Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố âm mưu đảo chính đã thất bại
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã lên tiếng trấn an rằng ông đang nắm quyền kiểm soát và âm mưu đảo chính của một bộ phận trong quân đội đã thất bại. Theo VOA, Tổng thống Erdogan đã bay tới Istanbul vào sáng sớm ngày 16/7 và lên án âm mưu đảo chính là hành động phản bội của một nhóm mà ông mô tả là sĩ quan quân đội bất hảo.
Tuyên bố trước quốc dân vào chiều 16/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi đêm 15/7 là “một vết nhơ đối với Thổ Nhĩ Kỳ” và “giai đoạn đầu của sự cố này đã kết thúc”. Trong cái đêm mà Thủ tướng Yildirim gọi là "vết đen của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ" này, đã có 161 người đã thiệt mạng và 1.440 người bị thương.
Ông Yildirim nói thêm rằng 2.839 binh sĩ và sĩ quan đã tiến hành cuộc đảo chính này sẽ bị trừng phạt đích đáng. Hiến pháp hiện hành của Thổ Nhĩ Kỳ cấm án tử hình, nhưng ông Yildirim đã ngỏ ý cho thấy chính phủ ở Ankara có thể thay đổi điều này.
|
Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ đổ xuống đường chặn xe tăng của quân đảo chính. Ảnh Reuters |
Trước đó trong một bài diễn văn phát đi trên đài truyền hình, Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Umit Dundar đã ca ngợi “sự hợp tác lịch sử giữa chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ”. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng các hành động của những quân nhân đã thực hiện âm mưu đảo chính sẽ không được dễ dàng tha thứ. Tướng Dundar nói: “Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến sự điên rồ của một nhóm người đã nổ súng và đánh bom vào quốc hội của chính họ, nhân dân của chính họ và tài nguyên của đất nước họ. Chúng ta sẽ không bao giờ quên những hành động ấy.”
Theo Tướng Dundar, hơn 190 người đã bị giết chết trong các vụ xung đột tính từ đêm 15/7: trong đó có 2 binh sĩ, 41 cảnh sát, 47 thường dân và 104 người bị cho là những kẻ lập kế hoạch đảo chính. Truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho hay trong số hàng trăm quân nhân bị bắt giam, có 200 người đã ra đầu hàng cảnh sát sáng 16/7 tại tổng hành dinh quân đội.
Các bản tin truyền hình cũng chiếu cảnh hàng chục binh sĩ rời các xe tăng của họ, và giơ tay lên, rồi đầu hàng với các lực lượng chính phủ trên cầu Bosporus của thành phố Istanbul.
Nguyên nhân dẫn đến đảo chính
Vẫn chưa rõ ai là người đứng sau vụ đảo chính.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ám chỉ Fethullah Gulen, một giáo sỹ Hồi giáo sống ẩn dật ở Mỹ, đã xúi giục cuộc đảo chính.
Tuy nhiên trong một thông cáo, ông Gulen phủ nhận mọi thông tin cho rằng ông liên quan tới vụ việc và nói ông phản đối "âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng những lời mạnh mẽ nhất".
Theo phân tích của biên tập viên mảng Trung Đông của BBC, cuộc đảo chính xảy ra là do Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ sâu sắc với kế hoạch của Tổng thống Erdogan muốn thay đổi đất nước và do sự lây lan của bạo lực từ cuộc chiến ở Syria.
Tổng thống Erdogan là chính trị gia Hồi giáo, người bác bỏ di sản thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Ông Erdogan ngày càng trở nên độc đoán và cố gắng biến mình thành một tổng thống có khả năng điều hành mạnh mẽ.
Ngay từ đầu, chính quyền của ông Erdogan đã tham gia sâu vào cuộc chiến ở Syria, ủng hộ phe chống Tổng thống Assad. Nhưng bạo lực đã tràn qua biên giới, châm ngòi lại cho cuộc chiến giữa đảng PKK của người Kurd và khiến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành điểm ngắm của quân thánh chiến tự xưng là Nhà nước Hồi giáo.
Điều này gây bất ổn khá lớn. Thổ Nhĩ Kỳ phải đối diện với bất ổn và nỗ lực lật đổ Tổng thống Erdogan chưa phải là diễn biến cuối cùng.
Các giới chức tình báo và quân sự Tây phương đang theo sát diễn biến ở Thổ Nhĩ Kỳ, một nước thành viên NATO và là đồng minh chủ yếu của Mỹ trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo.