Giả định xung đột Mỹ - Trung: Washington "diệt" Bắc Kinh thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Nếu xảy ra một cuộc xung đột Mỹ - Trung, Washington sẽ sử dụng chiêu bài gì?

Thời gian gần đây, người ta nói nhiều về sự tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến của quân đội Trung Quốc nhằm đối phó với các lực lượng của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương thông qua chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập hay còn gọi là chương trình A2/AD. Chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực có nghĩa là lực lượng pháo binh có căn cứ ở ven biển, không quân và hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đẩy lùi một cuộc dàn quân nhanh của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột.
Chính vì thế, điều này được xem là thách thức mà các nhà quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét và xây dựng một chiến lược quân sự mới có tên Học thuyết Thủy – Không tác chiến (AirSea Battle - ASB), mà trong đó nổi lên là ý tưởng về bao vây phong tỏa về đường biển với Trung Quốc.
Chiến lược phong tỏa Trung Quốc
Bằng cách này, Mỹ sẽ tận dụng sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào ngoại thương, đặc biệt là dầu mỏ, để làm suy yếu kinh tế Trung Quốc. Một cuộc cấm vận có thể trở thành một công cụ ghê gớm của sức mạnh quân sự Mỹ góp phần đối phỏ lại với vũ khí A2/AD đáng gờm của Trung Quốc và giúp học thuyết ASB triển khai dễ dàng hơn.
 
Trong bối cảnh xảy ra một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ, nước Mỹ sẽ biến sức mạnh quốc gia lớn nhất của Trung Quốc là mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu, tăng trưởng bùng nổ thành một nhược điểm lớn về quân sự. Để làm như vậy, Mỹ phải thực hiện một cuộc phong tỏa đường biển đối với Trung Quốc nhằm bóp nghẹt phần lớn hoạt động thương mại hàng hải của Trung Quốc. Trong những các điều kiện thuận lợi, Mỹ có thể giành chiến thắng bằng cách làm suy yếu nền kinh tế để buộc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán.
Phong tỏa gần và xa
Về mặt tác chiến, mấu chốt của các cuộc bao vây phong tỏa là khoảng cách tới bờ biển của quốc gia bị phong tỏa và chia làm hai hình thức: gần và xa. 
Một cuộc bao vây phong tỏa gần thường được thực hiện bằng cách lập một hàng rào của các tàu chiến ở ngoài khơi bờ biển đối phương để lục soát tất cả các tàu buôn đến hoặc đi và ngăn chặn các tàu chở hàng lậu. Tuy nhiên, trong hơn một thế kỷ qua, các cuộc phong tỏa gần ngày càng trở nên bất lợi do các nước tham chiến đã phát triển được công nghệ bắn phá từ bờ biển. Đối phó với tình trạng này, các cường quốc tiến hành phong tỏa lại chuyển sang hình thức phong tỏa từ xa. 
Một cuộc phong tỏa từ xa giúp tránh được các nguy cơ về quân sự gần bờ bằng cách bố trí lực lượng, phương tiện phong tỏa ở xa, nhưng vẫn ngăn chặn được các tuyến đường biển của đối phương và do đó, nó triệt phá được hoạt động thương mại của đối phương giống như phong tỏa gần.
 Các tuyến đường biển huyết mạch của Trung Quốc
Tuy nhiên, các hình thức phong tỏa này lại có những hạn chế riêng. Một mặt, một cuộc phong tỏa gần thông thường sẽ cực kỳ khó khăn vì Mỹ muốn giảm thiểu các nguy cơ quân sự cho các tàu chiến Mỹ. Một khi tiến gần vào lãnh thổ Trung Quốc, các lực lượng Mỹ sẽ đặt mình vào tầm uy hiếp của các hệ thống A2/AD của Trung Quốc và phải chịu những tổn thất nặng nề. 
Để tránh mối đe dọa từ hệ thống A2/AD của Trung Quốc, quân đội Mỹ phải tiến hành cuộc phong tỏa gần bằng các tàu ngầm, lực lượng không quân tầm xa và thủy lôi, nhưng cách này lại không có khả năng phân biệt được đâu là các hoạt động thương mại trung lập và và hoạt động thương mại của kẻ thù.
Mặt khác, các cuộc phong tỏa từ xa thông thường cũng bị mất hiệu quả bởi sự phát triển của thương mại hiện đại. Ngày nay, nguyên liệu thô và hàng hóa chở trên tàu có thể được bán qua và bán lại nhiều lần trong một hành trình, vì thế không thể biết quyền sở hữu và điểm đến cuối cùng của hàng hóa trên tàu cho đến khi tàu cập cảng. Mặc dù Mỹ có thể thiết lập một cuộc phong tỏa từ xa để ngăn chặn tất cả các tàu thuộc sở hữu Trung Quốc hoặc mang cờ Trung Quốc, thì Bắc Kinh vẫn có thể đơn giản mua hàng hóa của các tàu chở hàng trung lập sau khi chúng đã đi qua vòng đai phong tỏa, làm thất bại hoàn toàn mục đích của cuộc phong tỏa.
Giải pháp: Phong tỏa hồng tâm
Để khắc phục những nhược điểm này, Mỹ sẽ tận dụng những ưu điểm của hai biện pháp trên và thực hiện một chương trình phong tỏa “hai vành đai” như hai vòng tròn đồng tâm bao quanh bờ biển Trung Quốc.
Trung tâm của phong tỏa hai vành đai sẽ là “vành đai bên trong” thực thi như một dạng phong tỏa gần chủ yếu nhằm vào việc ngăn chặn các tàu biển đi đến Trung Quốc mà không cần biết mục đích gì. Vành đai này sẽ tạo ra một khu vực cấm vận chuyển thương mại và được thực thi bởi một chính sách “bắn chìm nếu trông thấy” thông qua việc sử dụng các tàu ngầm tấn công, không quân tầm xa và thủy lôi.
Vành đai ngoài sẽ được thiết lập ở ngoại vi các vùng biển gần Trung Quốc, tức là bên ngoài tầm hoạt động của hệ thống A2/AD của Trung Quốc và sẽ được tập trung quanh các hành lang quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á, trong đó có eo biển Malacca.
Điều kiện chiến lược
Mặc dù vậy muốn thực hiện hiệu quả chiến lược phong tỏa thương mại Trung Quốc trên đường biển, Mỹ sẽ phải phụ thuộc lớn vào sự hợp tác với các bên thứ ba trong khu vực. Nói đúng hơn, sự phong tỏa kinh tế hàng hải Trung Quốc của Mỹ sẽ vô ích nếu Bắc Kinh cầu được trợ giúp của các nước láng giềng.
Trong nhiều nước láng giềng, có ba nước đóng vai trò thiết yếu là Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Nhật và Ấn Độ sẽ là những nhân tố quan trọng trong việc giúp Mỹ cắt đứt các tuyến đường thương mại của Trung Quốc ở phía nam, phía đông và gây sức ép với các nước láng giềng nhỏ khác cùng làm như vậy. Nếu không có sự hợp tác của hai cường quốc này, nhiệm vụ của Mỹ sẽ trở nên “bất khả thi”.
Nước cuối cùng là Nga sẽ đóng vai trò then chốt quyết định thành bại của kế hoạch phong tỏa của Mỹ, làm cán cân lợi ích nghiêng về Bắc Kinh hay Washington. Một mặt, với kho vũ khí hạt nhân và các lực lượng quân sự của mình, Nga có thể ngăn cản bất kỳ mưu toan ép buộc quân sự nghiêm trọng nào của Mỹ. Ở cấp độ chính trị, Moscow có những ảnh hưởng lớn tới quyết định của các quốc gia láng giềng Trung Á của Trung Quốc và thuyết phục họ từ chối đóng vai trò là các quốc gia quá cảnh cho hàng Trung Quốc. Nga cũng có thể đảm bảo rằng sẽ không còn cung cấp dầu cho Trung Quốc nữa. 
Để thực hiện được một cuộc phong tỏa có hiệu quả đối với Trung Quốc, Mỹ cần xây dựng một “liên minh tối thiểu” với Ấn Độ, Nhật Bản và Nga. Nếu cả ba quốc gia cùng chung sức thực hiện cuộc phong tỏa cùng Mỹ, thì Trung Quốc sẽ bị đẩy vào vòng kiềm tỏa bóp nghẹt cả về kinh tế và chính trị.
Liệu có thành đòn đau?
Trước hết phải thừa nhận rằng, ngay cả chiến lược phong tỏa của Mỹ có thành công cũng sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn các hoạt động thương mại của Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc vẫn sẽ có khả năng mua được các mặt hàng và tài nguyên thiết yếu nhờ những quy luật cung và cầu. Lệnh cấm vận trong khu vực mà Mỹ thiết lập càng hiệu quả, thì lợi nhuận bán hàng nhập khẩu vào Trung Quốc càng cao. Ngay cả khi tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc đồng tình cấm vận nước này, thì Mỹ vẫn sẽ phải bó tay với nạn buôn lậu tràn lan ở cấp độ phi nhà nước.
 
