Gaza là thành phố nằm giữa thung lũng sông Jordan và biển Địa Trung Hải. Đây là một trong số những thành phố có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Tuy vậy việc giao kết với các khu vực khác tại nơi đây không mấy dễ dàng, ngay cả với các khu vực lân cận như thành phố ven biển Ashkelon phía Nam Israel hay thành phố cảng gần nhất El Arish ở đảo Sinai của Ai Cập.
Về mặt pháp lý, Gaza không được quốc tế công nhận thuộc bất cứ một quốc gia có chủ quyền nào. Dải Gaza thuộc quyền tài phán của chính quyền Palestine nhưng kể từ năm 2007, quyền lực thuộc về các nhóm Hồi giáo vũ trang Hamas. Toàn bộ thành phố và dải đất dọc ven biển hiện nay là nhà của hơn 1,6 triệu người dân, nơi đây đặt ra giới hạn nghiêm ngặt đối với khách du lịch, ngay cả nhà báo cũng chỉ được nhập cảnh khi có giấy phép của Văn phòng báo chí Chính phủ Israel và có sự cho phép của bộ phận truyền thông được quản lý chặt chẽ bởi Hamas.
|
Trung tâm thành phố Gaza trước khi bị cô lập. |
Trong năm 2013, các tổ chức phi chính phủ (NGOs), các nhà tài trợ nước ngoài và cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ người tị nạn ở Palestine đã hỗ trợ cho Gaza 238 triệu USD, gần như mọi dịch vụ cơ bản tại khu vực phụ thuộc vào khoản ngân sách này khi hơn một nửa dân số trong độ tuổi lao động đang thất nghiệp. Gaza đang bị cô lập nghiêm trọng khi nơi đây không thật sự có các hoạt động bưu chính hay những thứ phổ biến tại các thành phố khác trên thế giới như nhà hàng Trung Quốc, không khí lại thường xuyên bị ô nhiễm bởi khói đốt rác.
Đây không phải tình trạng cố hữu của dải Gaza. Cảng biên giới Israel trị giá 35 triệu USD tại Erez trông giống như một sân bay quốc tế với mái vòm hình lượn sóng vươn cao. Khi được đưa vào hoạt động năm 2005, Israel đang trong quá trình rút quân và cư dân ra khỏi dải Gaza sau khi giành được quyền kiểm soát từ tay Ai Cập trong cuộc “Chiến tranh 6 ngày” năm 1967. Theo dự tính, mỗi ngày sẽ có khoảng 15 nghìn người Palestine qua cửa khẩu biên giới này, điều này là hoàn toàn hợp lý khi có khoảng 110 nghìn người từ Gaza và Bờ Tây nhập cảnh vào Israel để làm việc mỗi ngày trong những năm cuối thập kỷ 90.
Nhưng kể từ khi được tiếp quản bởi Hamas – tổ chức bị Mỹ và EU coi là tổ chức khủng bố thì lượng người xuất nhập cảnh đã giảm đến chóng mặt. Cửa khẩu Erez hiện nay chỉ có khoảng vài trăm người qua lại mỗi ngày, chủ yếu là nhân viên cứu trợ và những phóng viên được đi kèm bởi những người Palestine, họ hiếm khi được cho phép quá cảnh qua Israel để vào Bờ Tây hoặc Jordan hay vào thăm người thân trong những bệnh viện của Israel.
|
Cửa khẩu Erez nhìn từ phía Gaza. |
Israel đã thắt chặt giao thương, an ninh biên giới và hàng hải đối với Gaza vì lo ngại Hamas có thể tích trữ vũ khí, vật liệu sử dụng cho công nghệ kép và ngoại tệ. Sau tất cả, nhóm khủng bố đã đưa ra cam kết hủy diệt tàn bạo Israel và sử dụng Gaza như một căn cứ của các nhóm tấn công tự sát nhắm vào thường dân Palestine và lưu trữ hàng nghìn tên lửa. Kể từ năm 2008, Hamas và Israel đã có 3 cuộc “giáp lá cà”, trong đó có 1 vụ xảy ra trong mùa hè 2014 với 2.200 người Palestine và 74 người Israel bị thiệt mạng (ban đầu Liên Hợp Quốc cho rằng khoảng 70% người Palestine thiệt mạng là dân thường, mặc dù theo tính toán của Trung tâm Thông tin khủng bố của Do Thái thì 52% trong số 1.165 người thiệt mạng trong chiến tranh là binh sỹ).
