Giảm bớt căng thẳng gia tăng ở Biển Đông sẽ là một chủ đề lớn trong chương trình nghị sự tại một số cuộc họp khu vực dự kiến trong tuần này ở thủ đô Kuala Lumpur.
|
Trung Quốc đã hoàn thành một đường băng dài 3.000 mét trên “đảo nhân tạo” Đá Chữ Thập, một đường băng có thể cho phép hầu hết các loại máy bay quân sự của nước này cất, hạ cánh. |
Đó là cuộc họp cấp ngoại trưởng ASEAN tổ chức vào ngày 4/7 và Diễn đàn Khu vực ASEAN tổ chức vào ngày 6/7 - với sự tham dự của 10 nước thành viên ASEAN và Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Mỹ.
Một đại diện của Bộ Quốc phòng Philippines nói với báo giới rằng căn cứ Hải quân Mỹ ở Vịnh Subic chính là nơi tốt nhất để triển khai lực lượng không quân. Sau khi Mỹ rút khỏi căn cứ này vào năm 1992, Manila chuyển đổi nó thành một khu kinh tế tự do. Một phần căn cứ Mỹ ở Vịnh Subic sẽ được sử dụng cho máy bay chiến đấu phản lực đã được đặt hàng từ Hàn Quốc và tàu khu trục nhỏ vào đầu năm 2016. Động thái này nhắm vào bãi cạn Scarborough cách Vịnh Subic khoảng 200 km về phía tây và đã bị Trung Quốc kiểm soát trên thực tế từ năm 2012.
Philippines không phải là nước duy nhất ở Đông Nam Á lo lắng về các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Việt Nam cũng đã triển khai bốn tàu ngầm Kilo mua của Nga ở Vịnh Cam Ranh và dự kiến sẽ có thêm hai chiếc cùng loại nữa. Vịnh Cam Ranh chỉ cách Quần đảo Trường Sa 800km và cách Quần đảo Hoàng Sa 600km.
Gần đây, Malaysia đã cử tàu quân sự để theo dõi một tàu Trung Quốc đang hoạt động ở gần bãi cạn Luconia.
Trong khi công bố vào cuối tháng Sáu về việc đã hoàn thành công việc bồi đắp ở Biển Đông, Trung Quốc đang ráo riết xây dựng các cơ sở “lưỡng dụng” trên các “đảo nhân tạo”. Trung Quốc đã hoàn thành một đường băng dài 3.000 mét trên “đảo nhân tạo” Đá Chữ Thập, một đường băng có thể cho phép hầu hết các loại máy bay quân sự của nước này cất, hạ cánh.
Quân đội Trung Quốc cũng vừa tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật lớn chưa từng có ở Biển Đông (bao trùm một phần Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đánh chiếm năm 1974) vào cuối tháng Bảy. Theo truyền thông Trung Quốc, đây là một nỗ lực kiềm chế những lời chỉ trích trước Diễn đàn Khu vực ASEAN.
Biển Đông có tuyến đường biển quan trọng đối với các tàu chở dầu thô từ Trung Đông và cũng rất quan trọng về mặt quân sự, do có vùng nước sâu giúp cho các tàu ngầm khó bị phát hiện. Các nước trong và ngoài khu vực không bao giờ chấp nhận việc Trung Quốc tuyên bố trái phép chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông.