Xét đến tình hình thế giới hiện nay, có bốn điểm nóng toàn cầu đang đặt ra nguy cơ khủng hoảng đặc biệt cao đối với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump: Triều Tiên, Biển Đông, các nước khu vực Baltic và Trung Đông.
|
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt với một hoặc nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế lớn. Ảnh Global Grind |
Bốn khu vực nói trên đều có nguy cơ sớm bùng nổ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
CHDCND Triều Tiên
Việc CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa có thể là thách thức quốc tế lớn đầu tiên đối với chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong những năm gần đây, Triều Tiên dường như đã đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chế tạo tên lửa và thiết kế đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để lắp vào tên lửa đạn đạo. Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân ngầm (thứ 4 và thứ 5 kể từ năm 2006) cùng với vô số vụ thử nghiệm các hệ thống tên lửa khác nhau. Ngày 20/9/2016, Bình Nhưỡng cũng đã thử nghiệm động cơ tên lửa mạnh sử dụng cho tầng thứ nhất của tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân đến lãnh thổ miền tây nước Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân và có khả năng sử dụng chúng trong các cuộc tấn công các đối thủ hiện hành.
Vậy Tổng thống Donald Trump sẽ đối phó như thế nào hiểm họa này?
Xem ra, ông Trump hiện có ba sự lựa chọn: thuyết phục Trung Quốc buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân; đàm phán một thỏa thuận giải giáp trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoặc đánh đòn phủ đầu nhằm triệt tiêu khả năng hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Chỉ có điều, để nhận được sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề tên lửa-hạt nhân của Triều Tiên, chính quyền của ông Trump chắc chắn sẽ phải có nhượng bộ về thương mại hay về vấn đề Biển Đông.
Khác với các vị Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, ông Trump ngỏ ý sẵn sàng đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhưng liệu chính quyền Trump sẽ nhượng bộ những gì để Bình Nhưỡng từ bỏ kho tên lửa-vũ khí hạt nhân? Phải chăng ông Trump sẽ đánh đổi bằng việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc?
Xem ra, chính quyền của ông Trump chỉ còn mỗi cách duy nhất là tấn công phủ đầu và dẫn đến phản ứng phản ứng khó lường từ phía Triều Tiên, trong đó có đòn hủy diệt Hàn Quốc.
Hiện thời, thật khó có thể tiên đoán hành động của cả nhà lãnh đạo Kim Jong-un lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính vì vậy mà vấn đề Triều Tiên được xếp hạng là nguy cơ khủng hoảng toàn cầu cao nhất dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Biển Đông
Biển Đông có thể là thử thách đầu tiên đối với cam kết của ông Trump chống lại những gì ông coi là hành vi thương mại “ăn cướp” và bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc.
Tháng trước, Trung Quốc đã bắt giữ một tàu lặn không người lái của Mỹ ở vùng biển quốc tế gần Philippines. Nhiều nhà quan sát giải thích động thái này là phản ứng trước việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Mọi hành động của chính quyền Donald Trump như gia tăng trừng phạt Trung Quốc trên mặt trận kinh tế có thể dẫn đến hành động khiêu khích hơn nữa của Bắc Kinh trên Biển Đông, có khả năng dẫn đến đụng độ hải quân Mỹ-Trung trong khu vực.
Nếu muốn ngăn chặn Trung Quốc đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp và quân sự hóa trái phép ở Biển Đông, phía Mỹ sẽ phải tiến hành một cuộc phong tỏa hải quân, tấn công bằng máy bay và tên lửa vào các “đảo nhân tạo” hay đánh đắm tàu chiến Trung Quốc. Thật khó để tưởng tượng rằng Bắc Kinh sẽ không tiến hành các biện pháp trả đũa và khiến cho hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân ở bên bờ vực của một chiến tranh toàn diện.
