|
Tổng thống Pháp François Hollande đã bị sập bẫy ở trong nước và cô độc với thế giới bên ngoài. |
“Nỗi cô đơn mênh mông”
Trong bài xã luận mang tựa đề “Một nỗi cô đơn mênh mông”, nhật báo Le Figaro cho rằng với “phản ứng quá nhanh và đi quá xa”, giờ đây Tổng thống Pháp François Hollande đang đơn độc với ý định trừng phạt chế độ Assad.
Hôm 31/8, khi loan báo quyết định đưa vấn đề Syria ra Quốc hội Mỹ, Tổng thống Barack Obama đã không nhắc đến Paris, trong khi Pháp là nước duy nhất ủng hộ ông. Có nghĩa là ông không coi trọng vai trò của Tổng thống François Hollande, một đồng minh tự cho là tốt nhất của Mỹ vào thời điểm hiện nay.
Theo Le Figaro, với việc “đá trái bóng Syria sang phần sân của Quốc hội Mỹ nhằm tranh thủ thời gian, Tổng thống Obama đang thoát khỏi chiếc lưới “giới hạn đỏ” mà ông đã tự mình lao vào. Chỉ có điều, động thái đó lại trao cho đối thủ khả năng đẩy nước Mỹ vào chân tường. Việc Quốc hội tước đi quyền quyết định điều động quân đội sẽ đánh dấu sự suy nhược cũng như độ tin cậy của Tổng thống Mỹ.
Giống như Tổng thống Obama, Tổng thống Pháp François Hollande cũng bị cuốn vào cơn lốc xoáy của những sự kiện không kiểm soát nổi. Tổng thống Pháp cũng tán thành khái niệm “giới hạn đỏ”. Nhưng khác với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống François Hollande không cần phải được Quốc hội thông qua khi muốn phát động chiến tranh. Vì vậy, hiện chỉ có chính phủ Pháp là có toàn quyền trong việc quyết định bảo vệ các nguyên tắc của mình.
Tuy nhiên việc Quốc hội Anh không đồng ý tham chiến đã khiến Tổng thống Obama phải quay sang chờ quyết định của Quốc hội Mỹ và khiến chop he đối lập Pháp lên tiếng đòi phải đưa vấn đề này ra quốc hội. Le Figaro kết luận ông Hollande đã bị sập bẫy ở trong nước và cô độc với thế giới bên ngoài.
Vũ khí hóa học có phải là lý do thuyết phục?
Trong bài xã luận với tựa đề “Đáng ngờ”, tờ báo cánh tả Libération cũng nhận định sau khi Anh từ bỏ ý định tấn công và Tổng thống Obama nhờ cậy Quốc hội Mỹ, Tổng thống Francois Hollande đã bị đơn độc với ý định tiến hành chiến tranh ở Syria. Ông cũng đang gặp khó khăn khi biện minh cho việc tiến hành chiến tranh ở Syria.
Liệu có chính đáng khi đặt những người lính Pháp dưới quyền chỉ huy của Mỹ? Theo Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ 5, Tổng thống Pháp có toàn quyền phát động chiến tranh. Nhưng liệu Tổng thống Hollande có trở thành vị nguyên thủ quốc gia Pháp duy nhất sử dụng đến vũ lực mà không thông qua quốc hội, thậm chí không cần đến cả một bài diễn văn?
Libération cho rằng người Pháp có thể hiểu động cơ cần phải kết thúc tình trạng “tự tung, tự tác” của chế độ Assad. Theo những lý lẽ đáng ngờ của hai vị Tổng thống Pháp và Mỹ, thì Bashar al-Assad phải chấm dứt việc sát hại dân chúng bằng hơi độc, nhưng ông ta có thể tiếp tục tàn sát dân lành bằng các phương tiện khác.
Tờ báo cánh tả này nhận định, cần phải tìm ra “những lý lẽ thuận tai hơn” để thuyết phục người Pháp (và các dân tộc khác trên thế giới) rằng cuộc chiến này là chính đáng và có thể biện minh. Nhưng theo Libération, nếu muốn chiến tranh, thì hãy chuẩn bị cho hòa bình!
Hollande "đầu sóng, ngọn gió"
Trong bài viết “Hollande ở đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến chống lại Bashar al-Assad”, nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét rằng Syria của năm 2013 không phải là Iraq năm 2003. Nghịch lý ở chỗ, lần này là Pháp, chứ không phải là Anh, trở thành đồng minh trung thành nhất của Mỹ.
|
Tổng thống Pháp Hollande: Đồng minh tốt nhất của Tổng thống Mỹ Obama vào thời điểm hiện nay.
|
Les Echos trích nhận định của ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế (IRIS): “Đây là lần đầu tiên Anh không theo đuôi Mỹ. Nhưng những tuyên bố của Tổng thống François Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius đã buộc Pháp phải giữ lời và nay thì khó thể xuôi tay”. Hơn nữa, Pháp là nước đầu tiên công nhận Liên minh Quốc gia Syria là người đại diện duy nhất của nhân dân nước này và từ mùa hè 2012 đã tổ chức hội nghị “Những người bạn của Syria”. Tuy nhiên việc Tổng thống Obama cầu viện Quốc hội Mỹ đã đặt Tổng thống Hollande vào tình thế khó xử.
Theo Les Echos, tình hình hiện nay rất mới mẻ đối với Paris, hoàn toàn trái ngược so với thời kỳ Pháp dẫn đầu các nước chống lại Washington trong cuộc chiến Iraq. Một thử thách với nguy cơ cao và không chắc là cuộc phiêu lưu Syria có thể “kết thúc có hậu” đối với Tổng thống Hollande như cuộc chiến ở Mali.
Chiếc bẫy đóng sập đối với các nguyên thủ vội vã
Trong bài xã luận mang tựa đề “Syria, cuộc tranh luận nội bộ, nhật báo công giáo La Croix nhận xét một cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng lại chuyển thành cuộc tranh luận chính trị tệ hại trong nước lòng nước Pháp.
Sau khi Quốc hội Anh bác đề nghị của Thủ tướng David Cameron, đến lượt Barack Obama muốn thỉnh thị ý kiến của Quốc hội Mỹ. Chẳng lẽ ông François Hollande lại tỏ ra kém dân chủ hơn các đồng minh, mặc dù Hiến pháp cho phép ông toàn quyền quyết định?
Theo tờ báo, chiếc bẫy đã đóng sập lại đối với các nguyên thủ phương Tây đã đi quá nhanh khi loan báo sẽ trừng phạt Damas nếu sử dụng hơi độc chết người. Thông điệp cứng rắn dành cho Assad này đã mất đi tính răn đe. Họ đã tuyên bố quá vội và quá lớn tiếng, trước khi có được kết luận từ cuộc điều tra mà chính họ đã đòi hỏi. Họ không lường trước được mọi hậu quả của can thiệp quân sự cho dù hạn chế và cũng không lắng nghe những quan ngại của người dân.
La Croix bày tỏ hy vọng rằng các vị nguyên thủ này cần quan tâm không chỉ đến ý kiến của các phe cầm quyền hay đối lập phương Tây, mà cả số phận của nhân dân Syria và sự ổn định trong khu vực Trung Đông.