Trước chính sách chia rẽ của Tổng thống Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi: "Chúng ta phải hiểu rằng Châu Âu phải chiến đấu vì tương lai và vận mệnh của chính mình”.
|
Liên minh Châu Âu khốn đốn trước chính sách chia rẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Time.com |
Tuyên bố của Thủ tướng Angela Merkel nhận được sự hậu thuẫn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người trở nên nổi tiếng với cái bắt tay “nắn gân” Tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể đã "đánh cắp độc quyền của tổng thống Mỹ về việc không thể đoán trước…”
Để trở thành nhà lãnh đạo Châu Âu, Tổng thống Macron, cũng giống như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, phải mỉm cười ngọt ngào với ông chủ Nhà Trắng, mặc dù bất đồng về những vấn đề cốt yếu.
Đó là một tình huống mới đối với các chính trị gia Châu Âu.
Giám đốc tổ chức “Hội đồng Châu Âu về Quan hệ đối ngoại” Mark Leonard lưu ý: "Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ khi EU được thành lập không ủng hộ sự hội nhập sâu hơn nữa của Châu Âu”.
Thế nhưng, liệu Tổng thống Donald Trump có nhận được hỗ trợ ở Châu Âu?
Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump đã nhận được sự hỗ trợ của một số nhà lãnh đạo các nước thành viên Liên minh Châu Âu, đôi khi chỉ là tình cờ.
Italy là một nước lớn trong EU và đang phải đối mặt với làn sóng người di cư từ Bắc Phi vượt Địa Trung Hải tràn vào.
Cánh hữu ở Italy, được khích lệ bởi sự yếu kém của chính phủ hiện hành, đang trở nên mạnh mẽ hơn so với 5 năm trước đây và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi (81 tuổi) dường như bất tử.
Đồng thời, “Phong trào Năm sao” của Beppe Grillo vẫn đang nhận được sự ủng hộ của khoảng 30% cử tri, cao hơn cả Đảng Dân chủ. Đảng này cực lực chống đối làn sóng người di cư và ngày càng tỏ ra hoài nghi mái nhà chung Châu Âu (EU).
Nếu có thể hợp nhất thành công các phe phái khác nhau, cánh hữu ở Italy có thể lên cầm quyền sau một cuộc tổng tuyển cử dự kiến tổ chức vào năm tới.
Trong số các chính phủ Châu Âu ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ba Lan là nước cầm đầu. Bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump ở Warsaw hồi tháng trước đã được Đảng Luật pháp và Công lý cầm quyền nhiệt liệt hoan nghênh vì ông này không hề đả động đến việc chính phủ Ba Lan có kế hoạch thâu tóm ngành Tư pháp, một động thái đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ cực lực phản đối.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người hoan nghênh việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Thủ tướng Orban coi ông Trump là một đồng minh tự nhiên, sẵn sàng ủng hộ việc rào chắn biên giới và chống làn sóng di cư bất hợp pháp.
Sau khi chia tay với Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh sẽ phụ thuộc rất nhiều vào một thỏa thuận thương mại với Mỹ để bù đắp cho việc mất đặc quyền truy cập vào thị trường EU nhất thể hóa.
Từ chỗ chê bai ông Trump là "thiếu hiểu biết và hoàn toàn ngu ngốc" trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã chuyển sang tâng bốc Donald Trump và hết lời ca ngợi "mối quan hệ đặc biệt" Anh-Mỹ.
Liên minh Châu Âu không có lập trường thống nhất khi đối mặt với Tổng thống Mỹ Donlad Trump. EU bất đồng với Mỹ về các vấn đề như thương mại tự do, biến đổi khí hậu và NATO. Nhưng một số nước thành viên EU lại tán thành quan điểm của chính quyền Donald Trump về vấn đề nhập cư, rào chắn biên giới…
Trong khi ông Macron và bà Merkel - hai nhà lãnh đạo quyền lực nhất Châu Âu - phản đối Tổng thống Donald Trump về hầu hết mọi thứ, hai vị này cũng cần phải giữ quan hệ tốt với Washington, không chỉ vì lý do quốc phòng.
Hai nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt tay nhau để chèo lái con thuyền EU trước vô vàn khó khăn về kinh tế, chính trị và về vị thế trên thế giới.
Nhưng Thủ tướng Merkel và Tổng thống Marcon đang đối mặt với những chính khách hoài nghi và phản đối ở bên trong EU, những người đang nhận được sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây sẽ là một cuộc đấu tranh sâu rộng và nhạy cảm… dẫn đến hậu quả lớn ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương trong nhiều năm tới.