Chính quyền Donald Trump hết "kiên nhẫn" với Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang mất dần “kiên nhẫn chiến lược” với Bắc Kinh và quay sang áp dụng chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Trong tuần qua, chính quyền Donald Trump đã có nhiều động thái đối đầu với Trung Quốc, trong đó có việc đánh thuế mặt hàng thép nhập khẩu. Những động thái này đánh dấu một sự đảo ngược cách tiếp cận trước đó của Tổng thống Trump, nhằm lôi kéo Trung Quốc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực, nhất là chương trình tên lửa-hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Chinh quyen Donald Trump het "kien nhan" voi Trung Quoc?
"Tuần trăng mật" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chấm dứt?  Ảnh ghép: CNN.com 
Khi còn là ứng cử viên tổng thống, ông Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố chống Trung Quốc. Tuy nhiên khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như thích hợp tác hơn đối đầu với Bắc Kinh. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago vào đầu tháng 4/2017, Tổng thống Donald Trump tỏ ra lạc quan về việc tìm kiếm lập trường chung với Trung Quốc về các vấn đề Triều Tiên và thương mại. Ngoài những lời lẽ tích cực, Tổng thống Trump rút lại nhiều tuyên bố chống Trung Quốc mà ông đã đưa trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016. Ông đã quyết định không cáo buộc Trung Quốc “thao túng tiền tệ” để đổi lấy sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, việc dựa vào Trung Quốc để thúc ép Triều Tiên luôn là một canh bạc đầy rủi ro. Trung Quốc không muốn gây áp lực thực sự đối với Bình Nhưỡng vì Bắc Kinh có một phần lợi ích chiến lược trong sự tồn tại của CHDCND Triều Tiên.
Học giả Eric Gomez, chuyên gia phân tíchquốc phòng và nghiên cứu chính sách của Viện Cato, nhận định: "Bắc Triều Tiên là một vùng đệm vật lý tuyệt vời giữa các lực lượng Mỹ đóng ở Hàn Quốc và biên giới Trung Quốc”. Lợi ích an ninh có tính chiến lược này ngăn cản Trung Quốc làm bất cứ điều gì có thể dẫn đến sự sụp đổ hoặc làm mất ổn định CHDCND Triều Tiên.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng không có trong tay đòn bẩy hữu hiệu đối với Triều Tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump hằng ngộ nhận. Học giả Gomez cho rằng phía Mỹ đã quá đề cao khả năng của Trung Quốc trong việc ép buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un theo đuổi đường lối ôn hòa hơn. Ông viện dẫn vụ hành quyết “nhiếp chính vương” Jang Song-thaek, chồng của bà cô ruột lãnh đạo Kim Jong-un và được cho là thân Trung Quốc, là bằng chứng cho thấy thái độ của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh. Trong tính toán của Trung Quốc, việc gây sức ép thái quá có thể khiến cho CHCND Triều Tiên phản ứng mạnh hơn, bất lợi hơn.
Khi Trung Quốc thất bại trong việc gây sức ép với CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và bộ sậu đã không hề che giấu thái độ thất vọng. Sau cái chết của sinh viên Mỹ Otto Warmbier, ông Trump đã công khai bày tỏ sự thất vọng của mình đối với Trung Quốc trên trang Twitter cá nhân ngày 20/6/2017.
Đồng thời, chính quyền Donald Trump cũng thực thi một số biện pháp khiến cho Bắc Kinh tức giận. Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt một công ty và hai công dân Trung Quốc về “tội” liên kết với CHDCND Triều Tiên. Ngoài ra, Mạng lưới thi hành luật pháp chống tội phạm tài chính của Bộ Tài chính Mỹ đã yêu cầu trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc, bị cho là trợ giúp Triều Tiên gây quĩ.
Nói tóm lại, chính quyền Donald Trump đang đi theo lối mòn của chính quyền Obama tiền nhiệm trong việc củng cố quan hệ với các đối thủ khu vực của Trung Quốc. Trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, chính phủ Mỹ đã đồng ý bán cho Ấn Độ 22 chiếc máy bay không người lái Guardian MQ-9B, tạo điều kiện cho New Delhi theo dõi “kỹ lưỡng” hơn những động thái của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trong một động thái nữa khiến Bắc Kinh nổi đóa, chính quyền Trump đã phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,4 tỉ USD.
Tuy nhiên, những động thái địa chính trị gần đây của chính quyền Trump không giới hạn trong việc bán vũ khí. Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Modi, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh sự tham gia của Mỹ trong cuộc tập trận hải quân Malabar với Nhật Bản và Ấn Độ. Ông Trump cũng lặp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson về “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược đã kết thúc”.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không từ bỏ hoàn toàn hy vọng hợp tác với Trung Quốc. Trong cuộc gặp ngày 22/6 với Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm về việc hợp tác với Trung Quốc trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng. Đối với một vị tổng thống hay thay đổi cách tiếp cận như ông Trump, việc Mỹ tham gia sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng này chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Chỉ có điều, vào thời điểm hiện tại, lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc không chỉ được chính quyền Donald Trump thể hiện qua “lời nói” mà còn biến thành “hành động” thực tế.
Minh Châu (Theo The National Interest)

>> xem thêm

Bình luận(0)