Đằng sau việc Tổng thống Trump đe dọa “hủy diệt" Triều Tiên

Google News

(Kiến Thức) - Việc Tổng thống Donald Trump lớn tiếng đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên là nhằm ngăn chặn tiếng nói phản đối sự tăng cường quân sự của Mỹ.

Đó là nhận định nhà phân tích của Lầu Năm Góc và Không lực Mỹ, cựu trung tá Karen Kwiatkowski trong cuộc nói chuyện với đài Sputnik.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ ở New York ngày 19/9, Tổng thống Donald Trump nói rằng Mỹ sẽ hủy diệt Triều Tiên, nếu bị buộc phải làm điều đó. Trước đó, hôm 17/9, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã cảnh báo rằng Mỹ có rất nhiều “lựa chọn quân sự đơn phương” để giải quyết các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Dang sau viec Tong thong Trump de doa “huy diet" Trieu Tien
Tổng thống Donald Trump: Mỹ sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên, nếu bị buộc phải làm điều đó. Ảnh: Reuters 
Theo nhà phân tích Karen Kwiatkowski, đây là một thủ đoạn lừa bịp dân chúng Mỹ thông qua sự sợ hãi và bịt miệng hoặc hạn chế bất đồng chính kiến.
Theo bà Kwiatkowski, Lầu Năm Góc và các nhà thầu chính ngày càng lo ngại trước sự phẫn nộ ngày càng tăng của công chúng đối với chi tiêu quân sự khổng lồ và những cuộc phiêu lưu can thiệp quân sự bất tận của Mỹ trên toàn thế giới.
Nhà phân tích Karen Kwiatkowski lưu ý rằng Washington đã nhiều lần sử dụng Liên Hợp Quốc để biện hộ cho việc tiến hành các cuộc chiến tranh lớn trên thế giới trong suốt gần 70 năm qua. Bà nói: "Khi tiến hành chiến tranh ở Bán đảo Triều Tiên vào năm 1950, Nam Tư năm 1991, Iraq năm 1990 và một lần nữa vào năm 2003, Mỹ đã được Liên Hợp Quốc bảo trợ hay ủng hộ mạnh mẽ”.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã cố gắng tái tạo một sự ủng hộ tương tự cho cuộc chiến chống Triều Tiên trong năm nay, nhưng đã thất bại nặng nề. Về chuyện này, bà Kwiatkowski giải thích: "Những nỗ lực của đại sứ Haley nhằm giành được sự ủng hộ tại Liên Hợp Quốc trong mùa hè này và dường như bà ta đã không thành công lắm, một phần là do cuộc chiến chống Triều Tiên của Mỹ rất giống việc tuyên chiến với Trung Quốc và Nga. Trung Quốc và Nga đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ”.
Theo nhà phân tích Karen Kwiatkowski, cuộc khủng hoảng Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu ký kết được một hiệp định hòa bình lâu dài với Bình Nhưỡng. Bà giải thích: "Những gì cần làm là thực sự kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bằng cách ký kết với hiệp ước hòa bình giữa hai miền nam bắc Triều Tiên…Chính phủ Mỹ dường như không ủng hộ một hiệp định hòa bình như vậy".
Washington không muốn ký kết hiệp định hòa bình như vậy vì không sẽ còn lý do để tiếp tục vận hành căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ ở Hàn Quốc. Bà Kwiatkowski nhận định: "Tất nhiên, nếu một hiệp ước hòa bình được ký kết giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc sẽ không còn cần thiết nữa. Bất cứ hiệp định hòa bình nào cũng có thể yêu cầu đóng cửa các căn cứ Mỹ hoặc chuyển sang đặt dưới kiểm soát quân sự của Hàn Quốc”.
Nhà phân tích Karen Kwiatkowski cảnh báo, tất cả các kịch bản Chiến tranh Triều Tiên mới đều có thể dẫn đến chiến tranh toàn cầu với tổn thất vô cùng lớn và hủy hoại môi trường: "Bất kỳ cuộc chiến tranh nóng nào với Bắc Triều Tiên đều có thể dẫn đến một tỷ người chết ... Rõ ràng, chính phủ Mỹ đang tìm cách leo thang chứ không phải xuống thang trong cuộc khủng hoảng này”.
Tình hình Bán đảo Triều Tiên đã leo thang trong những tháng gần đây do việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ đã áp đặt lệnh vô số lệnh trừng phạt Triều Tiên, nhưng vẫn thất bại trong việc ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục tiến hành các vụ thử tên lửa-hạt nhân.
Minh Châu (Theo Sputnik International)

>> xem thêm

Bình luận(0)