Loại trang bị mà Đài Loan (Trung Quốc) có thể sớm bố trí ở Biển Đông được cho là chủ yếu nhằm vào các hoạt động của Trung Quốc Đại lục tại một trong những vùng biển tấp nập nhất thế giới.
|
Bốn cấu trúc mới xuất hiện trên đảo Ba Bình (theo hướng mũi tên đỏ chỉ). Ảnh: Google Earth. |
Cuối cùng chân tướng của những kết cấu bí mật, kỳ lạ mà Đài Loan (Trung Quốc) xây dựng phi pháp trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị lật tẩy dù giới chức quân sự Đài Loan cố tình giấu nhẹm.
Trung tuần tháng 9 vừa qua, hàng loạt cơ quan truyền thông đăng ảnh cập nhật đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm giữ phi pháp và gọi là đảo Thái Bình) của Google Earth cho thấy sự xuất hiện của 4 cấu trúc hình ba chạc nằm ở bờ phía Tây Bắc hòn đảo, trong đó có 2 cấu trúc kết nối với bờ, 2 cấu trúc còn lại dường như vẫn đang trong quá trình hoàn thành.
Sau khi bị lộ tẩy, giống như phản ứng của Cơ quan Tuần tra bờ biển Đài Loan, ngày 20/9, khi được hỏi về sự kiện trên, người đứng đầu lực lượng quân sự Đài Loan, ông Phùng Thế Khoan, chỉ rõ tất cả hạ tầng quân sự trên đảo Ba Bình và mục đích sử dụng chúng đều là bí mật, không tiện nói.
Dư luận sau đó có nhiều đồn đoán, bao gồm cả nhận định rằng kết cấu bí mật nêu trên là công trình quân sự, nhưng tất cả chỉ mới rõ ràng khi Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phân tích an ninh Đài Hải của Đài Loan, ông Mai Phục Hưng, tiết lộ rằng đó là hạ tầng xung quanh của trận địa radar AN/TPS-117.
|
Radar AN/TPS-117. Ảnh: Wiki. |
Trong một phát ngôn trên Facebook cá nhân sau đó được tờ Liberty Times dẫn lại, ông Mai Phục Hưng chỉ rõ đây là loại radar phòng không ba chiều tầm xa tương đối hiện đại do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Hiện nay, không rõ loại radar này có thích hợp với môi trường có độ nóng, độ ẩm và độ muối cao như trên đảo Ba Bình hay không, nhưng nếu phía Mỹ đứng đằng sau tham gia và đồng ý cho Đài Loan sử dụng loại radar đó ở đây thì hai bên đã tiến hành các đánh giá liên quan cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật.
Theo ông Mai Phục Hưng, việc bố trí nó trên đảo Ba Bình chủ yếu là nhằm theo dõi các hoạt động của Trung Quốc Đại lục trong khu vực cũng như các động hướng của các nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, thậm chí còn bao gồm cả các hoạt động trên không của quân đội Mỹ ở Biển Đông, rất có giá trị đối với việc nắm bắt tình hình tại khu vực Trường Sa.
Bên cạnh đó, việc bố trí radar AN/TPS-117 tuy không thể giúp Đài Loan phản công lại Trung Quốc Đại lục, cũng không thể răn đe ngăn Trung Quốc Đại lục tấn công, nhưng đó là động thái nhỏ, có ý nghĩa chiến lược, chí ít bắn đi tín hiệu “tôi không bó tay chờ chết”.
Do công suất khi hoạt động của radar AN/TPS-117 lên tới 4.5kW, cho nên, cần phải có nguồn điện cung cấp. Về vấn đề này, tờ Liên hợp của Đài Loan cho biết hiện nay nguồn điện trên đảo Ba Bình được cung cấp bởi hai hệ thống: Máy phát điện diesel và năng lượng Mặt trời.
Trước đây, năng lượng Mặt trời chỉ chiếm 16% tổng lượng điện, nhưng sau khi có lệnh, Cơ quan Tuần tra bờ biển Đài Loan đã yêu cầu lắp đặt thêm nhiều tấm pin Mặt trời, nâng tỷ lệ cung cấp điện bằng năng lượng Mặt trời lên 40%, đảm bảo đủ điện năng để cung cấp cho radar AN/TPS-117 hoạt động.
Tới nay, chính quyền và giới quân sự Đài Loan vẫn chưa có bình luận hay xác nhận về tiết lộ của ông Mai Phục Hưng.
|
Một hệ thống điện Mặt trời trên đảo Ba Bình. Ảnh: UND. |
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 22/9, khi được hỏi phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan “âm thầm” xây dựng một số cơ sở trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm phục vụ mục đích quân sự, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin này.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng chỉ rõ: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Vì vậy, việc phía Đài Loan chiếm đóng và tiến hành các hoạt động tại khu vực này là hoàn toàn phi pháp và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối”.
>>> Xem thêm video các tàu Trung Quốc vây ép, đe dọa tàu cá Việt Nam (Nguồn video VTV):