Cuộc xung đột Syria bước vào giai đoạn nguy hiểm

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc xung đột Syria bước vào giai đoạn nguy hiểm, khi máy Mỹ bắn hạ máy bay Syria trên lãnh thổ nước này và Iran dùng tên lửa tầm trung đánh “khủng bố”.

Một giai đoạn mới của cuộc xung đột Syria đã bắt đầu, với việc các cường quốc bên ngoài đang tăng cường can thiệp không chỉ để… đánh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Hai sự kiện cuối tuần qua - vụ máy bay Mỹ bắn hạ máy bay Su-22 của Syria và việc Iran sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung tấn công các mục tiêu IS ở Deir Ezzor (Syria) là bằng chứng cho thấy cuộc tranh giành miền Đông Syria đã bắt đầu tăng tốc.
Đây là lần đầu tiên Mỹ bắn hạ một chiếc máy bay quân sự của Syria, nhưng ít nhất là lần thứ 5 Washington đã tấn công chế độ ở Damascus và các lực lượng ủng hộ, kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Cuoc xung dot Syria buoc vao giai doan nguy hiem
Chiến đấu cơ F/A 18 Hornet của Mỹ. Ảnh: Business Insider 
Có rất nhiều lực lượng đang tranh giành miền Đông Syria. Mỹ đang tích cực ủng hộ liên minh phiến quân là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đánh chiếm “thủ phủ” IS Raqqa. Hàng trăm cố vấn quân sự Mỹ đang ở sát chiến tuyến và được các cuộc không kích liên minh chống IS hỗ trợ
Các lực lượng hiện diện ở tỉnh Raqqa
Quân đội Syria và các đồng minh (phần lớn là dân quân Iran, Iraq và phong trào Hezbollah ở Lebanon) cũng đang có mặt ở tỉnh Raqqa. Tuần trước, Quân đội Syria đã tới gần các khu vực do SDF kiểm soát. Gần như chắc chắn rằng vào một thời điểm nào đó các liên minh chống đối này sẽ đánh lẫn nhau.
Lầu Năm Góc cho biết hành động bắn hạ máy bay ném bom Su-22 của Syria "phù hợp với các quy tắc can dự và tự vệ tập thể của liên minh”, nhưng đó không phải là quan điểm của Moscow.
Ngày 19/6, Nga tuyên bố đình chỉ thỏa thuận hợp tác quân sự với Mỹ ở Syria - một thỏa thuận nhằm ngăn chặn đụng độ không mong muốn trên bầu trời vốn khá đông đúc máy bay chiến đấu. Nhưng Nga còn đi xa hơn nữa và cảnh báo rằng tất cả các vật thể bay lạ ở không phận phía tây sông Euphrates - bao gồm cả máy bay liên minh do Mỹ cầm đầu - sẽ bị coi là một mục tiêu nhắm bắn.
Cuoc xung dot Syria buoc vao giai doan nguy hiem-Hinh-2
 Chiến đấu cơ Su-35 của Nga ở Syria. Ảnh: Warmy
Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc Mỹ và lực lượng được Mỹ hậu thuẫn (SDF) đã cho phép phiến quân IS chạy khỏi Raqqa. Trong tháng qua, Không quân và tên lửa hành trình của Nga đã tăng cường triệt hạ các đoàn xe và doanh trại của phiến quân IS ở sa mạc phía nam Raqqa.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov đã gọi vụ máy bay Mỹ bắn hạ máy bay Syria ngày 18/6 là hành động gây hấn của Mỹ và là "một hành động hỗ trợ cho những kẻ khủng bố”.
Sự hợp tác Mỹ-Nga chống khủng bố quốc tế mà Tổng thống Donald Trump đã từng quảng bá dường như chỉ là viễn cảnh xa vời, trong khi cuộc tranh giành quyền kiểm soát miền Đông Syria đã thành hiện thực.
Đối đầu ở Thung lũng Euphrates
Xa hơn nữa về phía đông, chính phủ Syria muốn giành lại thành phố Deir Ezzor vốn phần lớn vẫn nằm trong tay phiến quân IS. Với vị trí chiến lược trên đường tới Iraq và có căn cứ không quân lớn, Deir Ezzor và các thị trấn xung quanh dường như là mục tiêu đánh chiếm hàng đầu của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cuoc xung dot Syria buoc vao giai doan nguy hiem-Hinh-3
Tên lửa đạn đạo  của Iran. Ảnh: The Independent 
Trên danh nghĩa, các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo tầm trung của Iran nhắm vào các vị trí của IS ở xung quanh Deir Ezzor là nhằm giáng trả các vụ tấn công khủng bố ở Tehran vào đầu tháng này, nhưng thực ra chúng nhắm vào nhiều mục đích lớn hơn, trong đó có mục đích cuối cùng của Iran là tạo ra một hành lang qua Iraq, Syria và Lebanon đến Địa Trung Hải.
Các đồng minh của Iran ở Iraq là Các đơn vị Huy động Nhân dân (dân quân Shiite) đã tiến quân dọc theo biên giới với Syria và đánh đuổi phiến quân IS khỏi nhiều thành phố như Ba'aj.
Và như vậy cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố” đang hướng tới một dải lãnh thổ có các tuyến đường chính nối liền Iraq và Syria. Theo đánh giá của Cơ quan Tình báo Quân sự Mỹ (DIA), nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng đang "di chuyển thủ lĩnh và cơ quan chức năng chính khỏi Mosul và Raqqa đến những nơi ẩn náu an toàn dọc sông Euphrates ở Syria và Iraq". Chỉ có điều, “những nơi ẩn náu an toàn” như thị trấn Mayadin đã trở nên rất không an toàn đối với tàn dư IS.
Mỹ đã thiết lập hai căn cứ nhỏ dọc biên giới Iraq-Syria nhằm ngăn chặn Quân đội Syria và lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn kiểm soát khu vực này. Nhưng những căn cứ nói trên đã bị cô lập, khi quân đội Syria đi vòng qua và tràn ngập biên giới với Iraq lần đầu tiên trong vòng ba năm qua. Một “yếu nhân” khác cũng đã xuất hiện và đó là chỉ huy Lực lượng Quds của Iran, Tướng Qassem Suleimani.
Xem ra, việc xóa sổ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, khi các liên minh đối lập đang tranh giành quyết liệt miền Đông Syria.
Minh Châu (Theo CNN)

>> xem thêm

Bình luận(0)