Chính sách của Pháp khơi nguồn khủng bố ở Paris?

Google News

(Kiến Thức) - IS tuyên bố vụ khủng bố ở Paris đêm 13/11 là đòn trả thù đối với chính sách đối ngoại của Pháp tại Syria. Vậy chính sách đó là gì?

Sau vụ khủng bố ở Paris ngày 13/11 khiến ít nhất 129 người thiệt mạng, phiến quân IS tuyên bố các vụ tấn công là để trả thù chính sách đối ngoại của Pháp.
Trong một tuyên bố, IS viết: "Hãy để Pháp và những kẻ chung đường với chúng biết rằng chúng sẽ là mục tiêu hàng đầu của IS. Mùi chết chóc vẫn còn khi các ngươi tiến hành chiến dịch Thập tự chinh và dám xúc phạm Đấng tiên tri của chúng ta".
Chinh sach cua Phap khoi nguon khung bo lien hoan o Paris?
Các tay súng khủng bố IS.
Trong khi đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ trích Pháp vì ủng hộ quân nổi dậy Syria. Theo ông Assad, vụ khủng bố cho thấy Pháp đã lâm vào tình cảnh khó khăn tương tự.
“Những chính sách sai lầm của các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp, đối với  các vấn đề trong khu vực cùng sự phớt lờ trước việc một số nước đồng minh hỗ trợ những kẻ khủng bố là nguyên nhân dẫn đến sự bành trướng chủ nghĩa khủng bố”, Tổng thống Assad phát biểu.
Vậy chính xác những gì Pháp đang làm tại Syria và các nước khác trong khu vực là gì?
Tờ The Guardian nhấn mạnh rằng, Pháp đã trở thành một trong những “đối thủ” mạnh nhất của chính phủ Syria trong suốt cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này. Lực lượng chính phủ Damascus đang phải chiến đấu với các lực lượng đối lập, lực lượng dân quân do phương Tây hậu thuẫn cùng các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác, trong đó có IS.
Chiến dịch quân sự chống IS của Pháp trong 15 tháng qua, từ Iraq mở rộng sang Syria. Pháp cũng triển khai một tàu sân bay tới Vịnh Ba Tư.
Ngày 15/11, báo Le Figaro đưa tin, Pháp không kích dữ dội “thủ phủ” Raqqa của IS tại Syria. The Wall Street Journal cho hay, Mỹ và Pháp đang tăng cường hợp tác về tình báo tại Syria từ sau vụ khủng bố Paris.
Nhà chức trách cho biết, Washington đang mở rộng việc chia sẻ tình báo với Paris và tăng cường việc cung cấp thông tin về mục tiêu cụ thể nhằm hỗ trợ các cuộc không kích trả đũa IS của Pháp.
Được biết, Pháp bắt đầu không kích IS tại Iraq vào tháng 9/2014, đánh dấu lần đầu tiên Paris can thiệp quân sự trực tiếp vào Trung Đông.
Đợt không kích đầu tiên của Pháp - diễn ra trong vòng 24 giờ sau khi Tổng thống Francois Hollande tuyên bố nước này sẽ tham gia chiến dịch không kích - đã phá hủy một kho vũ khí và tiêu diệt hàng chục chiến binh khủng bố. Các chiến đấu cơ nước này cũng bắt đầu thực hiện các chuyến bay trinh sát và viện trợ nhân đạo. Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh rằng, sự can thiệp của Pháp sẽ được giới hạn nghiêm ngặt. “Chúng tôi sẽ chỉ can thiệp tại Iraq”, ông nói.
Từ đó, Pháp được cho là đã tiến hành khoảng 200 cuộc không kích tại Iraq. Lực lượng đặc nhiệm của Pháp tập trung quanh tàu sân bay Charles de Gaulle hiện đồn trú tại Vịnh Ba Tư. Ngoài ra, Pháp cũng điều động 21 chiến đấu cơ Rafale, 9 chiến đấu cơ Super Etendard và một số máy bay phản lực Mirage trong khu vực.
Chinh sach cua Phap khoi nguon khung bo lien hoan o Paris?-Hinh-2
Tàu tàu sân bay Charles de Gaulle đồn trú tại Vịnh Ba Tư.
Sự can thiệp của Pháp được mở rộng. Một năm sau khi khởi động chiến dịch không kích tại Iraq, Pháp bắt đầu mở rộng sang Syria.
Đến tháng 10/2015, Pháp không kích nhằm vào một trại huấn luyện của IS tại Raqqa, Syria. Khu trại này được cho là nơi ẩn náu của các chiến binh nước ngoài, trong đó có chiến binh người Pháp. Tuần trước, các quan chức Pháp cho hay, chiến đấu cơ nước này đã tấn công một nhà máy lọc dầu do IS kiểm soát tại Syria.
Trong những năm qua, quân đội Pháp đã tham gia chiến dịch chống các nhóm chiến binh Hồi giáo cả bên ngoài Trung Đông, trong đó có một tổ chức tuyên bố trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi.
Pháp đã triển khai 3.000 binh sĩ tới Tây Phi – một khu vực từ lâu họ đã có ảnh hưởng lớn – tại các nước Nigeria, Niger, Chad, Burkina Faso, Mali và Bờ Biển Nga.
Tai Mali, quân đội Pháp tập trung lực lượng chiến đấu với các phiến quân liên quan đến mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong khi tại Nigeria và các nước xung quanh, Paris hỗ trợ cho cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Hồi giáo Boko Haram. Trước đó, Boko Haram đã tuyên bố trung thành với Baghdadi.
Dĩ nhiên, chúng ta không cần thiết phải xem xét tuyên bố của IS và cáo buộc của ông Assad. Bất cứ nguyên nhân gì khiến những kẻ tấn công trong vụ khủng bố đẫm máu Paris hành động tàn bạo như vậy chắc chắn là phức tạp hơn so với những chính sách của Pháp trên thế giới.
Trong lòng nước Pháp, một cuộc tranh luận từ lâu và gay gắt về vai trò của Hồi giáo tại nước cộng hòa này, làm dấy lên câu hỏi rằng, bằng cách nào những nền dân chủ tự do có thể hài hòa với chủ nghĩa phi tự do tôn giáo?
Thiên An (Theo The Atlantic)

Bình luận(0)