Sau khi thừa nhận cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ sắp tới sẽ rất khó khăn, ông Trump khuyến cáo Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên nếu không Mỹ sẽ đơn phương hành động.
|
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "sẽ rất khó khăn". Ảnh CNN.com |
Mỹ không cần tới Trung Quốc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên
Trung tuần tháng 3/2017, ông Rex Tillerson đã có chuyến thăm châu Á đầu tiên với cương vị Ngoại trưởng Mỹ, phát tín hiệu đanh thép đối với Triều Tiên bằng việc tuyên bố “chính sách kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”, đồng thời đề xuất tìm kiếm các biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một động thái được cho là nhằm đáp trả tuyên bố cứng rắn của phía Mỹ, ngày 21/3/2017, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công một loại động cơ tên lửa đời mới vào hai ngày trước.
Hành động nêu trên của Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ, trở thành một trong những nguyên nhân thúc đẩy Bộ Tài chính Mỹ ban hành lệnh trừng phạt bổ sung đối với 11 cá nhân và 1 công ty Triều Tiên dính líu đến các chương trình vũ khí, ngân hàng và giao dịch hàng hóa của Bình Nhưỡng vào ngày 31/3/2017.
Theo đánh giá của chính quyền Trump và nhiều chuyên gia, chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ sớm đe dọa tới Washington. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bà K.T. McFarland từng phát biểu: “Có khả năng thực tế rằng Bình Nhưỡng có thể bắn một quả tên lửa hạt nhân vào Mỹ trong cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump”.
Chính vì vậy, "mớ hỗn độn ở Triều Tiên" được thừa kế từ người tiền nhiệm, như cách nói của ông Trump khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time, cần phải được giải quyết theo cách thức mới và ngày 2/4, phát biểu trên tờ Financial Times, ông Trump cảnh báo Trung Quốc hãy kiềm chế Triều Tiên nếu không Mỹ sẽ hành động một mình.
Điều đáng quan tâm là phát biểu này của người đứng đầu Nhà Trắng được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida, càng khiến dư luận đồn đoán về sự xuất hiện của một động thái bất ngờ nào đó trong lần gặp gỡ đầu tiên giữa ông Trum và ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ hai nước.
Cuộc gặp hứa hẹn nhiều bất ngờ
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên và vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vốn được dự đoán là những nội dung được quan tâm hàng đầu trong các cuộc gặp gỡ gần đây giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, qua các lần tiếp xúc song phương có nhiều sự cố bất ngờ gần đây của ông Trump, như buổi tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, thì cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ngạc nhiên không kém, thậm chí kể cả một cái bắt tay cũng sẽ làm báo giới phải tốn giấy mực bàn luận.
Nhắc lại buổi gặp mặt thượng đỉnh đầu tiên ngày 10/2 tại Nhà Trắng, ông Trump đã khiến nhà lãnh đạo nước đồng minh lớn nhất ở châu Á là ông Abe bị rơi vào tình huống lúng túng. Tân Tổng thống Mỹ đã kéo tay của Thủ tướng Nhật Bản về phía mình, giữ thật chặt và lâu, liên tục giật mạnh và vỗ trong suốt 19 giây. Đây quả là một cách thức ngoại giao hiếm thấy.
Nắm được tình huống này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc gặp ngày 13/2 đã có động tác chủ động để không bị ông Trump giật tay về phía mình. Ông Trudeau đã đặt tay trái lên tay phải của Tổng thống Mỹ để ngăn bị kéo.
Về phần bà Angela Merkel, Thủ tướng nước đồng minh lâu năm ở châu Âu của Mỹ lại gặp một phen khó xử khi bà bị ông Trump phớt lờ đề nghị bắt tay sau khi kết thúc cuộc gặp tại phòng Bầu dục ngày 17/3. Tổng thống Trump từ chối thực hiện một nghi thức truyền thống vỗn dĩ có trong những buổi hội đàm như vậy. Hành động này của ông Trump đã làm dư luận bóng gió ám chỉ là do mối quan hệ không mấy êm đẹp giữa ông và bà Thủ tướng Đức, cụ thể là bất đồng trong chính sách đối với người nhập cư và trách nhiệm đóng góp của thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Donald Trump từng công khai chỉ trích chính sách tiếp nhận người tị nạn, nhập cư của bà Angela Merkel là một “sai lầm thảm họa”. Ngược lại, bà Merkel cũng cảnh báo Tổng thống Trump về xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, để chống lại việc nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico.
Còn lần đón tiếp ông Tập Cận Bình đã được chính ông Trump nhận định trên Twitter cá nhân là sẽ “rất khó khăn”, dù ông đã thực hiện một cuộc điện đàm từ hồi tháng 2 để trấn an quan hệ giữa hai nước cũng như củng cố lập trường ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".