Đó là nhận định của nhà phân tích Zaid al-Ali, tác giả cuốn sách “Cuộc đấu tranh cho tương lai Iraq”, trong một bài viết đăng trên trang mạng Al Jazeera.
|
Các tướng lĩnh Iraq chỉ huy chiến dịch giải phóng Fallujah. Ảnh Reuters |
Ngày tàn của Nhà nước Hồi giáo đã điểm ở Iraq?
Khi quân đội Iraq, được sự hỗ trợ của các lực lượng dân quân và liên minh quốc tế chống IS, đang tiến dần về phía thành phố Fallujah, một trong những lý thuyết phổ biến nhất cho rằng nếu để mất Fallujah, ngày tàn của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) đã điểm ở Iraq.
Rõ ràng, Fallujah là một thành lũy lớn của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Phiến quân IS đã chiếm giữ thành phố này hơn hai năm nay, lâu hơn bất cứ nơi nào ở đất nước Iraq. Điều này có nghĩa là Nhà nước Hồi giáo đã có nhiều thời gian để củng cố hệ thống phòng thủ thành phố này hơn bất cứ nơi nào khác. IS cũng đã triển khai một số lượng đáng kể các tay súng thiện chiến để bảo vệ thành phố Fallujah. Cuối cùng, Fallujah là biểu tượng kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của quân đội Mỹ sau 2003.
Việc phiến quân IS mất quyền kiểm soát Fallujah có thể xảy ra trong vài tuần tới và đó sẽ là một đòn nặng giáng vào nhóm khủng bố tự xưng là Nhà nước Hồi giáo này.
Tuy phiến quân IS vẫn tiếp tục bám giữ lãnh thổ Iraq trong thời gian trước mắt, về trung hạn, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo chắc chắn sẽ bị xua đuổi khỏi lãnh thổ Iraq.
Thế nhưng, giải pháp lâu dài giải quyết tận gốc vấn đề IS ở Iraq phải là cải tổ hệ thống chính trị buộc các chính trị gia có trách nhiệm hơn và điều đó chỉ có thể đạt được thông qua cải cách bầu cử sâu rộng.
Fallujah không giống như Tikrit
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng ISIL chỉ có một nguồn chính bổ sung tân binh là Fallujah. Các tay súng của Nhà nước Hồi giáo đến từ khắp nơi trên thế giới và Fallujah chỉ là một trong các nguồn cung cấp quan trọng.
Có một sự thật rõ ràng là rất nhiều người dân ở Fallujah sẵn sàng chiến đấu chống lại sự cai trị của chính phủ ở Baghdad hơn bất kỳ khu vực khu vực nào khác ở Iraq.
Thành phố Tikrit là một phản ví dụ rõ ràng. Tikrit là không đặc trưng cho bộ tộc hoặc tôn giáo mà là một thị trấn trung dung, thủ phủ của tỉnh và có trường đại học, bệnh viện lớn. Nhiều cư dân ở Tilrit là nhân viên nhà nước và đến năm 2014, Tikrit vẫn được coi là tương đối yên bình. Vì vậy, khi phiến quân IS đánh chiếm Tikrit, nhiều cư dân thành phố này đã chạy đến Erbil và Baghdad. Kể từ khi được giải phóng, 95% cư dân Tikrit đã trở lại và thành phố này đã trở lại tương đối yên bình.
Fallujah hoàn toàn trái ngược với Tikrit. Các bộ tộc, tôn giáo, cơ cấu xã hội của thành phố này đã bị ảnh hưởng sâu sắc qua cuộc xâm lược Iraq do Mỹ cầm đầu trong năm 2003 và thành phố này đã trở thành một trung tâm nổi loạn kể từ đó. Kết quả là có rất nhiều người dân Fallujah sẵn sàng cầm súng chống lại chính quyền trung ương ở Baghdad hơn cư dân Tikrit.
