Chuyên gia hiến kế Mỹ cùng châu Á xử lý TQ ngang ngược

Google News

(Kiến Thức) - Các nước cần đoàn kết, cùng nhau đưa ra phản ứng kiên quyết đối với  hành vi hung hăng khiêu khích của Trung Quốc để nước này "biết khó mà lui".

Trong bài viết mới nhất của mình, nhà bình luận về chính sách ngoại giao Mỹ Paul J. Leaf đã nhận định và gợi ý một số giải pháp giúp Việt Nam, Mỹ và các nước đồng minh thực hiện để trị Trung Quốc, giảm căng thẳng trên Biển Đông.
Giải pháp số 1 trị Trung Quốc "biết khó mà lui"
Theo Paul J. Leaf, đầu tiên, Trung Quốc phải nhận ra rằng, căng thẳng leo thang sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá. Mỹ nên có những tuyên bố cứng rắn nhằm răn đe Trung Quốc về việc nước này sẽ triển khai hải quân và không quân gần giàn khoan Hải Dương 981 nếu Trung Quốc tiếp tục có các hành động khiến căng thẳng leo thang. Ngoài ra, Mỹ cũng cần xem xét các lệnh trừng phạt đối với công ty năng lượng Trung Quốc sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 (HD981).
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam kiên quyết thực thi nhiệm vụ bất chấp sự hung hăng của phía Trung Quốc. 
"Bằng cách duy trì lực lượng tàu chấp pháp gần giàn khoan HD981 bất chấp các hành động hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam cho thấy quyết tâm của mình trong việc ngăn cản Trung Quốc hiện thực hóa giấc mộng bá quyền. Việt Nam đã rất đúng đắn khi không sử dụng lực lượng quân sự vì điều đó sẽ giúp thế giới thấy được bộ mặt hung hãn của Trung Quốc khi nước này luôn duy trì một số tàu quân sự ở khu vực giàn khoan HD981 nằm trong vùng biển Việt Nam", nhà phê bình Paul J. Leaf phân tích. 
Cũng theo ông này, Việt Nam cũng nên tiếp tục các cuộc đối thoại với Trung Quốc để đạt được giải pháp ngoại giao, nhưng Việt Nam cần tỉnh táo, tránh đơn phương rút khỏi khu vực giàn khoan như Trung Quốc yêu cầu bởi như thế sẽ phạm phải sai lầm giống Philippines. Cụ thể, trong sự kiện bãi cạn Scarborough khi Mỹ làm trung gian hòa giải và đòi hỏi cả Trung Quốc và Philippines rút tàu ra khỏi vùng biển này. Nhưng chỉ có Philipines nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Mỹ. Kết quả là bãi Scarborough rơi vào tầm kiểm soát của Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế vì Bắc Kinh vốn coi trọng thể diện. Trước đó, khi Philippines định sử dụng trọng tài quốc tế sau sự kiện Scarborough, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị về việc Trung Quốc rút khỏi khu vực Scarborough nếu Philippines trì hoãn việc sử dụng trọng tài.
Các nước châu Á khác có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cũng cần lên án các hành động của Trung Quốc. Nếu các nước cùng lên tiếng, Trung Quốc sẽ tự nhận ra rằng, sự hung hăng của mình đang khiến các nước khác xích lại gần nhau và tiến về phía Mỹ. 
Các nước có tranh chấp với Trung Quốc nên đoàn kết để chống lại sự hung hăng của Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận định.  
Ông Paul J. Leaf cho biết: Tình trạng này thực tế đang diễn ra. Philippines vừa cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự và tăng cường hợp tác với Việt Nam. Trong khi đó, Nhật vừa công bố viện trợ hàng hải cho Việt Nam. Ấn Độ cũng đồng ý huấn luyện các thủy thủ Việt Nam trong tác chiến tàu ngầm. Mục tiêu giải pháp này là cho Trung Quốc thấy, các nước trong khu vực sẽ đồng lòng phản ứng nếu Trung Quốc nhắm vào một trong số họ. Qua đó sẽ khiến Trung Quốc từ bỏ chiến lược "bẻ từng chiếc đũa".
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần cải thiện khả năng phòng thủ bao gồm cả tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển và năng lực giám sát. Mỹ cũng cần xem xét lại lệnh cấm bán vũ khí gây sát thương cho Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam, Mỹ và các nước có tranh chấp với Trung Quốc cũng nên tiến hành các cuộc tập trận đa phương.
Cuối cùng, Việt Nam và các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng nên tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách mở rộng hợp tác kinh tế với các nước khác thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương. Thông qua các hiệp định thương mại, các nước châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng có thể phát triển mạnh mẽ, từ đó nâng cao khả năng quốc phòng, tự lực tự cường để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo.
