Chuyên gia quân sự En Shuo chia sẻ, các điều kiện hải dương học ở Biển Đông rất phù hợp với các bài diễn tập thực nghiệm đối với mẫu hạm hàng không này. Cuộc diễn tập lần này nhằm nâng cao khả năng tác chiến của Liêu Ninh.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, cựu tướng hải quân Trung Quốc là ông Zheng Ming chia sẻ, chuyến diễn tập lần này của Liêu Ninh thực ra nằm trong một chương trình phát triển gồm 3 bước nhằm nâng cao khả năng tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc. Lý giải về việc có tới 4 mẫu hạm khác cùng hộ tống tàu Liêu Ninh, cựu tướng này cho biết: “Việc này không chỉ đòi hỏi sự phối hợp về công nghệ (trong việc đảm bảo các con tàu này duy trì cùng một vận tốc) mà còn cả về mặt chiến thuật để đối phó với các mối đe dọa trên biển và trên không”.
Tới từ Viện Nghiên cứu Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố Philippines, Giám đốc điều hành là ông Rommel Banlaoi cho rằng, tàu Liêu Ninh không phải là một mối đe dọa thực sự trong thời điểm hiện tại.
“Trung Quốc vẫn đang phát triển mô hình hoạt động tàu chiến. Về mặt kỹ thuật, họ còn thua khá xa so với Mỹ. Tôi sẽ không quá quan tâm tới vấn đề này”, ông Rommel Banlaoi nhận định.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang tiến về Biển Đông.
|
Tương tự, Giáo sư ngành Khoa học Chính trị tới từ Đại học Hong Kong là ông Joseph Cheng chia sẻ rằng, thực chất tàu Liêu Ninh vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, và cuộc diễn tập của Trung Quốc lần này chỉ là một hoạt động thường kỳ.
“Cuộc diễn tập tới Biển Đông lần này chỉ là một phần trong các kế hoạch đã lên lịch trình trước đó nhằm thử nghiệm đối Liêu Ninh”, ông Cheng đánh giá.
VOA đăng tải ý kiến của ông Dương Danh Dy, chuyên gia phân tích quan hệ Việt-Trung bày tỏ rằng, động thái mới này của TQ là nhằm khẳng định chủ quyền ở vùng lãnh hải tranh chấp.
“Động thái mới nhất này của TQ chứng tỏ rằng, họ đang ngày càng quyết đoán trong tuyên bố của mình đối với chủ quyền ở Biển Đông. Đó không phải là một hành động bất ngờ, mà thực ra, đó là một chiến lược dài hạn mà họ sẽ theo đuổi cho tới cùng”, ông Dương bày tỏ.