“Can thiệp quân sự vào Syria là ngõ cụt”?

Google News

(Kiến Thức) - Khi các cường quốc đang thảo luận về Syria tại Liên Hợp Quốc,Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cảnh báo phương Tây tấn công nước này là đi vào ngõ cụt.

Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki.
Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây đang rục rịch chuẩn bị tấn công Syria, Thủ tướng Nuri al-Maliki đưa ra cảnh báo trên, đồng thời nhấn mạnh sự đề cao cảnh giác của Iraq đối với cuộc xung đột được cho là đang ngày càng mở rộng.
Nhà lãnh đạo Iraq khẳng định Baghdad từ lâu đã xem “các giải pháp quân sự là đi vào ngõ cụt, không có lối thoát và sẽ hủy diệt Syria”.
“Không có gì rõ ràng ở đường chân trời hơn là tai ương, sự hủy diệt và một cuộc nội chiến mà không ai là người chiến thắng”.
Đồng thời, ông Maliki cũng nhấn mạnh: “Tất cả các lực lượng an ninh và chính trị ở Baghdad... và toàn bộ Iraq đang ở trạng thái cảnh giác cao độ... để giảm thiểu bất cứ ảnh hưởng nào của cuộc chiến tranh ở bên trong Iraq”.
Tránh công khai lập trường đứng về phe nào trong cuộc nội chiến giữa Tổng thống Assad và quân nổi dậy Syria, Thủ tướng Maliki tuyên bố các sự kiện ở nước láng giềng có những tác động lớn tới Iraq hơn bất cứ sự kiện ở bất cứ quốc gia nào khác trong khu vực. Đồng thời, ông Maliki cảnh báo, những sự kiện ở Syria là “dễ bùng nổ và nguy hiểm nhất trong khu vực”.
Các cường quốc thế giới họp bàn về Syria
 Xe tăng của chính phủ Syria tại Damascus.
Các cường quốc lớn của thế giới hôm qua đã gặp nhau tại Liên Hợp Quốc để thảo luận về một nghị quyết do Anh soạn thảo, trong đó, kêu gọi Hội đồng Bảo an cho phép can thiệp quân sự vào Syria. Đây là hành động nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học ngày 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng mà Anh, Mỹ và đồng minh cáo buộc là do chính quyền Assad gây ra.
Các vị đại sứ của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bao gồm Anh, Trung Quốc , Pháp , Nga và Mỹ đã họp kín để thảo luận về giải pháp can thiệp quân sự mà London đề xuất. Theo đó, đề xuất của Anh cho phép, "tất cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ thường dân Syria sau vụ tấn công khí độc chết người tuần trước.
Các nhà ngoại giao ở New York không trả lời phỏng vấn của các phóng viên. Nhưng tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf ngụ ý Mỹ không nhận được dấu hiệu ủng hộ từ phía Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi không thấy dấu hiệu ủng hộ với sự phản đối quyết liệt từ Nga đối với bất cứ hành động ý nghĩa nào về Syria. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục họp bàn và sẽ có những hành động đáp trả thích hợp trong những ngày tới".
Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết 3 lần tại Liên Hiệp Quốc để ngăn chặn các nghị quyết trừng phạt Syria kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị bùng nổ ở nước này hồi tháng 3/2011.
Ở Moscow, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Titov nhấn mạnh, bất cứ phản ứng nào từ Hội đồng Bảo an được đưa ra trước khi đoàn thanh tra Liên Hợp Quốc có kết luận điều tra về cuộc tấn công hóa học ở Syria đều là “vội vàng, hấp tấp”.
Trong khi đó, ở Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc mạnh mẽ cảnh báo can thiệp quân sự chống lại Syria, cho rằng Mỹ và các đồng minh đang lợi dụng vụ tấn công hóa học trở thành cái cớ để âm mưu thay đổi chế độ ở Syria.
Các nhà phân tích Trung Quốc nhấn mạnh, can thiệp quân sự nước ngoài hòng lật đổ một chế độ là mối đe dọa đối với Bắc Kinh và một số đồng minh.
Dù Trung Quốc không có nhiều lợi ích dầu mỏ cũng như công dân sinh sống và làm việc ở Syria nhưng nỗ lực của họ cùng với Nga để chống lại can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông có thể là rào cản chống lại ảnh hưởng của phương Tây trong khu vực.
Shen Dingli, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục kêu gọi sự kiên nhẫn và yêu cầu Mỹ cũng như các nước khác chờ đợi kết quả điều tra của Liên Hợp Quốc.
"Nếu can thiệp quân sự vào Syria, Mỹ cũng sẽ tự tấn công chính mình. Nước Mỹ đã tự làm mình tổn thương khi can thiệp vào Afghanistan năm 2002 và một lần nữa vào Iraq năm 2003", ông Shen Dingli bình luận.
Ngoài ra, nhà phân tích chính trị Shen Dingli cũng nhấn mạnh, việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng và tăng cường hiện diện quân sự lẫn ngoại giao của nước này tại châu Á – động thái mà Bắc Kinh cho là nhằm mục đích kiềm chế họ.
Trong một bài bình luận, Nhân dân Nhật báo cảnh báo, bất cứ cuộc can thiệp nào vào Syria sẽ chỉ đổ thêm dầu vào cuộc nội chiến ở nước này. Đồng thời, nó cũng hủy hoại mọi nỗ lực của Liên Hợp Quốc để tìm kiếm giải pháp chính trị chấm dứt cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông.
Về phía Syria, Đại sứ Bashar Ja'afari tại Liên Hiệp quốc nhấn mạnh, Damascus đã viết thư cho Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon để trình bày các cáo buộc mới về việc sử dụng khí độc chống lại quân đội chính phủ. Ông cho biết, binh sĩ quân đội chính phủ đã hít phải các khí độc tương tự như khí ức chế thần kinh sarin vào ngày 22/8, 24/8 và 25/8 ở ngoại ô Damascus .
Đại sứ Syria cũng khẳng định, Damascus đã đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc gia hạn sứ mệnh 14 ngày của các thanh tra viên tại Syria để họ tiếp tục điều tra thêm về cáo buộc trên. Đồng thời, ông Bashar Ja'afari cũng bác bỏ các cáo buộc rằng chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và nhấn mạnh, đây là tội ác vô nhân đạo. Cuối cùng ông Bashar Ja'afari tuyên bố, nếu bị tấn công, Syria có quyền tự vệ.
Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc vẫn đang tiếp tục thu thập mẫu vật và thông tin tại một số địa điểm ở ngoại ô Damascus bao gồm hiện trường vụ tấn công hóa học.
Bạch Dương (tổng hợp)

Bình luận(0)