|
Lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid và người đứng đầu phe thiểu số Đảng Cộng hòa, Mitch McConnel. |
Tín hiệu lạc quan bắt đầu nảy nở cuối tuần trước khi các Hạ nghị sỹ Cộng hòa đề xuất một kế hoạch nâng trần nợ công nhằm tránh nguy cơ vỡ nợ cho nước Mỹ mà không hề kèm theo điều kiện nào.
Do tính cấp thiết của việc giải quyết bế tắc, cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đã lên lịch họp cả vào ngày lễ liên bang – Ngày Columbus (12/10). Lần đầu tiên sau nhiều tháng, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hòa.
Và sau một tuần bế tắc chính trị, ông Harry Reid và Mitch McConnell đã sát cánh trước Thượng viện cùng tuyên bố về triển vọng đạt được một thỏa thuận chung đang ở rất gần.
"Tôi rất lạc quan chúng ta sẽ đạt được thỏa thuận trong tuần này và đó là lẽ tự nhiên", ông Reid nhấn mạnh.
"Tôi lạc quan cho rằng, chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận mà 2 bên đều có thể chấp nhận được", ông McConnell tiếp lời.
Vào tối khuya hôm qua, cả 2 nhà lãnh đạo một lần nữa tuyên bố trước Thượng viện về "tiến bộ to lớn" dù chưa nhắc đến bất cứ thỏa thuận nào để giải quyết bế tắc.
Các cuộc đàm phán tại Thượng viện được ông Rei mô tả là vô cùng “quan trọng” vẫn đang được tiếp tục. Sau khi Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố, các cuộc đàm phán với Nhà Trắng thất bại hôm 12/10, mọi hy vọng hiện đổ dồn vào Thượng viện.
Dù lãnh đạo Đảng Dân chủ không công bố chi tiết về nội dung các cuộc thảo luận song theo Telegraph, đề nghị của ông Reid được cho là nâng giới hạn nợ trần và giới hạn vay nợ hợp pháp của chính phủ cho tới tháng 2 và rót tiền để tái mở cửa chính phủ trong 3 tháng tiếp theo. Đổi lại, Đảng Dân chủ sẽ co lại dự án Obamacare để Đảng Cộng hòa có thể coi đó là một chiến thắng, xoa dịu những nghị sĩ bảo thủ.
Thượng nghị sĩ Dick Durbin, người giữ vai trò quyền lực thứ 2 trong Đảng Dân chủ cũng hạ nhiệt cuộc chiến lưỡng đảng khi chỉ theo đuổi vài vấn đề có vẻ dễ dàng giải quyết bao gồm: quy mô và mức độ của việc tăng mức nợ trần và số tiền mà chính phủ sẽ được chi tiêu trong một dự luật tài chính tạm thời.
Tất cả những tín hiệu trên đã mở ra tia hy vọng trong bầu không khí u ám ở Washington khiến một số người kỳ vọng Quốc hội có thể sớm thông qua một dự luật cấp ngân sách cho chính phủ và nâng trần nợ công. Nếu các cuộc thảo luận “đơm hoa kết trái”, một loạt các hành động lập pháp sẽ diễn ra nhanh chóng.
Năm 2011, trong suốt cuộc chiến nâng giới hạn nợ trần, một thỏa thuận đã được công bố vào đêm 31/7. Ngày 1/8, Hạ viện thông qua một dự luật và ngày hôm sau Thượng viện cũng thông qua và vài giờ sau đó, Tổng thống Obama hạ bút ký, hợp pháp hóa nó.
Cuộc chiến năm nay về nâng nợ trần dường như không có gì khác biệt với sự kiện năm 2011. Do đó, nếu thống nhất được thỏa thuận, các nhà lập pháp có thể bỏ phiếu vào ngày mai hoặc ngày 17/10.
|
Biểu tình phản đối chính phủ đóng cửa.
|
Tuy nhiên, ngay cả khi lãnh đạo lưỡng đảng ở Thượng viện đạt được một thỏa thuận, việc giải quyết bế tắc chính trị Mỹ vẫn phải đối mặt những rào cản đáng kể.
Các thủ tục phức tạp của thượng viện đồng nghĩa với việc có thể mất nhiều ngày để thông qua một dự luật với một cuộc biểu quyết, mà ở đó chỉ một nghị sĩ bất đồng chính kiến cũng có thể làm chậm tiến trình.
Bất cứ giải pháp nào được Thượng viện thông qua sẽ vẫn phải quay trở lại và nhận được sự cho phép của Hạ viện. Đảng Cộng hòa là lực lượng chiếm áp đảo ở Hạ viện Mỹ và đang đối mặt với áp lực từ cánh bảo thủ để không chấp nhận bất cứ nhượng bộ nào trước chính quyền Obama và Đảng Dân chủ.
Ted Cruz, nghị sĩ bảo thủ Texas mạnh mẽ phản đối Obamacare nhấn mạnh, sẽ nỗ lực phá hỏng bất cứ thỏa thuận nào nếu cảm thấy nó đi ngược lại với lợi ích của Đảng Cộng hòa.
Dù vậy, các thị trường vẫn duy trì ổn định và đầy hy vọng về một giải pháp hóa giải bế tắc dù Tổng thống Obama cảnh báo, Mỹ đang đứng trên bờ vực vỡ nợ nếu giới nghị sĩ Đảng Cộng hòa tiếp tục tỏ ra cứng rắn, không chịu thỏa hiệp.
Nỗi quan ngại sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư có thể trở thành áp lực buộc các nhà lập pháp Mỹ phải đạt được một thỏa thuận trước khi Bộ Tài chính đạt nợ trần vào thứ ngày 17/10. (Các chỉ số tương lai trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 0,8% vào đầu phiên giao dịch).
Thất bại trong việc nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể chi trả mọi khoản chi tiêu trong vài tuần tới. Theo đó, trong thời gian tính bằng tuần, các cơ quan quan trọng như Cục Điều tra liên bang hay Cục Hàng không liên bang sẽ phải đóng cửa.
Trước khi lãnh đạo 2 đảng lên tiếng phát biểu tại Thượng viện tối qua, Tổng thống Obama đã nhắn gửi: "Tôi cho rằng, sẽ có tiến triển ở Thượng viện. Các nghị sĩ Cộng hòa sẽ tiếp tục suy nghĩ làm sao họ có thể mưu cầu nhượng bộ bằng cách duy trì việc đóng cửa chính phủ, nguy cơ vỡ nợ. Tôi hy vọng, tinh thần hợp tác sẽ đưa chúng ta tiến về phía trước trong vài giờ tới".