Ngoài ra, lịch sử chỉ ra Trung Quốc phải xuống thang khi Mỹ và các đồng minh kiên quyết phản ứng với việc Trung Quốc mở rộng vùng xác định phòng không. Sau hàng loạt các hành động của Mỹ, Nhật và Hàn Quốc như: cả 3 nước gửi máy bay chiến đấu bay qua vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc trên biển Hoa Đông; Nhật tăng ngân sách quốc phòng hay Hàn Quốc mở rộng khu vực nhận dạng phòng không bao phủ một phần vùng biển của Trung Quốc, Bắc Kinh đã phần lớn tỏ thái độ im lặng cũng như không theo đuổi tuyên bố xác lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
Như vậy, Mỹ và các đồng minh châu Á phải chứng minh được rằng họ có thể cùng nhau phản ứng một cách kiên quyết đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc. Về phần mình, Việt Nam cũng phải theo đuổi các biện pháp ngoại giao khôn khéo và kiên quyết nhưng cũng đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng, tự chủ kinh tế để có thể bảo vệ hiệu quả chủ quyền của mình trước Trung Quốc. Với những hành động kể trên, Trung Quốc sẽ "biết khó mà lui", từ bỏ các yêu sách về lãnh thổ trên Biển Đông.
Dã tâm của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương
Trung Quốc từ lâu hung hăng mở rộng quyền kiểm soát tại Biển Đông và biển Hoa Đông với hàng loạt hành động gây hấn.
Điển hình là hành động quấy rối tàu cá và tàu thăm dò Việt Nam năm 2011. Tháng 6/2012, tàu Hải quân Trung Quốc đã theo dõi tàu Ấn Độ tại vùng biển quốc tế giữa Philippines và Hàn Quốc sau khi Ấn Độ và Việt Nam đồng ý hợp tác khám phá nguồn tài nguyên dầu khí ở Biển Đông. Không dừng ở đó, Trung Quốc đã đẩy lùi tàu Philippines ra khỏi bãi cạn Scarborough vào tháng 8/2012. Tháng 11/2013, Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao phủ cả vùng biển được Nhật, Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền. Tháng 3/2014, Trung Quốc cũng ngăn cản Philippines cung ứng hậu cần cho các binh sĩ trên rạn san hô Cỏ Mây.
“Với những hành động gần đây, Trung Quốc đang cho thấy phong cách mới của mình: họ sẵn sàng hành động để đạt được những yêu sách”, ông Christopher Len – Nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc ĐH Quốc gia Singapore nhận xét.
Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu chấp pháp của Việt Nam gần khu vực giàn khoan HD-981
Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Obama kết thúc chuyến thăm đến châu Á, Trung Quốc đã tấn công các tàu Việt Nam cũng như hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) trong vùng biển Việt Nam nhằm hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông cũng như "kiểm tra" mức độ can dự của Washington với khu vực.
Bị phân tâm bởi các vấn đề về ngân sách và khủng hoảng chính sách đối ngoại ở các khu vực khác, Mỹ không có nhiều hành động phản ứng lại sự hung hăng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng rất khôn khéo khi chỉ thực hiện những bước đi nhỏ nhằm tránh phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Giàn khoan HD-981 là bước mở đâu trong dã tâm "độc chiếm Biển Đông" của Trung Quốc.
Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, sự kiện hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 là bước mở đầu có tính chất bước ngoặt trong dã tâm “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc vì Việt Nam là một nước có truyền thống đấu tranh trong khu vực, cũng như có thái độ rất cứng rắn với luận điệu “đường chín đoạn”... Nếu chiếm được ưu thế trước Việt Nam, Trung Quốc sẽ theo đó, làm điều tương tự với cả Philippines, Indonesia, Malaysia… và từ đó, lấn chiếm dần Biển Đông. Song song với việc bắt nạt các nước trong khu vực, Trung Quốc sẽ tìm cách giữ Mỹ ở ngoài cuộc.
Các hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ tiếp tục cho đến khi Trung Quốc chiếm được những thứ mình muốn cũng như áp đảo Mỹ ở châu Á hoặc nước này gặp phải một đối trọng đủ kiên quyết để ngăn cản họ.
Để tạo thành đối trọng này, Mỹ và các đối tác châu Á phải cùng nhau đoàn kết và hợp lực đương đầu với Trung Quốc. 
Lê Trang

Bình luận(1)

Minh Hiền

phammai

Bài viết rất hay.