Đối đầu Nga-phương Tây tạo ra “Ukraine thứ 2 ở Trung Á“

Google News

Cuộc đối đầu Nga-phương Tây có thể sẽ khiến Trung Á trở thành một "Ukraine thứ 2".

Cuộc đối đầu Nga-phương Tây không chỉ gây nên những thiệt hại nặng nề về kinh tế cho hai bên mà còn đang gây nên những hệ quả khôn lường đối với các nước Trung Á. Nếu không sớm có giải pháp hiệu quả, Trung Á có thể sẽ trở thành một "Ukraine thứ 2".
Doi dau Nga-phuong Tay tao ra “Ukraine thu 2 o Trung A“
Ảnh minh họa. 
Khi nền tảng ổn định bị phá vỡ
Tại đa số các quốc gia Trung Á, một chế độ cầm quyền có thể tồn tại hàng chục năm, điển hình là ở Kazakhstan (Tổng thống Nazarbaev đã cầm quyền từ năm 1989 đến nay). Nền tảng cho sự ổn định này chính là do chính quyền đã duy trì được mức sống làm hài lòng người dân. Tuy nhiên, nền tảng này đang nằm dưới nguy cơ bị phá vỡ do những bất ổn từ nền kinh tế đang chịu cấm vận của Nga đem lại.
Bối cảnh kinh tế ảm đạm của Nga khiến một loạt lao động nhập cư, chủ yếu đến từ các quốc gia Trung Á, phải trở về quê nhà do không có thu nhập ở Nga. Không chỉ không có tiền chuyển về nhà, việc một lượng lớn lao động quay trở lại quê nhà đã tạo nên nhiều áp lực đối với an sinh xã hội của các nước Trung Á khi tình trạng thất nghiệp gia tăng nhanh chóng.
Tại Kazakhstan - quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Á, việc chính quyền quyết định thả nổi tỉ giá đồng nội tệ (Đồng Tenge) do những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô khiến giới doanh nhân và người dân bất bình, mâu thuẫn với chính quyền do đó ngày càng gia tăng, tiềm ẩn những nguy cơ to lớn đối với sự ổn định xã hội.
Những mầm mống bất ổn trên thực sự là “miếng mồi ngon” đối với các lực lượng Hồi giáo cực đoan như IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Lực lượng này đang theo dõi sát sao tình hình Trung Á để sẵn sàng tổ chức các cuộc bạo động lật đổ chính quyền, hoặc ít ra là tiến hành các vụ khủng bố để làm bất ổn tình hình.
Theo chuyên gia phân tích chính trị Kazakhstan Aidos Sarim, tình hình các nước Trung Á hiện nay có thể ví như con tàu đang chuyển động với tốc độ ổn định nhưng do hết nhiên liệu chính, phải dùng nhiên liệu phụ nên gặp nhiều vấn đề. Do đó, điều cần thiết là “cần phải có nguồn năng lượng mới - năng lượng từ sự tin tưởng của người dân đối với chính quyền”. Tuy nhiên, niềm tin này đang suy giảm nhanh chóng. Những yêu cầu đòi làm trong sạch bộ máy chính quyền, đòi hỏi phải tiến hành những cải cách thực sự, đang ngày càng gia tăng, nhất là ở Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Hiện làn sóng đòi chính quyền tự do hóa nền kinh tế, giảm sự kiểm soát đối với nền kinh tế đang gia tăng nhanh chóng ở các nước Trung Á vì người dân coi đây là mô hình ở các nước kinh tế phát triển. Ngoài ra, làn sóng biểu tình đòi thay đổi chế độ cầm quyền kiểu “thế tục” (cha truyền con nối) cũng đang ngày càng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định ở khu vực này. Do đó, khả năng “cách mạng màu” có thể bùng nổ vào bất cứ thời điểm nào đang thực sự đe dọa các quốc gia Trung Á.
Doi dau Nga-phuong Tay tao ra “Ukraine thu 2 o Trung A“-Hinh-2
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Giải pháp nào để ổn định Trung Á?
Để tình hình không tiến triển theo chiều hướng bất lợi, đe dọa sự ổn định ở khu vực, các nước Trung Á cần đến tổng thể các giải pháp, nỗ lực không chỉ của bản thân mà còn của các cường quốc khác.
Về phía nội tại, chính quyền các nước Trung Á cần phải kiên trì, không cố gắng giải quyết tình hình bằng các biện pháp cực đoan như những gì chính quyền Tổng thống Emomali Rakhmon đã làm ở Tadjikistan. Để giải quyết vấn đề người lao động thất nghiệp trở về từ Nga, nghèo đói và người dân bị các phần tử cực đoan lôi kéo, chính quyền Tổng thống Emomali Rakhmon đã cố gắng loại bỏ đảng đối lập – “Đảng phục hưng Hồi giáo Tadjikistan” khỏi vũ đài chính trị. Hậu quả là một Thứ trưởng quốc phòng đã tập hợp lực lượng nổi dậy và chiếm cứ một khu vực ở Tadjikistan. Nguy cơ nội chiến quay trở lại đang thực sự đe dọa Tadjikistan.
Ngoài nội lực của chính quyền các nước Trung Á, sự ổn định của khu vực này còn phụ thuộc khá nhiều vào quan điểm các nước lớn, mà trực tiếp là Nga, Mỹ và Trung Quốc. Mỹ ở cả cấp độ chính thức và không chính thức thường xuyên tuyên bố sẽ “nhường” để cho Nga và Trung Quốc giải quyết các vấn đề ở Trung Á. Tuy nhiên trên thực tế, Mỹ lại thường có những hành động cạnh tranh ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc ở khu vực này.
Về phần mình, Nga và Trung Quốc đều rất quan tâm đến Trung Á. Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra những tuyên bố về sự phối hợp của hai bên trong các dự án tại Trung Á. Nga và Trung Quốc muốn kết nối dự án “Con đường tơ lụa” mới của Trung Quốc với dự án liên kết Á-Âu của Nga. Dự án này, theo giới phân tích kinh tế và chính trị, nếu được thực hiện thành công sẽ góp phần đáng kể vào quá trình ổn định tình hình, phát triển kinh tế-xã hội Trung Á. Mặc dù vậy, cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn duy trì ảnh hưởng của mình ở Trung Á nên sự cạnh tranh cũng không hề nhỏ. Sự nghi kỵ, đề phòng lẫn nhau giữa hai cường quốc này có thể sẽ khiến các dự án chung ở Trung Á bị đình trệ.
Một điều hiển hiện trước mắt là nếu như đối đầu Nga-phương Tây không sớm chấm dứt để lượng lớn lao động quay lại Nga làm việc, bối cảnh tình hình chính trị-kinh tế-xã hội các nước Trung Á sẽ tiếp tục bất ổn và nguy cơ “cách mạng màu” theo kịch bản Ukraine có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Theo Infonet

Bình luận(0)