Thành phố ngầm bí mật của Mỹ mang tên Camp Century (Trại Thế kỷ hay còn được gọi là "thành phố ngầm dưới băng") được xây dựng trên đảo Greenland năm 1959. Căn cứ quân sự bí mật này là nơi Mỹ thực hiện nhiều thí nghiệm trong thời gian Chiến tranh Lạnh như dự án Iceworm (Sâu băng) nhằm lắp đặt và lưu trữ tên lửa hạt nhân tầm trung bên dưới lớp băng Bắc Cực.
Kể từ khi đưa vào hoạt động, căn cứ tuyệt mật Camp Century với diện tích rộng khoảng 140 km2 là nơi làm việc của khoảng 11.000 người. Tuy nhiên, đến năm 1967, Mỹ đã rời bỏ Camp Century và bỏ hoang căn cứ quân sự tuyệt mật này sau khi phát hiện môi trường tại đây không ổn định. Trước khi rời đi, Mỹ chôn nhiều chất thải độc hại bên dưới những lớp băng dày hàng chục mét. Khi đó, các chuyên gia tin rằng, số rác thải nguy hiểm này sẽ an toàn, mãi "ngủ vùi" trong lớp băng dày đó.
|
Mỹ đã từng bí mật thử nghiệm nhiều vụ phóng tên lửa tại Camp Century. |
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters do các nhà khoa học tại ĐH York, Canada khiến mọi người vô cùng bất ngờ và lo lắng. Bởi lẽ, lớp băng bao phủ Camp Century ở Bắc Cực có thể bắt đầu tan chảy vào cuối thế kỷ này. Khi đó, cơ sở hạ tầng của Camp Century sẽ dần lộ ra bên ngoài. Cùng với đó là các chất thải độc hại (sinh học, hóa học, chất phóng xạ…) sẽ xâm nhập vào đại dương, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.
Theo ước tính, lượng chất thải của Camp Century bao phủ diện tích 55 ha (0,55 km2), bao gồm 200.000 lít dầu diesel, một lượng lớn nước làm mát chứa nhiễm phóng xạ nồng độ thấp từ máy phát điện hạt nhân và polychlorinated biphenyls (PCBs), chất gây ô nhiễm độc hại cho con người.
Theo tính toán của các nhà khoa học, lớp băng vĩnh cửu bao phủ địa điểm độc hại này sẽ tan chảy hết vào năm 2090. Khi đó, con người sẽ phải đối diện với thảm họa môi trường tồi tệ, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe của con người.
Một số chuyên gia nhận định nếu không có những giải pháp xử lý, khắc phục vấn đề trên ở Camp Century thì nó sẽ khiến mối quan hệ giữa Mỹ với Greenland và Đan Mạch trở nên căng thẳng.