Triều Tiên có thể sẽ lên kế hoạch cho vụ nổ "mạnh chưa từng có" trong lịch sử, theo như lời đe dọa thử bom nhiệt hạch trên Thái Bình Dương từ Ngoại trưởng nước này.
|
Vụ thử bom H của Mỹ trên Quần đảo Mashall năm 1952. Ảnh: Wikimedia |
Trước đó, cách đây 2 tuần, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã lên tiếng cảnh báo nếu như lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh, nước này sẽ cho nổ bom H trên Thái Bình Dương.
Lời đe dọa xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên không có dấu hiệu hạ nhiệt mà ngày càng leo thang, với những màn đấu khẩu dữ dội giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều, liên quan đến những lần thử hạt nhân và tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.
Nếu như Triều Tiên thực sự cho kích nổ bom H trên Thái Bình Dương, thì dưới đây là một số viễn cảnh về thảm họa có thể xảy đến, theo như những gì xảy ra trong những vụ thử hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.
Kể từ năm 1945, Mỹ, Nga, Trung Quốc và các nước khác đã thực hiện hơn 2.000 vụ thử hạt nhân lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, hơn 500 vụ là triển khai trên mặt đất, không gian và dưới mặt nước. Nhưng phần lớn các vụ nổ đều thực hiện vào thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh – trước khi loài người nhận ra những vụ thử đó ảnh hưởng tới tính mạng và môi trường xung quanh.
Vấn đề nghiêm trọng nhất của những vụ thử nổ hạt nhân là chúng tạo ra bụi phóng xạ. Trong khi đó, nếu như cho nổ hạt nhân trong không gian, sẽ gây ra một cuộc tấn công xung điện từ trên diện rộng.
Chỉ có một phần nhỏ trong lõi vũ khí hạt nhân là chuyển hóa thành năng lượng phát nổ, phần còn lại bị chiếu xạ, tan chảy và chuyển hóa thành các phân tử nhỏ. Những hạt phân tử này kết thành bụi phóng xạ, lan ra bầu khí quyển khắp nơi trên thế giới.
Nguy cơ về bụi phóng xạ càng tăng mạnh khi vụ nổ xảy ra gần sát mặt đất hoặc nguồn nước. Vụ nổ sẽ xới tung đất, nước, các mảnh vụn và vật liệu khác, tạo ra hàng tấn bụi phóng xạ bay vào không khí, lan rộng ra khu vực lên tới hàng trăm hàng nghìn kilomet.
Những vụ thử hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đã tạo ra bụi phóng xạ giết một số lượng lớn người vô tội trên Thái Bình Dương, bao gồm những ngư dân người Nhật Bản, và còn gây ra hậu quả ung thư, vấn đề sức khỏe hiện nay.
Ngày 1/3/1954, quân đội Mỹ triển khai cho nổ thiết bị nhiệt hạch "Shrimp" – được đánh giá là mạnh nhất thế giới – tại Bikini Atoll thuộc quần đảo Marshall (cách Nhật Bản 3.700 km về phía đông nam và quần đảo Hawaii 4.345 km về phía tây nam).
Đây là một phần trong chiến dịch thử bom Castle Bravo của quân đội Mỹ. Sức nổ của vụ thử tương đương với 15 triệu tấn TNT, gấp 1.000 lần so với sức mạnh của quả bom nguyên tử Mỹ tấn công thành phố Hiroshima (Nhật Bản) khiến 150.000 người thương vong.
Trong khi quân đội Mỹ coi vụ thử bom Shrimp và Bravo là một chương trình thành công, song hậu quả nó mang lại là một thảm họa khủng khiếp.
Các nhà nghiên cứu đã không lường trước được sức mạnh của vụ nổ, và đã có nhiều người suýt chết khi một trận động đất xảy ra làm rung chuyển boongke quan sát cách nơi nổ 30 km.
Nhà sản xuất phim Eric Schlosser – người từng viết cuốn sách “Chỉ huy và Kiểm soát: Vũ khí hạt nhân, tai nạn Damascus và Ảo tưởng an toàn”, cho biết chỉ 10 giây sau khi bom Shrimp phát nổ, cả boongke dường như di chuyển, rung lắc và cuộn tròn.
Tác động từ vụ nổ truyền qua mặt đất còn nhanh hơn tác động của vụ nổ qua không khí. Các nhà khoa học đã thoát chết, song những người dân trên đảo Marshall cách đó 160 km lại không may mắn đến vậy.
Quả cầu lửa rộng tới 6km từ vụ nổ Shrimp đã phá hủy gần 200 tỷ tấn rặng san hô tại Bikini Atoll, biến chúng thành bụi phóng xạ lẫn vào bầu khí quyển, khiến nhiều người chết vì nhiễm phóng xạ nặng. 23 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu cá Daigo Fukuryu Maru của Nhật hoạt động gần đó cũng bị nhiễm phóng xạ.
Nếu như Triều Tiên quyết định cho nổ tung bom nhiệt hạch mạnh nhất trên Thái Bình Dương, thì chúng ta chỉ hi vọng nó không ở quá gần đất liền, vì điều đó đồng nghĩa với việc tính mạng con người sẽ ít bị ảnh hưởng.
Trong tất cả các kịch bản bàn về việc Triều Tiên triển khai thử bom nhiệt hạch, dư luận quan tâm nhiều đến khả năng liệu nước này có thể phóng đầu đạn hạt nhân bằng tên lửa hay không. Nếu thành công, buổi thử tên lửa đó sẽ là một bằng chứng cho thấy Triều Tiên thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, và có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào nước Mỹ.
Nhưng nếu như những quả tên lửa đó vì một lí do nào đó thất bại, chúng nhắm trượt mục tiêu hay phát nổ khi đang trên đường phóng đến, nó sẽ là một vụ nổ tại một độ cao và địa điểm không lường trước được.