Sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11, tờ The Hindu của Ấn Độ ngày 14/11 đã đăng bài viết có tựa đề “Tại sao IS lại là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với mạng lưới khủng bố al-Qaeda?” của tác giả Josy Joseph.
|
Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm hơn nhiều so với al-Qaeda.
|
Bài viết được đăng tải trong bối cảnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lên tiếng thừa nhận là thủ phạm tiến hành một loạt vụ tấn công nhằm vào những người đi nghe nhạc, xem bóng đá và những người dân Paris đang hưởng một tối thứ Sáu (ngày 13/11) ở những điểm vui chơi về đêm được ưa thích, làm ít nhất 129 người thiệt mạng và được xem là vụ
tấn công khủng bố đẫm máu nhất nhằm vào Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Theo tác giả, các vụ tấn công khủng bố ở Pháp, rồi các vụ tấn công theo kiểu “con sói đơn độc” ở Bangladesh và các hoạt động khác của IS bên ngoài Iraq, Syria đang là những cảnh báo chết chóc đối với Ấn Độ.
Không chỉ các cơ quan an ninh Ấn Độ cần phải sẵn sàng đối phó với phiên bản mới của những vụ tấn công khủng bố có chi phí thấp nhưng lại có tác động mạnh, mà hệ thống chính trị của New Delhi cũng cần phải cảnh giác trước khả năng người dân địa phương đang bất bình với chính quyền có thể tìm thấy tiếng vọng toàn cầu trong chiến dịch tuyên truyền của IS.
Quy mô tấn công ngày càng mở rộng của IS và lời kêu gọi mang tính ý thức hệ của chúng trên toàn cầu là lý do để người ta tin rằng IS có thể là tổ chức khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại. Tính hủy diệt tàn bạo và quy mô tấn công của tổ chức này có thể sớm làm lu mờ mạng lưới Al-Qaeda, mạng lưới từng chỉ là tổ chức ly khai thuần túy ở Iraq.
IS không theo đuổi các vụ tấn công lớn như cách mà al-Qaeda từng làm, nhưng khả năng của tổ chức này trong việc thu hút rất nhiều tín đồ ở nhiều nước đồng nghĩa với việc chúng có thể tiến hành các vụ tấn công khủng bố (thậm chí quy mô lớn) tại hầu hết các nước.
Khi cả thế giới choáng váng trước các vụ tấn công khủng bố mới nhất ở Paris thì cũng là lúc IS phát triển mạnh mẽ và đây không còn là một tổ chức khủng bố bí mật phải ẩn náu ở một xó xỉnh xa xôi nào đó như al-Qaeda, mà là một “nhà nước” với lãnh thổ rộng lớn và các chiến lược tuyên truyền hiếu chiến cùng hàng chục nghìn tín đồ và những người ủng hộ trên khắp thế giới, đặc biệt là ở phương Tây.
Al-Qaeda được coi là tổ chức lên kịch bản cho vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại ngày 11/9/2001 ở ngay trong lòng nước Mỹ. Tuy nhiên, mạng lưới này chỉ là một tổ chức khủng bố vốn chỉ nhằm vào các lợi ích của phương Tây.
Trùm khủng bố Osama bin Laden và trợ lý chủ chốt của ông ta chưa bao giờ nghĩ đến việc thành lập một nhà nước và coi đó là bước tiến quan trọng hướng tới việc gieo rắc ý thức hệ bạo lực. Trái lại, IS đang và đã thể hiện rằng chúng đã bắt đầu thành lập một nhà nước ngay từ bây giờ. IS đang kiểm soát một khu vực địa lý rộng lớn ở Iraq, Syria và có hệ thống thông tin truyền thông mị dân tốt, tất cả đều đã thu hút được nhiều người trên toàn cầu.
Al-Qaeda nhằm vào các mục tiêu phương Tây và chính các vụ tấn công kinh hoàng nhằm vào Mỹ đã chấm dứt sự ủng hộ của các chế độ ở Trung Đông đối với mạng lưới này và buộc phải rút lui nhanh chóng khỏi vị trí siêu quyền lực.
Tham vọng này, cùng với bản chất là một tổ chức khủng bố bí mật, lại hoàn toàn trái ngược với IS - tổ chức đang xây dựng một nhà nước và đối phó với những kẻ thù trực tiếp như người Hồi giáo Shi’ite, các sắc tộc thiểu số khác và thậm chí là cả các nhà báo phương Tây.
Sự khác biệt lớn nhất và lý do tại sao IS sẽ trở thành mối đe dọa chết chóc nhất mà thế giới từng phải chứng kiến trong thời gian gần đây là việc có hàng trăm thành viên đến từ nhiều nơi trên thế giới đang tiếp tục gia nhập tổ chức này, và IS đang giành được thêm sự ủng hộ từ hàng nghìn người nữa.
Nói tóm lại, không giống như al-Qaeda, IS sẽ không cần phải lén lút đưa các thành viên vào hầu hết các nước để tiến hành các vụ tấn công. Tổ chức này đã có các thành viên và người ủng hộ ở Mỹ, các quốc gia Châu Âu, một số nước Châu Phi và nhiều nước Châu Á, trong đó có Ấn Độ. Những kẻ này có thể thực hiện những vụ tấn công chi phí thấp nhưng có tác động cực mạnh như vụ tấn công ở Paris trong đêm 13/11 vừa qua hay như ở Mumbai năm 2008.