Học giả TQ tố Tokyo thực thi chiến lược kiềm chế Bắc Kinh

Google News

(Kiến Thức) - Ngay sau khi Nhật công bố dự thảo cuối cùng về chiến lược an ninh quốc gia hôm qua, nhiều chuyên gia Trung Quốc cáo buộc, Tokyo đang nỗ lực kiềm chế nước này.

Dẫn Dự thảo Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng mới của Nhật, China Daily hôm nay có bài xã luận cáo buộc, Tokyo tuyên bố chống đối lại những gì họ gọi là “nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng của Trung Quốc” ở Biển Hoa Đông.
Theo báo Trung Quốc, Dự thảo cuối cùng về chiến lược an ninh quốc gia của Nhật cố biện minh cho việc cố xóa sổ Hiến pháp hòa bình và xây dựng quân đội bằng cách thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa Trung Quốc”.
Dự thảo về chiến lược an ninh quốc gia mới của Nhật tiếp tục châm ngòi cho căng thăng Trung-Nhật leo thang. Trong ảnh, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Lu Yaodong, Giám đốc ban đối ngoại Nhật Bản của Viện Nghiên cứu Nhật Bản trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết, chiến lược "kiềm chế" Bắc Kinh là nhiệm vụ cốt lõi của Hội đồng An ninh Quốc gia mới, mà Tokyo vừa lập ra cách đây khoảng một tuần.
"Nội các của Thủ tướng Abe táo tợn đặt Trung Quốc là một mục tiêu chiến lược, lấy cái cớ từ căng thẳng song phương ngày càng leo thang mạnh mẽ liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và Khu vực Nhận dạng Phòng không mới trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc", ông Lu cáo buộc.
Đồng quan điểm trên, Shi Yongming, chuyên gia của nhóm nghiên cứu châu Á -Thái Bình Dương tại Viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc cáo buộc, Tokyo đang lợi dụng Bắc Kinh để loại bỏ những hạn chế về pháp luật liên quan đến vấn đề sửa đổi Hiến pháp hòa bình, hiện đại hóa quân sự và tái vũ trang quân đội của họ.
“Nhật Bản đang cố tình thổi phồng Trung Quốc như là một mối đe dọa nghiêm trọng và vận động người dân cũng như cộng đồng quốc tế tin rằng, Tokyo là một" nạn nhân chính", ông Shi nhấn mạnh.
Còn Liu Jiangyong, chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Thanh Hoa Bằng bình luận, viện vào leo thang tranh chấp lãnh thổ, Thủ tướng Abe đã đạt được những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thay đổi Hiến pháp hòa bình. Theo đó, Liu cảnh báo: “Nhật đang cố tìm cách kích động, xúi giục nhiều nước khác bao gồm Mỹ, Australia tăng áp lực chống Trung Quốc”.
“Nhật đang tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nước ngoài để tăng tốc độ hiện đại hóa quân sự, tái vũ trang quân đội, nâng tầm ảnh hưởng của họ đối với khu vực và chia sẻ gánh nặng trong chiến lược tái cân bằng của Washington", ông Shi tuyên bố.
Dự thảo Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng của Nhật Bản hoạch định chính sách quân sự của nước này trong thập kỷ tới. Dự thảo khuyến khích chính phủ Nhật Bản thiết lập mạng lưới tình báo, hệ thống cảnh báo sớm và các hoạt động giám sát để bảo vệ vùng trời cũng như vùng biển của nước này.
Trong một cuộc họp với các chuyên gia an ninh hôm qua, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh, Dự thảo sẽ được thông qua tại một cuộc họp nội các vào ngày 17/12 - sẽ là "văn kiện lịch sử góp phần hình an ninh quốc gia của nước ta".
Dự thảo cũng khẳng định, Nhật Bản sẽ xem xét lại lệnh cấm tự áp đặt về việc xuất khẩu vũ khí. Chuyên gia Bloomberg nhận định, động thái này phản ánh, "Nhật Bản sẽ tìm cách thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí để cạnh tranh toàn cầu".
Chưa hết, Dự thảo hướng dẫn quốc phòng mới của Nhật cũng nhấn mạnh, Tokyo sẽ tăng cường năng lực tổng thể để đối phó với các cuộc tấn công tên lửa trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực cải tiến công nghệ tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo News hôm qua nhấn mạnh, trong năm tới, chính quyền Abe sẽ thực thi chương trình quốc phòng cho 5 năm tới. Ngân sách quốc phòng hàng năm của Nhật Bản năm nay đã tăng sau một thập kỷ giảm và chắc chắn tiếp tục tăng hơn nữa.
Theo kế hoạch phòng thủ mới nhất, Tokyo có kế hoạch thiết lập một đơn vị đổ bộ để bảo vệ các hòn đảo xa trong trường hợp bị xâm lược. Họ cũng có kế hoạch mua máy bay không người lái trinh sát, giám sát và thiết lập một đơn vị máy bay cảnh báo sớm E-2C tại căn cứ Naha ở tây nam Nhật Bản.
Theo hãng tin AFP, sự thành công bước đầu của Thủ tướng Abe trong việc thúc đẩy nền kinh tế ngủ say của Nhật Bản thức tỉnh đã mang lại cđộng lực chính trị cần thiết đáng kể để thúc đẩy mục tiêu ấp ủ lâu nay của ông. Đó chính là phục hồi năng lực quân sự của Nhật Bản vốn bị kiềm chế sau Chiến tranh thế giới thứ 2.
Bạch Dương (theo China Daily)

Bình luận(0)