Khu vực tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 của
hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích cùng 239 người đang do Australia dẫn đầu tập trung trong khu vực rộng tới 2.500 km tại nam Thái Bình Dương về phía tây nam Perth, thủ phủ của Tây Australia.
Khu vực này được cho là có điều kiện khắc nghiệt và bị cô lập nhất hành tinh với gió to, sóng lớn.
“Điều kiện ở đây vô cùng khắc nghiệt vì chịu ảnh hưởng của Nam Cực”, Erik van Sebille, một nhà hải dương học tại Đại học New South Wales tại Sydney cho biết.
|
Một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines.
|
Theo ông Van Sebille, ngay cả trong điều kiện thời tiết ổn định, biển lặng, việc tìm kiếm một chiếc máy bay mất tích đã là một thách thức lớn. Nhưng khi mùa thu của bán cầu nam đang đến gần, thời tiết bắt đầu xấu đi rất nhiều.
“Nếu là một vài tháng trước, khi các vùng biển ổn định và lặng sóng hơn, việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn. Còn hiện nay, đây không phải là khu vực bạn muốn ở lại trong một thời gian dài, có thể là vài tuần để tìm kiếm một chiếc máy bay”, ông Van Sebille nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Nathan Bindoff, một Giáo sư hải dương học tự nhiên cho biết: “Các khu vực ở Ấn Độ Dương đều đang có gió mạnh và sóng lớn. Khu vực tìm kiếm máy bay mất tích lại ở nơi gió mạnh nhất tại đại dương phía Nam”. Cường độ được cho là mạnh bậc nhất thế giới của các dòng hải lưu tại đây cản trở nỗ lực tìm kiếm xác bất cứ chiếc máy bay nào. Những hình ảnh vệ tinh mới nhất chỉ ra vài vật thể nghi liên quan đến máy bay Malaysia mất tích trôi nổi, nhấp nhô trên biển tại khu vực có những con sóng cao chót vót đủ nhấn chìm mọi thứ xuống đáy đại dương.
Ngoài ra, vị Giáo sư hải dương học Bindoff cũng nhận định, xác chiếc máy bay mất tích cũng có thể bị sóng đánh trôi xa khỏi điểm nó đâm xuống nước khoảng 1.000 km khiến việc tìm kiếm sẽ trở nên vô cùng nan giải.
Cũng theo ông Bindoff, khu vực này còn hoang vắng đến mức, trung bình một tàu lượn lờ tại đây trong 50 ngày mới có thể bắt gặp được một tàu khác. Thậm chí, xung quanh Nam cực còn được cho là có nhiều tàu thuyền (thường là tàu nghiên cứu) qua lại hơn khu vực nghi máy bay Malaysia rơi xuống. Do giao thông hàng hải ở đây vô cùng thưa vắng, khi các cơ quan chức năng phát hành thông báo yêu cầu tàu thuyền qua lại trong khu vực này giúp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, chiếc tàu buôn gần nhất đang ở địa điểm cách đó 2 ngày đi đường.
Sự mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 và việc tìm kiếm nó được so sánh với vụ máy bay Airbus A330 của Pháp rơi xuống Đại Tây Dương vào năm 2009 cướp đi mạng sống của 228 người. Tuy nhiên, người đứng đầu công tác điều tra tai nạn máy bay Airbus Alain Bouillard cho biết, việc tìm kiếm MH370 của Malaysia khó khăn chồng chất hơn gấp nhiều lần vì hiện nay người ta vẫn chưa xác định được vị trí máy bay rơi. Trong khi đó, các quan chức hàng không biết chính xác vị trí cuối cùng của Airbus A330 4 phút trước khi nó gặp nạn.
Trong một động thái liên quan,Phó Thủ tướng Australia Warren Truss vừa cho biết, chiến dịch tìm kiếm vật thể nghi là của chuyến bay MH370 mất tích vẫn chưa có kết quả.
Phát biểu của ông Truss được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Australia Tony Abbott tuyên bố, hình ảnh vệ tinh Australia đã chụp được hai vật thể nghi là của chuyến bay bị mất tích thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines.
Truyền thông Australia tối ngày 20/3 cũng cho biết, chiếc máy bay đầu tiên trở về từ khu vực tìm kiếm đã thông báo không tìm thấy bất cứ vật gì. Trung Quốc cũng đã cử đội tàu chiến cùng tàu phá băng Tuyết Long tới vùng biển này để phối hợp tìm kiếm.