “vịnh Subic thứ hai” - tương tự như vịnh Cam Ranh của Việt Nam - có vị trí địa chiến lược quan trọng ở khu vực Thái Bình Dương, nơi từng là căn cứ lớn nhất của Hải quân Mỹ tại khu vực này.
Căn cứ trên vịnh Oyster mà Philippines đang xây dựng cách quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam khoảng 150km.
Tương tự như căn cứ Subic, căn cứ Oyster bao gồm các cảng nước sâu tự nhiên có khả năng lưu đậu các tàu có trọng tải lớn, kể cả tàu chiến. Nhưng không giống Subic, căn cứ Oyster hướng trực tiếp ra biển Đông, nằm ở vị trí chiến lược cách khu vực tranh chấp là quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chỉ 150 km.
Chính quyền Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã phân bổ khoảng 500 triệu peso (tương đương với 12 triệu USD) để nâng cấp xây dựng cơ sở hạ tầng ở căn cứ Oyster, với cầu cảng, ụ tàu và xưởng sửa chữa tàu hiện đại. Bên cạnh đó, Phillipines cũng đang xây dựng cảng hải quân nằm trong kế hoạch hiện đại hóa diện rộng lực lượng vũ trang của Philippines, dự kiến hoàn thành vào năm 2016, trùng với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Aquino.
Căng thẳng leo thang trước Trung Quốc đã giúp ông Aquino nhận được sự ủng hộ trong việc phê chuẩn chương trình hiện đại hóa quân đội 1,8 tỷ USD, bao gồm cả kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ Hải-Không quân và nâng cấp căn cứ Hải quân ở Subic. Đồng thời, chính phủ Philippines cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận chiến lược song phương với Washington rằng, nếu hoàn thành sẽ cho phép Mỹ triển khai trên cơ sở luân phiên một số lượng lớn các lực lượng an ninh trên đất Philippines, trong đó có căn cứ Oyster. Washington cho biết, đã cam kết một chương trình tài chính hạn chế cho dự án này từ nguồn vốn dự phòng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Kế hoạch phát triển vịnh Oyster của Manila được thúc đẩy nhờ giao thông tăng đột biến tại quân cảng Subic. Trung bình trong 6 tháng đầu năm, có 72 tàu chiến và tàu ngầm Mỹ ghé cảng Subic, trong khi đó cả năm 2012 mới có 88 tàu chiến, và 51 tàu trong năm 2010.
Để mắt tới Trung Quốc
Sự phát triển của căn cứ Oyster là nhằm phục vụ cho kế hoạch chiến lược chống tranh chấp lãnh thổ mà thời gian gần đây Trung Quốc luôn nhòm ngó, đặc biệt là trên biển Đông của Philippines bao gồm các bãi cạn Scarborough, nơi các tàu Trung Quốc và Philippines tham gia giao tranh một lần vào giữa năm ngoái. 
Một số nhà quan sát cho rằng, với việc thúc đẩy xây dựng căn cứ quân sự trên vịnh Oyster, Mỹ đang thiết lập “con mắt thần” để giám sát Biển Đông.
Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới trên vịnh Oysster đang gặp phải nhiều khó khăn, nhất là từ các nhà hoạt động môi trường. Các nhóm hoạt động vì môi trường đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch xây dựng cảng nước sâu phục vụ cho các tàu chiến hạng nặng tại đây vì sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm, phá hủy các rặng đá ngầm và san hô quý hiếm của khu vực này.
Hải quân Mỹ đã từng gặp phải một vụ tai tiếng khi tàu quét mìn USS Guardian, bị mắc cạn gần Tubbataha – một di sản thế giới của UNESCO và phá hủy khoảng 2.300 mét vuông các rặng san hô cao tới 10 mét tuyệt đẹp. Chính phủ Mỹ sau đó phải chịu khoản phạt lên tới 1,4 triệu USD nhưng với các nhà môi trường, đó chỉ là một giá rẻ mạt so với những thiệt hại về môi trường và giá trị sinh thái của khu vực.
Nếu kế hoạch căn cứ Oyster thành công, Mỹ sẽ giúp lắp đặt hệ thống radar công suất lớn dành riêng cho khu vực Biển Đông. Các hệ thống radar được thiết kế đặc biệt để giám sát các hoạt động hải quân của Trung Quốc và cho phép quân đội Mỹ, các tàu và máy bay dễ dàng thâm nhậm các cứ điểm quân đội của Bắc Kinh trên các vùng biển này.
Hải quân Phippines đang trong quá trình hiện đại hóa
Trong khi đó hải quân Philippines cũng đang trong quá trình hiện đại hóa khi gần đây liên tục mua sắm thêm các vũ khí mới bao gồm hai tàu tàu tuần duyên lớp Hamilton mua lại của Mỹ. Mới đây, Philippines đã mở thầu cho các tàu khu trục mới trị giá 18 tỷ peso. Đấu thầu đã thu hút được sự quan tâm từ 11 nhà cung cấp từ Ý, Pháp, Hàn Quốc và Ấn Độ... Manila cũng đã công bố kế hoạch mua 5 tàu tuần tra từ Pháp khoảng 90 triệu euro (116 triệu USD), cũng như các tàu hải quân đa chức năng từ Hàn Quốc. Họ sẽ hỗ trợ các hạm đội của 10 tàu tuần tra, mỗi cái nặng 1.000 tấn.
Hiện nay, Nhật Bản cam kết đẩy nhanh tiến độ bàn giao 10 tàu tuần tiễu thế hệ mới cho Philippines. Như vậy, cùng với 2 khinh hạm lớp Maestrale của Italia, 8 tàu rà quét lôi mua của Hàn Quốc, 1 tàu tuần tiễu cỡ 56m, 1 tàu cỡ 82m và 4 tàu tuần tiễu loại 24m, Hải quân Philippines sẽ có những bổ sung vượt bậc về chất.
Bình Nguyên (Theo Asia Times)

Bình luận(0)