Chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5 sẽ trao cho ông Moon Jae-in quyền lực để thực hiện hai thay đổi quan trọng.
|
Ông Moon Jae-in sẽ tạo ra thay đổi quan trọng trong vấn đề Triều Tiên. Ảnh: CNN |
Chính sách Ánh dương 2.0
Sau vụ bê bối tham nhũng khiến bà Park Geun-hye bị phế truất, Hàn Quốc sẽ quay lưng lại với giới bảo thủ đã cầm quyền suốt 9 năm qua. Ông Moon dự định sẽ đưa Hàn Quốc quay lại thời kỳ chính phủ tự do cầm quyền từ năm 1998 tới 2008, đồng thời tăng cường quan hệ với các láng giềng phía Bắc.
Quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên trong giai đoạn đó được điều chỉnh bằng “Chính sách Ánh dương”. Theo những gì ông Moon thể hiện trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông sẽ đưa Hàn Quốc quay về với những nguyên tắc này. Chính sách Ánh dương đã khiến hai quốc gia hợp tác nhiều hơn và giúp cho Tổng thống Kim Dae-jung giành được giải Nobel Hòa bình.
Việc ông Moon tìm cách xây dựng “Chính sách Ánh dương 2.0” không phải là điều ngạc nhiên vì ông là chánh văn phòng nội các của ông Roh Moo-huyn, Tổng thống kế nhiệm ông Kim Dae-jung và là người tiếp nối chính sách.
Trong cuộc tranh luận ngày 25/4, ông Moon nói: “Tôi tự tin dẫn đầu các nỗ lực ngoại giao liên quan tới nhiều bên nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân Triều Tiên, đưa mối quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên tới hòa bình, hợp tác kinh tế và cùng nhau thịnh vượng”.
Dưới thời đại đầu tiên của Chính sách Ánh dương, lãnh đạo hai nước đã gặp nhau và quan hệ kinh tế gần gũi hơn. Một phần quan trọng của chính sách là mở cửa khu công nghiệp chung Kaesong. Tại đây, các công ty Hàn Quốc hoạt động trên lãnh thổ Triều Tiên và thuê công nhân Triều Tiên.
Hàn Quốc đã đóng cửa khu công nghiệp này năm 2016 để trả đũa vụ Triều Tiên thử hạt nhân và phóng tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, ông Moon đã cam kết không chỉ khởi động lại hoạt động tại đây mà còn mở rộng. Theo ông, việc này có thể tạo lực đẩy giúp kiềm chế tham vọng hạt nhân Triều Tiên.
Hồi tháng 2, ông Moon tuyên bố: Đây là cái van an toàn cuối cùng ngăn chặn quan hệ liên Triều đổ vỡ.
Muốn "cầm bánh lái" trong quan hệ với Mỹ và Triều Tiên
Không chỉ thay đổi chính sách với Triều Tiên, ông Moon có thể sẽ có cả những thay đổi về mặt quân sự với Mỹ, khác hẳn với người tiền nhiệm.
Khi tranh cử tổng thống, ông Moon từng có lần chỉ trích Mỹ vội vã triển khai hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) - hệ thống chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên.
Ông phát biểu với tờ The Washington Post tuần trước: “Một trong những vấn đề lớn nhất với quyết định triển khai THAAD là thiếu quy trình dân chủ và hậu quả là khiến đất nước chia rẽ sâu sắc, làm xấu thêm quan hệ đối ngoại”.
Ông Moon cũng đã kêu gọi tổ chức lại quan hệ với Mỹ theo hướng Hàn Quốc là người dẫn dầu thay vì người đi sau Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.
Ông nói: “Chúng tôi muốn ngồi vào ghế tài xế. Việc lái xe sẽ rất chủ động với Mỹ và Triều Tiên”.
Quan điểm của ông Moon về vấn đề chính sách đối ngoại trọng tâm của Hàn Quốc khiến một số nhân vật bảo thủ dán cho ông cái mác “thân Triều Tiên”.
Trong khi đó, Triều Tiên đã nói rõ ràng là sẽ hoan nghênh chiến thắng của ông Moon Jae-in. Một bài bình luận đăng trên tờ báo Rodong Sinmun đã cáo buộc các chính quyền bảo thủ trước đây của Hàn Quốc gây ra bi kịch cho quan hệ liên Triều.
Tuy vậy, ông Moon đã quyết định không kêu gọi xóa bỏ quan hệ liên minh với Mỹ và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ này với Hàn Quốc.
Tương tự, ông đã bày tỏ hi vọng quan hệ gần gũi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thậm chí nói rằng ông tin là ông Trump “biết điều” hơn nhiều so với mọi người thường nghĩ.
Theo tạp chí Newsweek, với những tuyên bố như vậy và sau khi đắc cử, ông Moon được cho là sẽ thay đổi hiện trạng hiện nay trong vấn đề Triều Tiên, như ông từng nói là ông muốn trở thành một lãnh đạo “mở cánh cửa vào kỷ nguyên mới, nền chính trị mới và thế hệ mới”.