G7 thảo luận “các mối đe dọa đang nổi” từ Nga và Trung Quốc

Google News

Khối G7 ngày càng chính trị hóa cao độ, đề cập nhiều đến mối “đe dọa” từ Nga và Trung Quốc. Mỹ, Anh là các nhân tố tích cực nhất trong khối liên quan đến việc nêu bật mối đe dọa này.

Ngoại trưởng nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 vừa nhóm họp tại thủ đô London của Anh trong lần gặp gỡ trực tiếp đầu tiên sau hơn hai năm. Cuộc họp kéo dài 2 ngày bắt đầu từ 4/5 được coi là sự kiện chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh trong tháng 6 tới.
Được thành lập vào năm 1975 như một diễn đàn để các quốc gia giàu có nhất phương Tây thảo luận về các cuộc khủng hoảng đang nổi lên, G7 hiện nay đang quan tâm và đang tìm cách đối phó với các thách thức chung như quan hệ chính trị căng thẳng với Nga và Trung Quốc – hai quốc gia rộng lớn và ngày càng quyết đoán cũng như các vấn đề “nóng” khác từ đại dịch Covid-19 cho đến biến đổi khí hậu…
G7 thao luan “cac moi de doa dang noi” tu Nga va Trung Quoc
Các quan chức G7 năm 2021. Ảnh: AFP. 
G7 muốn lập liên minh chống ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc?
Các ngoại trưởng G7 đã gặp nhau thảo luận song phương và đa phương từ đầu tuần này và trong hầu hết các cuộc gặp đó thì việc xử lý mối quan hệ giữa nhóm các nước G7 với Nga và Trung Quốc được xem là trọng tâm, chiếm nhiều thảo luận nhất. Qua những gì đã thể hiện tại London trong 3 ngày qua thì có thể thấy, về cơ bản cách tiếp cận của nhóm nước G7 mở rộng đối với Nga và Trung Quốc không thay đổi nhiều so với thời gian qua.
Nhóm G7 và một số nước đồng minh đánh giá Nga và Trung Quốc đang tạo ra bất ổn khi cố gắng thay đổi trật tự quan hệ quốc tế dựa trên luật lệ mà phương Tây đã lập nên kể từ sau Thế chiến II. G7 cho rằng Nga và Trung Quốc đang hành động ngày càng quyết liệt hơn trong nhiều vấn đề quốc tế và trên thực tế đang tiến hành chiến tranh thông tin chống lại phương Tây, thể hiện qua các cuộc tấn công mạng, các chiến dịch tung tin giả, tạo ảnh hưởng và gây tác động đến các tiến trình dân chủ tại phương Tây.
Tất nhiên, đây hoàn toàn là quan điểm từ phía các nước phương Tây chứ không nhất định phải là thực tế của quan hệ quốc tế. Một minh họa rõ nhất, đó là Liên minh Dân chủ tại Đan Mạch, một tổ chức do cựu Tổng thư ký NATO Anders Forg Rassmussen lập ra và vừa bị Trung Quốc trừng phạt, đã tiến hành một cuộc thăm dò dư luận lớn trên hơn 53 quốc gia vào đầu năm nay và kết quả cho thấy, nước Mỹ được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ, chứ không phải Nga hay Trung Quốc.
Do đó, nhóm G7, mà hai nước Mỹ và Anh quyết liệt nhất, muốn kêu gọi các nước lập thành một liên minh nhằm chống lại ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. G7 tự coi liên minh này là một liên minh giữa các nước có cùng chí hướng, phấn đấu vì dân chủ và một xã hội mở. Nói cách khác, G7 đang có tham vọng lập liên minh như thời Chiến tranh lạnh, để đối đầu với Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện tại mức độ đối đầu này chưa đến mức gay gắt như Chiến tranh lạnh, vì G7 vẫn muốn mở cánh cửa đối thoại và hợp tác. Ví dụ trong quan hệ với Nga, phía Mỹ đang có dấu hiệu hòa dịu. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tuyên bố muốn xây dựng một “quan hệ ổn định” với Nga và cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6 khi ông Biden đến thăm châu Âu và dự Thượng đỉnh G7 tại Anh.
Với Trung Quốc, cả Mỹ và Anh cũng cho rằng hai bên vẫn có thể hợp tác trong một số lĩnh vực như thương mại, chống biến đổi khí hậu. Về tổng thể thì G7 đang giơ cao khẩu hiệu dân chủ, nhân quyền để lôi kéo đồng minh nhằm bao vây và đối chọi lại với sức ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của Nga, và đặc biệt là Trung Quốc.
Thông điệp của Anh khi mời Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Nam Phi và ASEAN
Trong các cuộc gặp tại London lần này, phía Mỹ đã hé lộ ý định muốn tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ trong vài tháng tới, để tập hợp các nước được cho là có chung chí hướng về dân chủ, tạo thành liên minh đối trọng với Trung Quốc và Nga.
