Báo Le Monde ghi nhận một hiện tượng đặc biệt: vẫn còn đến hơn một phần tư cử tri còn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai, trong bối cảnh mức độ ủng hộ dành cho hai ứng cử viên được coi là dẫn đầu từ nhiều tháng nay (lãnh đạo Mặt trận Quốc gia cực hữu Marine Le Pen và người đứng đầu phong trào “Tiến bước” không tả cũng chẳng phải hữu Emmanuel Macron) lại đang có xu hướng suy giảm.
Khả năng cử tri “vắng mặt đạt mức kỷ lục” và “tính bất trắc lớn chưa từng thấy” là đặc điểm của cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017. Theo các chuyên gia, với tỉ lệ ủng hộ hiện nay, tất cả 4 ứng cử viên nhóm dẫn đầu đều có cơ hội lọt vào vòng hai.
Cái bung xung của kỳ tranh cử
Theo Le Monde, lập trường chống lại tầng lớp cầm quyền là quan điểm của ứng cử viên Jean Luc Melenchon “từ nhiều năm nay”. Lãnh đạo Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen cũng tỏ rõ quan điểm “đứng về phía dân chúng chống lại giới tinh hoa”. Cựu Thủ tướng Fillon và cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron cũng lên án đối thủ là “người của hệ thống”.
|
Emmanuel Macron - ứng viên tổng thống Pháp "không tả cũng chẳng phải là hữu". Ảnh: Reuters |
Bài viết “Hệ thống: Cái bung xung của kỳ tranh cử” - đăng trên báo Le Monde - mở đầu với cuộc tranh luận trên truyền hình giữa ứng cử viên Macron và Thượng nghị sĩ Bruno Retailleau, người thân cận với ứng cử viên Fillon hôm 6/4. Khi bị chỉ trích là “một sản phẩm của hệ thống”, ông Macron đáp lại với vẻ giễu cợt: “Ông có lý. Người nổi loạn chống lại hệ thống là một cựu thủ tướng, đã tham gia chính trường Pháp từ 35 năm nay. Thật tuyệt vời khi coi ông ấy là người nổi loạn !”.
Quan điểm “chống hệ thống” - vốn là lập trường riêng của các phong trào cực tả, cực hữu hay vô chính phủ - đã “lan tràn” trong cuộc tranh cử tổng thống lần này, bởi “chống hệ thống” là một khẩu hiệu có sức thu hút mạnh mẽ dân chúng. Tại Mỹ, Donald Trump đã triệt để lợi dụng khẩu hiệu này và những người ủng hộ Brexit tại Anh cũng làm cái điều tương tự.
Về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, theo Le Monde, thực ra, dưới lớp vỏ ngôn từ chung này, mỗi ứng cử viên đưa ra một cách hiểu khác nhau. Hệ thống có thể được hiểu là “giới tài chính”, “giới công chức châu Âu”, “người nhập cư được hưởng phúc lợi”, “các đảng phái chính trị truyền thống”, “truyền thông” hay “giới tinh hoa”…
“Nước Pháp bên trên” và “nước Pháp bên dưới”
Đối lập “nước Pháp bên trên” với “nước Pháp bên dưới”, giới tinh hoa chống lại dân chúng, Châu Âu chống lại Pháp là lập luận của một số ứng cử viên. Ứng cử viên Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen đưa ra một định nghĩa đơn giản: Hệ thống là “những nhóm người bảo vệ lợi ích của riêng họ chống lại dân chúng”, “những kẻ kỹ trị của Liên minh Châu Âu buộc dân chúng phải tuân theo ý muốn của họ. Đó là một giai tầng tách lìa khỏi dân chúng, hoạt động vì lợi ích của riêng họ”.
|
Ứng viên tổng thống cực hữu Marine Le Pen. Ảnh:
Reuters |
Trên thực tế, một loạt ứng viên trụ cột của các đảng phái chính trị truyền thống đã bị loại khỏi cuộc đấu, trước và trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay. Từ tổng thống François Hollande, Thủ tướng Manuel Valls đến các ứng cử viên vốn được coi là đứng đầu cánh hữu, như cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy hay cựu Thủ tướng Alain Juppé.
Le Monde nhận định, “trong một thế giới phức tạp như hiện nay”, khẩu hiệu “chống hệ thống” là một “công cụ hiệu quả để thu hút những tình cảm oán giận”. Bản thân cựu Thủ tướng Fillon cũng mới chỉ tham gia vào cuộc chơi “chống hệ thống”, sau khi trở thành ứng viên chính thức của liên minh trung hữu. Đáp lại vụ bê bối liên quan đến nghi án việc làm giả, hay các lùm xùm về tiền nong, ứng cử viên Fillon khẳng định mình như là nạn nhân của “một cú đảo chính Hiến pháp”, bị “báo chí hành hình”. Thái độ phản kháng này được coi là “chìa khóa” cho cuộc tập hợp đông đảo cử tri, có tính quyết định đối với ông Fillon, tại quảng trường Trocadero, Paris, hồi đầu tháng 3/2017.
Theo Le Monde, bị thu hút vào các khẩu hiệu “chống hệ thống”, công chúng dường như không còn chú ý nhiều đến các đề xuất thay đổi hệ thống cụ thể mà các ứng cử viên đưa ra.