|
Tổng thống Obama đang nỗ lực kêu gọi Quốc hội Mỹ và cộng đồng quốc tế ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria.
|
1. Đánh Syria để đạt được gì?
Cuộc chiến giữa chế độ Bashar al-Assad và phe nổi dậy, trong đó một bộ phận không nhỏ là các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan có liên kết với al Qaeda, là cuộc chiến không hề liên quan đến Mỹ. Nói cách khác, Mỹ hoàn toàn không có lợi ích cũng như vai trò trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, nếu tấn công chế độ Assad, Mỹ chắc chắn đã giúp phe nổi dậy Syria. Thực tế là, phe nổi dậy yếu ớt, bị phân hóa vì mâu thuẫn nội bộ đang chờ đợi cơ hội Mỹ và phương Tây can thiệp vào cuộc nội chiến để giúp họ giành được ưu thế vượt trội hơn, từ đó, nắm quyền kiểm soát đất nước nếu chế độ Assad sụp đổ.
Hồi tháng 6 mới đây, giữa phe nổi dậy cực đoan và phe nổi dậy ôn hòa đã nổ ra xung đột về việc kiểm soát các trạm kiểm soát chiến lược ở miền Bắc Syria. Cuộc xung đột kết thúc bằng việc phe nổi dậy cực đoan thủ tiêu một lãnh đạo hàng đầu của phe nổi dậy ôn hòa và củng cố quyền kiểm soát tại khu vực tranh chấp.
Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về việc tấn công Syria ra sao, nhưng dường như người ta lại thực sự bỏ qua những câu hỏi quan trọng như: Tại sao hay vì lợi ích của ai...
2. Điều gì xảy ra tiếp theo?
Một cuộc tấn công dồn dập bằng tên lửa hành trình kéo dài 3 ngày sẽ không có khả năng đảo ngược cục diện nội chiến Syria.
Nhìn lại Libya, rõ ràng phải mất 7 tháng đánh bom cộng với những nỗ lực viện trợ quân sự đáng kể cho quân nổi dậy từ đầu cuộc nội chiến thì mới có thể lật đổ được chế độ Gadhafi đã bị cô lập, không còn bất cứ đồng minh nào. Trong khi đó, Tổng thống Al-Assad hiện vẫn có quân đội mạnh và quan trọng là ông có những đồng minh quốc tế hết lòng hỗ trợ ông.
|
Tổng thống Assad nắm quyền lực mạnh mẽ và có nhiều đồng minh quốc tế.
|
Một kịch bản có thể nhìn thấy khá rõ ràng đó là, sau khi những cuộc không kích, oanh tạc nhắm vào Syria chấm dứt, cuộc nội chiến lại tiếp diễn. Quân nổi dậy yếu ớt với nội bộ lục đục rất có khả năng không thể giữ được ưu thế. Trong khi đó, cả thế giới sẽ chứng kiến chế độ Assad vẫn vững vàng sau “cú đấm” của Mỹ. Kết quả là, những câu hỏi liên quan đến “uy tín" của cường quốc số 1 thế giới sẽ hồi sinh, thậm chí còn mạnh mẽ hơn.
Mỹ dự định bày trận tấn công Syria bằng tên lửa hành trình phần lớn xuất phát từ thất bại của những hành động can thiệp trước đó của họ bao gồm: viện trợ nhân đạo và y tế cho quân nổi dậy. Sau đó Mỹ hỗ trợ các thiết bị thông tiên liên lạc. Rồi các hỗ trợ chiến trường khác và sau này là viện trợ các lô vũ khí nhỏ. Nếu sự can thiệp này thất bại để lật đổ chế độ Assad, hành động can thiệp kế tiếp sẽ phải quy mô hơn, mạnh mẽ hơn nữa.
3. Những cái giá phải trả?
|
Xe tăng quân đội chính phủ Syria.
|
Một chiến dịch vận động can thiệp Syria vẽ lên viễn cảnh về một cuộc chiến tương đối rẻ tiền và không gây đổ máu thêm cho người Mỹ. Chính quyền đã cam kết "không đặt gót giày lên đất Syria". Giả sử đây là một cuộc chiến không đắt đỏ, không đổ máu, không mất mát đau thương như bóng ma Iraq, Afghanistan như những gì chính quyền tuyên truyền (trong khi thực tế hoàn toàn có ít khả năng sẽ xảy ra như vậy), dường như người ta vẫn bỏ qua một điều: cái giá cơ hội.
Tổng thống, Ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và các quan chức hàng đầu khác của Mỹ nếu có thể cam kết giải quyết cuộc nội chiến Syria, họ chắc chắn cũng sẽ bận tâm đến những vấn đề khác, những khu vực khác đang ngày càng thu hút sự chú ý. Chẳng hạn, cuộc khủng hoảng Ai Cập - dường như cũng đang dần rơi vào bi kịch nội chiến tương tự như Syria. Những câu hỏi được đặt ra là, Ai sẽ sẵn sàng đứng ra ngăn chặn kịch bản đó? Mức độ quan tâm và hỗ trợ đối với cuộc khủng hoảng Ai Cập là bao nhiêu...
4. Có một mưu đồ khác?
Các quan chức chính quyền Obama nhấn mạnh, tấn công Syria sẽ giúp họ kìm chế và làm tổn thương Iran. Nhưng rõ ràng việc phóng tên lửa hành trình tàn phá Syria là một con đường vòng, một giải pháp tồi để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.
Một số người có thể tranh luận rằng, Mỹ đang kéo Iran vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tốn kém, kéo dài. Nhưng rõ ràng Mỹ đã có hai cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Iran ở Afghanistan và Iraq và mọi thứ đã diễn ra hoàn toàn không giống như những gì người ta vẽ ra, mơ mộng và mường tượng trước đó. Ngược lại, những gì diễn ra một cách hợp lý và hiệu quả là chiến dịch gây áp lực trên mặt trận kinh tế đối với Iran của Mỹ.
Do đó, chung quy lại, nếu Mỹ muốn đối phó với Iran thì hãy cứ đối phó trực diện. Nếu Mỹ không muốn bị lôi kéo vào cuộc nội chiến Syria với các phe phái hoàn toàn không thân thiện với Mỹ, cách tốt nhất là không can thiệp và tránh sa lầy.