Ưu tiên lớn nhất của G7 là các nước đến từ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi sẽ là sân khấu chính của chính trị thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Đó là lí do mà nước Anh chủ nhà đã mời Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia… 3 nước tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và là những nước ít nhiều có mâu thuẫn trong quan hệ với Trung Quốc.
Nam Phi tuy ở châu Phi, không trực tiếp liên quan đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng vốn được coi là một nước thuộc khối các nước công nghiệp mới nổi - BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), đồng thời lại là một cường quốc ở châu Phi và nằm trong Khối Thịnh vượng chung do Anh dẫn dắt.
Ý định của Anh được Mỹ hậu thuẫn, là rất rõ ràng, đó là tìm mọi cách lập một liên minh mới dưới ngọn cờ dân chủ, để đối đầu với các đối thủ lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Mỹ đã thực hiện ý định này thông qua “Bộ Tứ Kim cương” với Nhật Bản - Ấn Độ - Australia. Riêng nước Anh đã đệ đơn gia nhập CPTPP và nhiều khả năng cũng sẽ tham gia Bộ Tứ.
Đối với nước Anh, G7 lần này là một cơ hội lớn để thể hiện rằng Anh vẫn là một cường quốc có vai trò trên thế giới và chiến lược “Nước Anh toàn cầu” là đúng đắn, đặc biệt trong thời điểm các hậu quả của Brexit ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Đối với Mỹ thì các bước đi này cũng nằm trong nghị trình của tân chính quyền Joe Biden, đó là coi việc đối đầu với Trung Quốc là ưu tiên chiến lược lớn nhất trong thế kỷ 21.
Đối với G7, đây cũng có thể coi là một cơ hội để cơ chế này lấy lại chút ảnh hưởng thực chất hơn bởi nhiều năm qua G7 đã đánh mất vai trò của mình. Nhóm nước G7 không còn là đại diện của những nền kinh tế lớn nhất thế giới khi mà trong G7, ngoài Mỹ thì tất cả các thành viên khác đều có nền kinh tế chỉ bằng 1/3, 1/4, thậm chí là 1/8 Trung Quốc, đồng thời tiếng nói của G7 cũng ngày càng ít trọng lượng hơn so với G20.
Hội nghị G7 sẽ đặt ra những vấn đề gì trong chương trình nghị sự?
Sự thành lập G7 nhiều thập kỷ trước là cách mà các nền dân chủ phương Tây thể hiện ưu thế lãnh đạo của mình. Mỗi năm các lãnh đạo G7 sẽ họp bàn, đưa ra các định hướng chiến lược cho hầu như cả thế giới. Tuy nhiên, vào thời điểm thành lập năm 1975, nền kinh tế các nước G7 chiếm đến 2/3 GDP toàn thế giới. Hiện tại, con số này chỉ là trên 40% và tổng số thành viên của G7, kể cả cộng thêm một số đối tác, cũng chỉ chiếm hơn 5% tổng số quốc gia thành viên trong cộng đồng quốc tế.
Do đó, tính chất của G7 cũng thay đổi. Người ta đang chứng kiến một G7 trước đây mang tính tham vấn và định hướng cho các vấn đề lớn của thế giới trở thành một nhóm các nước G7 bị chính trị hóa cao độ. Trong suốt 3 ngày họp vừa qua, các Ngoại trưởng G7 nói quá nhiều về Nga, Trung Quốc, nói về liên minh dân chủ, trong cả các cuộc họp đa phương lẫn song phương trong khi các vấn đề lớn toàn cầu khác như đại dịch Covid-19, yêu cầu cấp bách chia sẻ vaccine với các nước nghèo hay cam kết cụ thể và rõ ràng hơn đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu… lại bị lép vế hơn rất nhiều.
Việc mời Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi và Tổng thư ký ASEAN dự Thượng đỉnh G7 năm nay là ý định khó có thể che giấu hay biện hộ về việc G7 đang có tham vọng trở thành một NATO về chính trị, phục vụ chiến lược duy trì ưu thế của các nước phương Tây trước sự cạnh tranh của các cường quốc mới nổi khác. Do đó, chương trình nghị sự tại Thượng đỉnh G7 sắp tới có lẽ sẽ không nằm ngoài định hướng này, tức các vấn đề về cạnh tranh chiến lược, căng thẳng địa chính trị, lá bài dân chủ… sẽ là trọng tâm chứ không phải là kinh tế hay môi trường. Và G7 khi đó có lẽ sẽ được đổi tên thành D10 - tức nhóm 10 nước dân chủ lớn.
Trên thực tế, việc hy vọng G7 có thể đưa ra các định hướng lớn cho toàn cầu là vì phi thực tế, không chỉ bởi thế giới đã có nhiều cơ chế đa phương khác hiệu quả hơn, thế giới cũng đang ngày càng đa cực hơn, không phụ thuộc duy nhất vào ý chí của các nước phương Tây.
Theo Quang Dũng/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)