Tuy tỷ lệ những người cầm súng chống chính quyền là rất thấp so với toàn bộ dân số thành phố Fallujah, nhưng nó vẫn là rất cao khiến cho cuộc tấn công của quân đội Iraq vấp phải sức kháng cự quyết liệt. Có một điều chắc chắn là ngay cả khi phiến quân IS bị xua đuổi hoàn toàn, thành phố Fallujah vẫn tiếp tục là một nơi rất khó cai trị.
Dân quân Shi’ite tra tấn những người chạy khỏi Fallujah
Trong số những tin tức đáng lo ngại nhất là việc hàng trăm dân thường chạy trốn khỏi Fallujah đang bị các dân quân người Shi’ite tra tấn. Điều này khiến người ta lo sợ rằng giải phóng Fallujah có thể đồng nghĩa với thời kỳ đau khổ mới của cư dân ở đây.
Hành động tra tấn rất phổ biến ở Iraq. Hầu như tất cả những người bị cáo buộc hoạt động khủng bố hoặc các hoạt động phi pháp đều bị tra tấn. Các cơ quan công quyền như cảnh sát, quân đội, cơ quan công tố và tòa án... đều phớt lờ các quyền cơ bản được hiến định của người dân, với lý do đất nước Iraq có chiến tranh.
Điều đáng buồn là những quan chức hoạch định chính sách an ninh Iraq vẫn cho rằng tra tấn sẽ buộc bọn tội phạm thú nhận tội lỗi mà không nghĩ đến việc người bị tra tấn có thể thú nhận bất cứ điều gì mà bên điều tra ép cung.
Điều này rõ ràng cần phải thay đổi cấp bách. Vấn đề cụ thể này không đòi hỏi phải cải cách lớn do đã có các điều khoản trong hiến pháp và luật pháp nghiêm cấm tra tấn trong mọi trường hợp. Tất cả những gì cần phải làm là pháp luật được thực thi một cách công khai và khiến cho cả các quan chức an ninh hiểu rằng tra tấn sẽ không được dung thứ.
Hiện chưa rõ lực lượng dân quân al-Hashd al-Shaabi của người Shi’ite có tiến vào thành phố Fallujah hay không. Cho đến nay, lực lượng này không đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch giải phóng Fallujah và cũng không có khả năng giữ vai trò trọng yếu nào sau khi thành phố này sạch bóng phiến quân IS.
Thách thức to lớn vẫn còn kéo dài
Cuộc chiến Fallujah là một cột mốc quan trọng, nhưng nó là chỉ là một phần của xu thế đánh đuổi IS khỏi lãnh thổ Iraq. Cuộc chiến này sẽ còn kéo dài vài tuần, nhưng những thách thức to lớn thì vẫn còn kéo dài trong nhiều năm tới.
Một giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề Nhà nước Hồi giáo đòi hỏi nhiều hơn việc chiếm lại các vùng lãnh thổ. Nếu muốn ngăn chặn IS (hoặc một phiên bản khác của tổ chức khủng bố này) lại trỗi dậy, nhà nước Iraq phải tiến hành nỗ lực chống nổi dậy thực sự và toàn diện.
Điều đó đòi hỏi phải cải cách sâu rộng lớn lực lượng an ninh, ngành tư pháp (bao gồm cả tòa án), các nhà tù... Tất cả những điều này là cần thiết chứ không chỉ để trấn an người dân địa phương rằng nhà nước sẽ đối xử với họ một cách công bằng hơn, bọn tội phạm sẽ bị trừng phạt trong khi những người vô tội sẽ được bảo vệ.
Đáng tiếc là hệ thống chính trị Iraq quá già yếu và quá rối loạn chức năng, khiến cho công cuộc cải cách khó được thực thi.
Chủ nghĩa bè phái, vấn nạn tham nhũng và chính khách bất tài... còn quá phổ biến trong xã hội Iraq. Phần lớn các chính trị gia Iraq không thực sự quan tâm đến cải cách và thậm chí nếu có theo đuổi cải cách, thì họ cũng sẽ không biết làm thế nào để tiếp cận vấn đề.