Cửa khẩu Erez được phòng ngự bởi căn cứ quân sự với những trạm quan sát trên cao, vượt xa khỏi lớp tường rào bê tông. Phía bên ngoài là bức tường cao kiên cố chạy dọc theo đường biên giới, bên trong là lớp tường thứ 2 bảo vệ thị trấn Netiv HaAsara nằm trên một đỉnh đồi có thể quan sát vùng đất biên giới Gazan khi có các cuộc tấn công vũ trang. Bởi vậy cửa khẩu này trong thời gian gần đây khá tiêu điều, chỉ có vài khách vãng lai và nhân viên cứu trợ qua lại.
Được ngăn cách bởi 1 bức tường cao gần 5 mét với cửa trượt kim loại chống nổ, Gaza và Israel như 2 thế giới khác biệt. Trong khi Gaza ngày càng trở nên tuyệt vọng với điện thường xuyên bị cắt, chính quyền sụp đổ, các xung đột và rối ren trong khu vực cô lập người dân khỏi thế giới bên ngoài cũng như ngăn cách chính họ thì Israel vẫn hoạt động bình thường với những tuyến đường cao tốc và hệ thống tín hiệu giao thông hiện đại, thị trường phong phú các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây, hệ thống điện, nước sạch và các dịch vụ bưu chính hiện hoạt 24 giờ, rạp chiếu phim, nhà nước pháp quyền, hệ thống xử lý rác thải,…..
Về mặt lý thuyết, Gaza được cai trị bởi cả chính quyền Palestine và tổ chức Hamas, nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Mặc dù Hamas đã bị suy yếu sau cuộc tấn công hồi mùa hè và chính quyền Palestine đang tiến hành khấu trừ lương của các công chức thuộc Hamas trên giải Gaza nhưng nhóm những người Hồi giáo vẫn nắm trong tay các vũ khí hạng nặng, kiểm soát biên giới, các trạm an ninh, kiểm soát việc thu thuế, phí an ninh cũng như duy trì hoạt động của cảnh sát và cảnh sát chìm.
Con đường dẫn đến thành phố Gaza rải rác các tòa nhà bị phá hủy trong khi những công trình còn lại gần đó khá nguyên vẹn. Cuộc đụng độ hồi mùa hè gây ra phần lớn các tổn thất, đây là nước đi sai của Hamas khi không thể cải thiện cuộc sống của người dân mà còn làm tệ hơn tình hình bị cô lập tại khu vực.
Một kỹ sư người Gaza được đào tạo tại phương Tây chia sẻ: “Khi không có truyền hình và Internet bạn sẽ cảm thấy như bị lạc giữa sa mạc. Không có ai xung quanh tôi, không có ai nghe thấy tôi, chúng tôi thậm chí còn không đến thăm nhau, không thể mời nhau dùng bữa. Đây là thực tế tồi tệ nhất bủa vây lấy cuộc sống của chúng tôi và không buông tha ngay cả khi đã ngủ.”
|
Đống đổ nát sau chiến tranh ở phía đông thành phố Gaza. |
Có một lối khác để nhập cảnh vào Gaza là qua cửa khẩu Rafah của Ai Cập, cửa khẩu này nằm ở phía Tây Nam của khu vực, mặc dù chỉ mất khoảng 90 phút lái xe nhưng vẫn xa tương đương với việc đi qua cửa khẩu Erez. Không khí ở nơi đây cũng khá buồn tẻ với đợt cấm lưu hành 20 ngày đối với toàn bộ người và hàng hóa, những người duy nhất có mặt là những cán bộ cửa khẩu Hamas với vẻ chậm chạm, uể oải.
