Liệu quân đội Iraq có đủ sức tái chiếm Mosul?

Google News

(Kiến Thức) - Xét đến thực lực của cả hai bên, xác suất quân đội Iraq tái chiếm Mosul từ tay phiến quân IS  ngay trong năm 2016 xem ra là rất thấp.

Đó là nhận định của Trung tá về hưu Daniel L. Davis, một chuyên gia về an ninh-đối ngoại và từng phục vụ 21 năm trong quân đội Mỹ.
Tháng trước, các lực lượng Iraq đã giành lại thành phố chiến lược Ramadi bị nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tràn ngập và chiếm đóng hơn một năm. Đây chính là một tiền đề quan trọng để quân đội Iraq chuẩn bị cho chiến dịch tái chiếm Mosul xem ra còn khó khăn gấp bội.
Lieu quan doi Iraq co du suc tai chiem Mosul?
Xe tăng của quân đội Iraq trong chiến dịch tái chiếm Ramadi.
Tái chiếm Ramadi là chiến thắng lớn đầu tiên cho Lực lượng An ninh Iraq Security (ISF) kể từ phiến quân IS đánh chiếm phần lớn lãnh thổ nước này trong năm 2014. Chiến thắng này đã khích lệ đáng kể tinh thần chiến đấu của quân đội và Lực lượng An ninh Iraq vốn bị suy sụp đáng kể trước đà tiến của phiến quân IS.
Tái chiếm Mosul khó khăn gấp bội Ramadi
Mục tiêu tiếp theo của các lực lượng Iraq sẽ  là giải phóng Mosul. Kết quả của chiến dịch tái chiếm Mosul – thành phố lớn thứ hai ở Iraq – có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng đối với cả chính phủ Iraq lẫn cái gọi là Nhà nước Hồi giáo. Chỉ có điều, các lực lượng Iraq sẽ phải đối mặt với một chiến dịch cực kỳ khó khăn, ác liệt và đẫm máu gấp bội chiến dịch tái chiếm Ramadi.
Các đầu lĩnh của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo biết rất rõ tầm quan trọng chiến lược của thành phố Mosul và sẵn sàng kháng cự đến cùng. Đầu tuần này, kênh  FOX News đưa tin rằng ban  lãnh đạo IS đã công khai thiêu sống một số phiến quân IS vì “tội không tử thủ” ở Ramadi. Hiện chưa rõ sự trừng phạt dã man tàn bạo này có khiến cho phiến quân IS chiến đấu đến cùng ở Mosul hay từ bỏ cái gọi là Nhà nước Hồi giáo đang “bị đánh đòn hội đồng”.
Trên lý thuyết, các lực lượng ủng hộ chính phủ ở Baghdad  tỏ ra áp đảo phiến quân IS bảo vệ Mosul và có thể đánh đuổi chúng khỏi thành phố có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng này.
Các lực lượng Iraq có thể huy động quân số đông gấp 10 lần số phiến quân IS ở Mosul và có sự yểm mạnh mẽ bằng không quân của liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu.  Đó là chưa kể sự can dự của lực lượng đặc nhiệm Mỹ thiện chiến và các hệ thống giám sát, thu thập thông tin tình báo cực kỳ hiện đại.
Chỉ có điều tái chiếm Mossul không phải là một chiến dịch trên giấy. Trận chiến Aleppo ở Syria có thể cung cấp một cái nhìn sơ bộ về những gì có thể chờ đợi Các lực lượng chính phủ Iraq ở Mosul.
Hồi tháng 7/2012, khi  quân nổi dậy bắt đầu chiến đấu chống quân chính phủ ở Aleppo và chiếm giữ nhiều khu vực quan trọng trong thành phố, chính phủ Syria đã đem  20.000 quân đến Aleppo để đánh phiến quân rất ít về số lượng. Đến cuối năm 2012, cuộc chiến Aleppo đã trở nên bế tắc và thành phố này bị chia thành nhiều khu vực nừm dưới quyền kiểm soát của quân chính phủ và các nhóm phiến quân khác nhau. Gần bốn năm sau, Aleppo vẫn còn là một chiến trường ác liệt và quân chính phủ Syria vẫn không thể đẩy phiến quân ra khỏi thành phố chiến lược này. Với sự yểm trợ tối đa gần đây của không quân Nga, chiến sự trở nên ác liệt hơn và thành phố Aleppo vẫn bị chia năm xẻ bảy và tiếp tục bị biến thành đống đổ nát.  
