Sau khi Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, những mâu thuẫn trong cách tiếp cận tình hình Biển Đông vẫn không dịu đi. Một tháng trước đây, Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay Carl Vinson đến Biển Đông để tiến hành tuần tra tại khu vực này, khiến chính quyền Bắc Kinh lên tiếng phản đối. . Và thông tin gần đây về việc Trung Quốc hoàn thành xây dựng các bệ phóng tên lửa "đất đối không" trên một số rạn san hô ở quần đảo Trường Sa đã khiến Washington lo ngại.
Thời gian sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến thăm Trung Quốc. Theo truyền thông Trung Quốc, chuyến thăm chính thức sẽ bắt đầu vào ngày 18/3/2017. Một trong những mục tiêu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm này là chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tất nhiên, trong cuộc đàm phán hai bên sẽ đề cập đến các vấn đề nóng hổi trong chương trình nghị sự của mối quan hệ song phương và tình hình căng thẳng ở Biển Đông là một trong số đó.
Sau khi tự vẽ "đường 9 đoạn" trên Biển Đông và công bố tấm bản đồ này trước cộng đồng thế giới, Bắc Kinh trên thực tế tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, gọi vùng biển này là "biển nội địa" của Trung Quốc. Trên thực tế Bắc Kinh đang tìm cách quản lý giao thông hàng hải và các hoạt động khác bên trong "đường lưỡi bò": cấm đánh cá, không cho phép tàu nghiên cứu nước ngoài hiện diện ở đó…
Trong nhiều năm liền, Mỹ thường xuyên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông. Mọi người đều biết rằng các tuyến đường hàng hải quan trọng đối với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đi qua vùng biển này, dầu mỏ và những hàng hóa khác từ Trung Đông được vận chuyển qua đường này. Bắc Kinh không chống tự do hàng hải, nhưng không đồng ý với quan điểm rằng các tàu chiến Mỹ phải có quyền tự do đi lại ở Biển Đông.
Trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bắc Kinh tìm cách xoa dịu những lời chỉ trích Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng thời gian gần đây tình hình Biển Đông đã trở nên bình yên hơn. Đồng thời các quan chức Trung Quốc cho rằng, tương lai tranh chấp Biển Đông phụ thuộc vào Mỹ.
Theo nhà phân tích Piotr Tsvetov, tương lai tranh chấp phụ thuộc chủ yếu vào ý định của cả Trung Quốc và Mỹ, vào những hành vi của hai nước này trong tương lai. Có lẽ, nếu Trung Quốc không còn áp đặt điều kiện hàng hải và không còn xem xét Biển Đông như "biển nội địa" của họ và Hoa Kỳ không còn gửi các tàu chiến vào vùng biển này thì tình hình ở đây sẽ có phần lắng dịu.