|
Thủ tướng Yingluck Shinawatra khẳng định rằng “nhân dân sẽ cho chính phủ một cơ hội”. |
Trước những tin đồn này, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã tổ chức họp báo, khẳng định rằng “nhân dân sẽ cho chính phủ một cơ hội”.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Teresita Cruz-del Rosario của Khoa Chính sách công trường Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Thủ tướng Yingluck từ vài tháng qua đã tìm cách xoa dịu những bất mãn trong quân đội với việc đảm bảo rằng Tư lệnh Lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha, sẽ tại nhiệm cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 9 năm sau. Bản thân vị tướng này đã tuyên bố: “Vấn đề chính trị cần phải được giải quyết bằng biện pháp chính trị. Quân đội chỉ xử lý các vấn đề an ninh”.
Tuy nhiên, cũng giống như Ai Cập, Thái Lan là một xã hội bị phân hóa sâu sắc. Cho đến nay, mâu thuẫn Áo đỏ - Áo vàng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng thù địch giữa hai phe phái chính trị này vẫn tiếp tục sôi sục và đe dọa bùng nổ một lần nữa trên các đường phố. Quyết định tự bổ nhiệm mình làm Bộ trưởng Quốc phòng của bà Yingluck cũng làm gia tăng “sức nóng”. Trong ngày làm việc đầu tiên của bà Yingluck, khoảng 100 người biểu tình đã phong tỏa lối vào Bộ Quốc phòng. Nhóm biểu tình đa màu sắc này, tự gọi mình là Nhóm Ái quốc Thái, đã kêu gọi Tư lệnh Lục quân tiến hành “đảo chính hòa bình”.
Dù vậy, Thái Lan cũng lại không giống Ai Cập. Trái ngược với kinh tế Ai Cập “rơi tự do” dưới thời Tổng thống Mursi, kinh tế Thái Lan tăng trưởng 5,3% trong quý I năm nay. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là quốc gia có thu nhập trên trung bình với GDP đầu người là 5.474 USD trong năm 2012, trong khi Ai Cập là 3.187 USD. Chương trình Lương thực Thế giới LHQ ước tính 14 triệu người (tương đương 17% dân số) Ai Cập rơi vào tình trạng thiếu ăn năm 2011, trong khi Thái Lan lại là nhà xuất khẩu gạo lớn của thế giới, thu về 1,2 tỷ USD trong quý I/2013.
Về du lịch, số du khách đến Thái Lan đã vượt mốc 22 triệu vào tháng 12/2012, tăng 16% so với cùng kì năm trước. Phần lớn du khách đến từ Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho thấy niềm tin của các nước láng giềng này về tình trạng tương đối bình yên và thịnh vượng không chỉ ở Thái Lan mà còn với toàn bộ khu vực. Trong khi đó, tình hình tại Ai Cập lại hoàn toàn tương phản khi ngành du lịch từng một thời là trụ cột kinh tế gần như đổ sụp.
|
Tư lệnh lục quân, Tướng Prayuth Chan-ocha tuyên bố: “Vấn đề chính trị cần phải được giải quyết bằng biện pháp chính trị".
|
Ngoài ra, bất chấp những thách thức mà các thể chế xã hội đang đối mặt, người Thái có những cơ chế để giải quyết mâu thuẫn và tổ chức cuộc sống xã hội. Hệ thống tòa án vẫn hoạt động. Quốc hội vẫn họp định kỳ để thông qua các dự luật. Bộ máy hành chính vẫn cung cấp các dịch vụ công. Quan trọng hơn cả, xã hội dân sự Thái Lan được nuôi dưỡng trong một môi trường cho phép và dung thứ cho những quan điểm trái chiều, thúc đẩy nền truyền thông tương đối tự do và khuyến khích các học giả tham gia tranh luận và phê phán. Xã hội dân sự Thái Lan đã có vô số nỗ lực hàn gắn bất đồng giữa phe Áo đỏ và Áo vàng, tìm kiếm thỏa hiệp và khai thông bế tắc.
Kể từ năm 1932, Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính thành công và xếp thứ 5 thế giới về số vụ đảo chính. Điều đó cho thấy giới tướng lĩnh Thái Lan, cũng như ở nhiều quốc gia Châu Á khác, chia sẻ một điểm chung: họ nhận ra rằng các chính quyền quân sự yếu kém thế nào trong việc vận hành nền kinh tế, tạo ra hàng hóa công và cung cấp dịch vụ xã hội.
Mặc dù ở Thái Lan đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi can thiệp quân sự sau khi chứng kiến vụ lật đổ Tổng thống Ai Cập Mursi, hầu hết người Thái tin rằng cuộc đảo chính lần thứ 18 cách đây 7 năm là lần can thiệp cuối cùng của quân đội.