Liệu ông Putin có “trói cánh” Israel ở Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Về thỏa thuận tránh xung đột Nga-Israel ở Syria, giới phân tích đặt câu hỏi: Liệu ông Putin có “trói cánh” Israel trong không phận Syria, thông qua thỏa thuận này?

Thủ tướng Netanyahu nói rằng ông và Tổng thống Putin đã đồng ý về cách thức tránh xung đột giữa quân đội hai nước ở Syria. Tại một cuộc họp báo ở điện Kremlin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo một thỏa thuận tránh xung đột giữa quân đội hai nước  trong và xung quanh Syria.
Lieu ong Putin co “troi canh” Israel o Syria?
Liệu thỏa thuận Nga-Israel có "trói cánh" máy bay Israel tiến hành các cuộc không kích ở Syria.
Nhưng tất cả những nụ cười và bắt tay thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo này không thể xóa nhòa các nếp nhăn mới trong quan hệ Nga-Israel. Quyết định của Moscow gia tăng hiện diện quân sự ở miền bắc Syria để hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-Assad đã đặt ra một thách thức tiềm tàng đối với Thủ tướng Netanyahu, người đã có nhiều năm “tương đối tự do hành động” trong việc tiến hành các cuộc tấn công chống lại việc vận chuyển vũ khí Iran cho Hezbollah qua Syria.
Nếu tình báo Israel thông báo rằng các lực lượng Syria đang vận chuyển tên lửa tiên tiến cho Hezbollah gần nơi quân đội Nga đang đóng quân, Thủ tướng Netanyahu sẽ  phải đối mặt với một tình thế khó xử. Ông sẽ  phải quyết định nên hay không nên tấn công phủ đầu đoàn xe chở vũ khí và gây sát thương cho binh sĩ Nga? Cơ chế phối hợp Nga- Israel được cho là “chiến thuật tránh hiểu lầm", nhưng có khả năng trói cánh Israel.
Lần đầu tiên  kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Israel lại phải đối mặt một siêu cường “có khả năng không thân thiện” gần với biên giới nước này. Mặc dù Nga không còn  hỗ trợ liên minh các quốc gia Ả-rập trong cuộc xung đột trực tiếp với nhà nước Do Thái như Liên Xô đã làm trong Chiến tranh lạnh, sự can thiệp của Nga vào cuộc nội chiến Syria có thể thúc đẩy liên minh Shi’ite ủng hộ chế độ Assad do Iran cầm đầu.
Phát biểu với các phóng viên Israel sau cuộc họp Kremlin, Thủ tướng  Netanyahu nói Israel sẽ tiếp tục hành động để ngăn chặn việc chuyển vũ khí từ Syria đến Lebanon và chống lại việc thành lập một mặt trận quân sự do Iran hậu thuẫn trên Cao nguyên Golan.
Israel đã can thiệp nhiều năm vào Syria
Chính sách can thiệp để chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Damascus của Israel đã được tiến hành từ năm 2006, khi máy bay nước này ném bom một lò phản ứng hạt nhân ở Syria.
Trong khi thừa nhận mối quan ngại của Israel về chiến sự lây lan, Tổng thống  Putin đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Israel về một mặt trận mới ở Syria và nói rằng hành động của Nga là "có trách nhiệm”.
Nhưng theo các nhà phân tích, đó không phải là một sự đảm bảo để Israel có thể tiếp tục tự do hành động  trong không phận Syria.
Nhà phân tích Moshe Maoz - một chuyên gia về Syria tại Đại học Hebrew – cho biết: "Trong thực tế, Nga đưa ra mệnh lệnh bằng cách nói rằng: Binh sĩ, tên lửa và máy bay của chúng tôi đang ở đó. Chớ có  gây rối với chúng tôi”.
Theo nhà phân tích Moshe Maoz, các cuộc đối thoại mới với Nga là một sai lầm chiến lược đối với Israel. Ông nói: "Điều này sẽ thúc đẩy sự bành trướng của Iran. Israel đã tự trói chân khi  đồng ý phối hợp với Moscow”. Ngoài ra, "Israel đang phá hoại mối quan hệ với đa số người Hồi giáo Sunni" ở Syria và khu vực bằng việc hợp tác với một đồng minh của Tổng thống Assad.
Nga lấp chỗ trống ở Syria
Khi người Nga đang “lấp đầy khoảng trống” do Mỹ để lại ở Syria - một đồng minh chính của Israel, một số nhà phân tích an ninh ở Israel tự hỏi: Liệu Nga có giúp Israel  chặn đứng các lô hàng vũ khí gửi cho Hezbollah?
Nhà phân tích Eyal Zisser, một chuyên gia về Syria tại Đại học Tel Aviv, cho rằng ít có khả năng Nga hỗ trợ Israel trong việc vũ khí được chuyển giao cho Hezbollah, nhưng tin rằng sự phối hợp hành động Nga-Israel sẽ có lợi ích chiến thuật bằng cách tránh bùng phát xung đột với kẻ thù của Israel đang hoạt động trong lãnh thổ Syria. Ông nói: " Nga là nước duy nhất có thể nói chuyện (với chế độ Assad)  với tất cả các quyền hạn. Điều quan trọng là duy trì các kênh liên lạc mở  và tránh leo thang căng thẳng”.
Minh Châu (Theo CSM)

Bình luận(0)