Khủng hoảng Triều Tiên “đến hẹn lại lên“

Google News

(Kiến Thức) - Le Figaro ngày 8/8 đăng bài “Cuộc khủng hoảng Triều Tiên còn lâu mới chấm dứt”, trong đó cho rằng Kim Jong-un còn hiếu chiến và tham vọng hơn cả người cha.

 Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un tích cực thị sát các đơn vị quân đội.

Bài báo mở đầu bằng nhận xét, mùa xuân cuối cùng cũng đã đến với bán đảo Triều Tiên. Từ vài tuần qua, những cây anh đào đã nở hoa và Kim Jong-un đã dịu giọng điệu hiếu chiến . Thế giới ngạc nhiên trước sự thay đổi này, nhưng các chuyên gia về Bắc Triều Tiên thì không bị bất ngờ vì đã dự đoán trước được tình hình.

Con hơn cha...


Hàng năm, Bình Nhưỡng thường cao giọng vào cuối mùa đông, lúc diễn ra các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn mang tên Foal Eagle mà Triều Tiên mô tả như một cuộc xâm lăng. Và mỗi năm, căng thẳng lại tan biến, khi cuộc tập trận chấm dứt  (năm nay vào ngày 30/4). Những ngày đẹp trời đã đến, những người lính Triều Tiên được huy động ra đồng làm ruộng và nhà lãnh đạo trẻ  Kim Jong-un có thể thành tích  đã bảo vệ được 23 triệu công dân trước sự xâm lược của “bọn đế quốc”.
 
Một hành động được lặp đi lặp lại. Con trai của Kim Jong-il dường như sử dụng lại các biện pháp xưa cũ mà người cha từng áp dụng thành công trước Washington, gây ra một cuộc khủng hoảng để dẫn dụ cường quốc số một thế giới đến bàn thương lượng và đạt được một số nhượng bộ. Đây là một kỹ thuật được Kim Jong-il nâng lên tầm nghệ thuật và đã kiếm được viện trợ kinh tế của Mỹ, sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ nhất vào năm 2006.

Bảy năm sau đó, người con trai trẻ tuổi nhất của ông ta đã ứng dụng phương pháp xưa cũ của cha mình, khi cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo, một vụ nổ nguyên tử và đe dọa các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Nhà phân tích Cheong Seong Chang của Viện Sejong giải thích Kim Jong-un “hiếu chiến và tham vọng hơn người cha” và sau khi trêu ngươi Lầu Năm Góc, nhà lãnh đạo ở độ tuổi ba mươi đã biết cách giảm nhiệt như một chính khách lão luyện, vào lúc mà căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có nguy cơ vượt khỏi vòng kiểm soát.

... là mầm mống đối đầu mới

Cuộc khủng hoảng lần này đã đánh dấu một ngưỡng mới trong quan hệ xung khắc giữa Bình Nhưỡng với Washington, mang những mầm mống của các cuộc đối đầu mới.

Có hai nhân tố đã làm thay đổi bàn cờ. Trước hết, là cái chết của nguyên tắc giải trừ hạt nhân. Từ nay, chế độ Bình Nhưỡng cao giọng khẳng định sẽ “không bao giờ” từ bỏ vũ khí nguyên tử “một khi phần còn lại của thế giới không giải trừ hạt nhân” - như bài xã luận gần đây của tờ Rodong Simmun đã viết. Rút ra bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của Gaddafi, Kim Jong-un không còn tìm cách sử dụng kho vũ khí nguyên tử khiêm tốn của mình làm lá bài thương lượng để kiếm viện trợ như cha ông từng làm.

Mục tiêu của Kim Jong-un là Triều Tiên được nhìn nhận như một cường quốc nguyên tử, giống như Pakistan, và chỉ thương thảo về “giải trừ” cục bộ. Một thực tế hiển nhiên nay đã được công khai. Đây là thái độ không thể chấp nhận được đối với Mỹ và ngay cả với “nước bảo hộ” là Trung Quốc, làm bế tắc hẳn quá trình thương lượng sáu bên – công cụ duy nhất của cộng đồng quốc tế để buộc Bình Nhưỡng đưa ra những cam kết.

Nhân tố đáng ngại thứ hai, là các tiến bộ nhanh chóng của các chương trình nguyên tử và vũ khí đạn đạo của Triều Tiên. Các nhà chiến lược Lầu Năm Góc đã bị bất ngờ trước những tiến bộ của Bình Nhưỡng, như việc đưa một vệ tinh lên quỹ đạo hồi tháng 12/2012. Chú tâm theo dõi Iran, Washington bỗng dưng nhận ra Triều Tiên đang tiến rất nhanh về mục tiêu sở hữu tên lửa mang  đầu đạn hạt nhân.

Nhà phân tích Klingner nhận định: “Tại Washington, người ta đã ý thức được rằng Bình Nhưỡng đang trở thành một mối đe dọa thực tế”. Kịch bản tên lửa Bắc Triều Tiên một ngày nào đó đe dọa lãnh thổ Mỹ không còn là chuyện viển vông. Hahm Chaibong, viện trưởng Asan Institut ở Seoul, lo ngại: “Nếu không hành động, thì trong vòng 5 năm tới, Bắc Triều Tiên sẽ sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Họ bắt đầu bằng các vũ khí chiến thuật, rồi đến trang bị cho các tàu ngầm. Và như vậy, thế giới không thể nào ngăn cản được nữa”.

Thời khắc đã điểm, nhưng chính quyền Obama vẫn loay hoay chưa tìm ra được cách đối phó. Washington đang máy móc lặp lại hướng chiến lược chính: hối thúc Bắc Kinh gây áp lực đối với  đồng minh Bình Nhưỡng. Cho đến nay, phương cách này cho đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt và trên thực tế, Nhà Trắng có rất ít phương án đối phó.

Ngoại giao rơi vào ngõ cụt, chạy đua nguyên tử tiến nhanh, thái độ do dự của Mỹ… đang khiến cho “thách thức Triều Tiên” có đủ các yếu tố để gây ra quan ngại về an ninh Đông Bắc Á - một trong những lá phổi kinh tế của thế giới.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo Le Figaro)

Bình luận(0)