Theo nguồn tin tình báo của debkafile và các nguồn Trung Đông khác, Tổng thống Nga Putin hầu như đã đóng sầm cánh cửa hợp tác hơn nữa với Mỹ ở Syria. Ông Putin bây giờ đang nắm giữ các “át chủ bài” để kiểm soát cuộc xung đột Syria, trong khi ông Obama hầu như chẳng còn gì nhiều để tiếp tục cuộc chơi.
|
Tổng thống Putin đã thỏa thuận bí mật với Tổng thống Erdogan về hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về lộ trình tiếp theo ở khu vực Trung Đông. |
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sử dụng những lá bài cuối cùng trong một thỏa thuận bí mật với Tổng thống Erdogan về hợp tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về lộ trình tiếp theo ở khu vực Trung Đông.
Thật trớ trêu, thay vì thúc đẩy sự hiểu biết giữa Nga và Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh G20 lại tạo ra động lực thúc đẩy cuộc hội đàm Putin-Erdogan.
Rốt cuộc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thắng đậm trong ván bài tháu cáy này. Trước khi rời Trung Quốc, ông Erdogan đã nhận được cái gật đầu của Tổng thống Putin về việc Nga không can thiệp vào việc lục quân và không quân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát 4.000 dặm vuông ở miền bắc Syria để thiết lập một "vùng an toàn" (thực tế là vùng cấm bay đối với không quân Syria trên chính không phận nước này).
“Vùng an toàn” do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát này sẽ bao gồm các thị trấn của Jarablus, Manbji (mà dân quân người Kurd vừa đánh chiếm từ tay phiến quân IS) Azaz và Al-Bab ở miền bắc Syria.
Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rút lại hỗ trợ dành cho các các nhóm nổi dậy được Mỹ và Ả-rập Xê-út hậu thuẫn và đang đánh nhau với quân chính phủ Syria ở phía bắc thành phố Aleppo. Sự nhượng bộ này của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm đổi lấy sự chấp thuận ngầm của Damascus đối với dự án “vùng an toàn” của Erdogan.
Trong khi đó, Ankara cố thuyết phục phương Tây rằng “vùng an toàn” này sẽ cung cấp một nơi ẩn náu an toàn cho người tị nạn Syria và ngăn chặn dòng chảy người tị nạn đang làm xáo trộn Châu Âu.
Cũng giống như Mỹ đã “bán đứng” người Kurd Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan đang bỏ rơi một số nhóm thánh chiến mà Ankara từng hậu thuẫn và gán cho các nhóm này cái mác “khủng bố”.
Hơn thế nữa, người đứng đầu quốc gia thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ còn thỏa thuận với Nga sau lưng của Mỹ về việc làm thế nào để tiến hành các bước tiếp theo để giải quyết cuộc xung đột Syria.
Chính vì thế mà khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Geneva trong hai ngày 8-9/9/2016 để bàn về vấn đề Syria, hai ông này không còn gì nhiều để thảo luận, ngoài việc tiếp tục phối hợp không lưu ở Syria và phía đông Địa Trung Hải. Ngoại trưởng John Kerry đã từ bỏ nỗ lực hòa bình cuối cùng, cũng giống như thất bại hai năm trước đây.
Theo Debkafile, tất cả các bên hữu quan trong khu vực sẽ theo dõi chặt chẽ xem Thổ Nhĩ Kỳ chơi “con bài Nga” như thế nào và “cuộc đi đêm” Nga-Thổ sẽ kéo dài được bao lâu?