Tại các trạm lưu thông vận tải, các xe tải chở hàng hóa từ Israel vào Gaza cần đi qua 2 cửa thanh tra, 1 cửa thuộc chính quyền Palestine, một cửa thuộc tổ chức Hamas. Hamas công khai đánh thuế mọi chuyến xe hàng, kể cả xe của Liên Hợp Quốc. Kể từ khi phe Hamas thân tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập bị lật đổ vào năm 2013, tổng thống tái đắc cử Abdul Fattah al-Sisi đã tiến hành thắt chặt an ninh biên giới, giảm mạnh lượng lưu thông tại cả 2 cửa khẩu và phá hủy hàng nghìn đường dây buôn lậu từ Sanai tới Gaza. Các chiến dịch thánh chiến đang diễn ra ở bán đảo Sinai, Ai Cập khiến cho Cairo thêm chú trọng vào việc củng cố các hầm quân sự tại các khu vực lân cận dải Gaza, điều này cũng khiến cho Chính phủ chống Hồi giáo và Hamas của Sisi hạn chế tối đa lưu thông tại biên giới.
Tuy vậy, Rafah vẫn là lối lưu thông khả dĩ nhất trong khu vực hiện nay mặc dù những người Palestine có thể bị giữ lại biên giới đến vài ngày để chờ được cấp thị thực và lỡ mất chuyến bay rời khỏi Ai Cập. Khi được phép quá cảnh, họ còn bị hộ tống đến sân bay Ai Cập bằng xe của lực lượng vũ trang hoặc bị giám sát một cách nghiêm ngặt trên xe buýt bởi những người lính Ai Cập . Điều này chắc hẳn khiến cho những người thông hành qua Rafah cảm thấy bị đối xử như tù nhân.
|
Cửa khẩu Rafah. |
Israel có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Gaza, nhưng Ai Cập lại là nước phong tỏa hoàn toàn khu vực. Một số tiểu thương cho biết sản phẩm nhập khẩu từ Ai Cập duy nhất mà họ có trong cửa hàng của mình là thuốc lá, thông qua một số đường buôn lậu ít ỏi còn hoạt động. Tất cả các mặt hàng còn lại đều đến từ Israel. Một chủ cửa hàng ở gần Rafah cũng cho biết thêm: “Việc đóng cửa biên giới lần này khác so với những lần trước với thời gian kéo dài hơn, điều này khiến doanh thu của cửa hàng tôi giảm đến 80%, các vùng gần biên giới đang bị quân đội san phẳng, nhà cửa bị phá dỡ. Chúng tôi có thể nghe rõ tiếng bom nổ và mùi khói đậm đặc trong không khí.”. Theo ông, những người Ai Cập sẽ không đời nào chiếu cố cho việc Hamas giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah, nếu như chính quyền Palestine nắm quyền kiểm soát biên giới thì mọi việc sẽ hoàn toàn khác.
Trở lại với thành phố Gaza, giáo sư Đại học Al Azhar Mkhaimar Abusada chia sẻ với không chút lạc quan: “Những người Ai Cập nói rằng chính quyền Palestine phải tiến hành chuyển quân qua Rafah, nhưng thực tế bên phía Ai Cập sẽ không đời nào mở cửa Rafah vì lo sợ phải đối mặt với các cuộc nổi dậy của phe cấp tiến và cực đoan tại Sinai. Hiện chúng tôi đang mắc kẹt giữa một mớ rối ren.”
Sau 1 tháng đóng cửa, cửa khẩu đã hoạt động trở lại nhưng chỉ mở 1 chiều cho người Gaza trở về Dải. Đầu những năm 2000, trước khi kế hoạch tấn công khủng bố do Hamas lãnh đạo nổ ra ở Israel, những người Gaza có thể dễ dàng sơ tán khỏi lãnh thổ.