Ba nước ven biển Baltic
Nguy cơ bùng phát xung đột ở ba nước ven biển Baltic (Latvia, Lithuania Estonia) xuất phát từ vị trí địa lý, lịch sử và chính sách. Ba nước Cộng hòa Baltic đã độc lập sau sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991 và hiện thời, cả ba nước này đều là thành viên của cả Liên minh Châu Âu lẫn NATO.
Trên cương vị thành viên NATO, ba nước này chính là đầu cầu cho một cuộc xâm lược giả định của phương Tây nhắm vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có chịu nới lỏng áp lực mà ông đã gây ra đối với ba nước ven biển Baltic khi ông Trump lên nắm quyền ở Mỹ? Liệu Tổng thống Trump có đồng ý hủy bỏ hoặc giảm bớt sự triển khai của Mỹ và NATO ở ba nước Baltic để đổi lấy sự nhượng bộ của Nga về các vấn đề khác?
Rất có thể sẽ có một khoảng thời gian tương đối yên tĩnh trong quan hệ giữa Nga và ba nước ven biển Baltic, khi Tổng thống Putin kiểm tra sự sẵn sàng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc kiến tạo một mối quan hệ mới với Moscow, nhưng về cơ bản, căng thẳng vẫn tồn tại khi các nước Baltic vẫn ở lại NATO và Nga coi đó là một mối đe dọa an ninh. Vì vậy, khu vực ven biển Baltic vẫn là một điểm nóng thứ ba trên thế giới đang chờ đợi chính quyền mới của ông Trump.
Trung Đông
Từ lâu, Trung Đông vốn đã là một điểm nóng thế giới, một lò lửa chiến tranh. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để có thể thay đổi bức tranh này trong những tháng tới?
Với lịch sử phức tạp của khu vực và khả năng gây bất ngờ, mọi dự đoán về tình hình Trung Đông đều phải được đưa ra một cách rất thận trọng.
Ông Trump đã cam kết sẽ tăng cường cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Điều này chắc chắn sẽ đòi hỏi việc triển khai thêm các lực lượng không quân, hải quân và lục quân Mỹ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi.
Rất có thể, chính quyền của ông Trump sẽ tăng cường các cuộc không kích chống IS và dẫn đến gây thương vong nhiều hơn cho dân thường, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tị nạn cũng như các cuộc đụng độ giữa người Shiite và người Sunni. Mất kiểm soát lãnh thổ trên thực tế, phiến quân IS sẽ quay sang tiến hành chiến tranh du kích và chắc chắn sẽ đáp trả bằng cách tăng các cuộc tấn công khủng bố vào các mục tiêu dân sự "mềm" ở nước láng giềng Iraq, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và ở xa hơn nữa như Châu Âu, Bắc Mỹ.
Nếu bạo lực khủng bố tiếp tục gia tăng và lan rộng, một lần nữa, Mỹ lại lún sâu hơn vào một vũng lầy bất tận ở khắp Trung Đông và Bắc Phi.
Câu hỏi quan trọng hơn tất nhiên là cách chính quyền Donald Trump sẽ cư xử với Iran. Ông Trump đã nhiều lần phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran có chữ ký của Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nga và Trung Quốc. Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng ông sẽ hoặc là loại bỏ nó hoặc đàm phán lại Thỏa thuận hạt nhân với Iran, nhưng thật khó tưởng tượng ông sẽ làm như thế nào để điều này có thể xảy ra.
Chính quyền của ông Trump có thể đối phó với Iran trên các mặt trận khác, nhưng bất kỳ động thái nào cũng sẽ nhanh chóng dẫn đến phản ứng của Tehran và từ đó dẫn một chu kỳ leo thang nguy hiểm - bao gồm cả hành động quân sự của Mỹ, Israel hay Ả-rập Xê-út.
Vì vậy, Trung Đông chính là một điểm nóng thứ tư mà chính quyền của ông Trump không thể né tránh.
Hiện thời, không ai dám chắc khủng hoảng sẽ bùng phát ở điểm nóng nào trong số bốn điểm nóng nói trên. Chỉ có điều với cách hành xử như hiện nay, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối mặt với ít nhất một cuộc khủng hoảng quốc tế lớn trong tương lai không xa.