Số phận của thành phố Mosul xem ra cũng có thể tương tự như số phận của thành phố Aleppo.
Mosul cũng là một thành phố đông dân, với các tòa nhà san sát và các đường phố nhỏ hẹp rất thích hợp cho chiến tranh du kích và khó sử dụng xe tăng trọng pháo. Các đầu lĩnh IS ở đây đã có 18 tháng để tìm hiểu thành phố lớn thứ hai của Iraq này, đã thiết lập những tuyến phòng thủ liên hoàn và những bẫy mìn vô cùng nguy hiểm đối với lực lượng tấn công.
Hậu quả to lớn của chiến dịch tái chiếm Mosul
Để chiếm ưu thế, các lực lượng Iraq phải bao vây phong tỏa thành phố Mosul như ở Ramadi. Sau đó, họ phải tìm mọi cách để xua đuổi phiến quân IS khỏi thành phố chiến lược cực kỳ quan trọng này. Về phần mình, phiến quân IS sẽ tập trung vào các khu vực cần được bảo vệ nhất của thành phố Mosul. Mục tiêu của phiến quân IS đẩy cuộc chiến Mosul lâm vào thế giằng co bế tắc và tiêu hao tối đa sinh lực của các lực lượng tấn công.  Nếu Lực lượng An ninh Iraq, với sự yểm trợ của không quân Mỹ,  không thể đẩy phiến quân IS ra khỏi trung tâm thành phố Mosul, lợi thế tinh thần của chiến thắng Ramadi sẽ bị “nhanh chóng bốc hơi”.
Mặt khác, nếu các lực lượng Iraq bước vào cuộc chiến  Mosul một cách tỉnh táo và cắt đứt tất cả các tuyến đường tiếp viện cho phiến quân IS cố thủ trong thành phố, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo khó có thể bám trụ lâu dài ở thành phố chiến lược này.
Trong trường hợp này “thương hiệu” của  Nhà nước Hồi giáo sẽ bị mất thiêng, tài trợ nước ngoài có thể sẽ chững lại vì không mấy ai lại chịu chi  tiền cho kẻ thua cuộc và có lẽ quan trọng nhất là dòng chiến binh nước ngoài đổ vào Iraq sẽ bị giảm mạnh. Qua đó, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo khó có thể bổ sung cho số quân đã bị thương vong.
Nếu chiến dịch giải phóng Mosul sa vào thế bế tắc, tinh thần chiến đấu của binh sĩ Iraq sẽ bị giảm sút, trong khi tinh thần chiến đấu của phiến quân IS lại tăng lên. Khi đó, “thương hiệu” Nhà nước Hồi giáo sẽ được đánh bóng và các chiến binh nước ngoài sẽ lũ lượt đổ vào Iraq.
Nếu chiến dịch giải phóng Mosul bị thất bại, những thành quả trước đó mà quân đội Iraq đã giành được sẽ dễ bị tổn thương. Phiến quân IS sẽ có thể lại đánh chiếm Ramadi và nhiều thành phố khác có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Trong trường hợp này, thường dân Iraq sẽ là những người gánh chịu nhiều đau khổ nhất và các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố sẽ càng gia tăng trên phạm vi toàn thế giới.
Thật không may, dựa trên thành tích chiến đấu trong hơn một thập kỷ qua, xác suất tái chiếm Mosul và bảo vệ thành công Ramadi của Lực lượng An ninh Iraq xem ra là khá thấp.
Minh Châu (Theo The National Interest)

Bình luận(0)