Giữa những năm 1998 và 2000, họ có thể rời khỏi Gaza trên những chuyến bay của hãng Palestine Airlines từ sân bay quốc tế Yasser Arafat, chỉ cách Rafah một đoạn rất ngắn. Giống như việc xảy ra ở Erez, đây là dấu hiệu cho thấy rằng người Israel và người Gaza không hề có chung một tầm nhìn.
Các cửa khẩu biên giới và các công trình lân cận hiện nay như một mớ hỗn độn, bị phá hủy trong nhiều năm qua bởi các máy bay chiến đấu của Israel nhằm đánh sập các cửa ngõ chuyển hàng lậu nằm ở giữa đường băng cũ và Sinai.
Thực tế đường băng đã không còn nguyên vẹn kể từ những năm đầu thập niên 2000 khi quân đội Israel tiến hành chống lại làn sóng đánh bom tự sát tại Gaza, giờ đây vết tích để lại chỉ là một vệt hình chữ nhật đen đúa trên đám cỏ khô.
Đống đổ nát từng là sân bay duy nhất hoạt động dưới thời Palestine cầm quyền hiện là một trong những nơi nguy hiểm nhất tại Gaza với các vật liệu cháy nổ chưa được tháo gỡ và các mảng bê tông có thể rơi xuống gây chết người bất cứ lúc nào.
|
Tàn tích còn lại của sân bay quốc tế Yasser Arafat. |
Trên cao là khinh khí cầu không người lái mang chức năng giám sát các khu vực đất nông nghiệp Israel nhằm phát giác nếu có những người buôn lậu hoặc kẻ địch đột nhập vào nhập. Hamas cũng triển khai giám sát nghiêm ngặt những vấn đề tương tự.
Tương lai ảm đạm của Gaza
Chiến dịch mùa hè của Hamas nhằm khiến Israel nâng cao thắt chặt biên giới không đi đúng như dự kiến khi lại gây tác động vào phía Ai Cập. Những bế tắc chính trị của Palestine và kho vũ khí của Hamas làm cho hy vọng các nguyên nhân gốc rễ gây ra việc Gaza bị cô lập được giải quyết êm đẹp trở nên ít ỏi hơn bao giờ hết.
Nếu như Gaza vẫn nằm ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Palestine thì sẽ không có một thương lượng hòa bình nào được đưa ra để giải quyết xung đột đang ngày càng gia tăng giữa Palestine và Israel, bởi chính quyền Palestine giờ đây là hi vọng duy nhất có thể đưa ra thỏa thuận về một tiến trình trao quyền hòa bình thay mặt cho những người dân Palestine.
Trong khi đó, đang có 1,6 triệu người đang trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Một công chức, bác sĩ trước đây từng làm việc tại Gaza cho biết: “Không một ai trong chúng tôi lạc quan, mọi người đang mệt mỏi và kiệt sức khi dường như không có cách nào phá vỡ tình trạng cô lập hiện nay.”
Trong những năm 1990 khi Palestine đang đứng trước quyết định dành quyền kiểm soát Gaza, không ai được cảnh báo về việc sẽ có những cuộc tấn công lớn nổ ra. Người này tiếp tục cho biết:”Lúc đó các cửa khẩu biên giới đều được mở, 70 nghìn người đang làm việc tại Israel, những người nông dân thì tập trung lo xuất khẩu nông phẩm ra nước ngoài. Tất cả những gì chúng tôi cần phải nghĩ lúc đó chỉ là làm sao để mở rộng nông trại, nhà máy và cải thiện cuộc sống.”
Những điều bình thường đó giờ đây lại trở nên quá xa vời đối với những người dân tại nơi đây. Vị bác sĩ trên cho rằng:”Điều nên làm nhất hiện giờ là loại bỏ bớt áp lực đang đè nặng lên cuộc sống của người dân. Nếu không chúng tôi sống chẳng bằng chết.”