Một cuộc phong tỏa cũng sẽ không thể trực tiếp làm suy yếu quân đội Trung Quốc. Ví dụ, Trung Quốc có thể có các nguồn dự phòng và kho dự trữ của mình, cùng với sản xuất trong nước để cung cấp nhiên liệu cho bộ máy quân sự của mình trong suốt cuộc xung đột.
Giá trị thực của một cuộc phong tỏa sẽ nằm ở tổn thất tài chính mà Bắc Kinh phải gánh chịu nặng nề ra sao?  Nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào suy sụp nếu đánh vào ba yếu huyệt: sự phụ thuộc kép của Trung Quốc vào cả nhập khẩu nguyên liệu trung gian và nhập khẩu nguyên liệu thô và mức độ sáng tạo nội địa thấp.
Như vậy, nếu muốn tiến hành một cuộc phong tỏa đối với Trung Quốc thì Mỹ và các đồng minh sẽ phải cân nhắc cẩn thận những ảnh hưởng chiến lược tới lợi ích đôi bên. Mặc dù vậy, các nhà chiến lược của Mỹ vẫn hy vọng, với sự phụ thuộc về thương mại hàng hải như của Bắc Kinh, chiến lược phong tỏa sẽ góp phần lớn tiêu hao sinh lực của nền kinh tế Trung Quốc dẫn tới sự thất bại của Bắc Kinh.
Bình Nguyên (theo The National Interest)

Bình luận(0)