Thế giới hồi hộp chờ đợi ngày 8/11, ngày cử tri Mỹ bầu chọn một vị tổng thống mới. Hiện vẫn có khả năng tỷ phú Donald Trump cùng với cô vợ là cựu người mẫu Melania sánh vai nhau bước vào Nhà Trắng.
|
Bầu cử tổng thống Mỹ: Chỉ có những người thua cuộc như khuôn mặt chán chường của ứng viên tổng thống Donald Trump. Ảnh The New Yorker |
Nếu điều này xảy ra, người ta tự hỏi: Làm thế nào mà cử tri Mỹ lại chọn một nhà kinh doanh bất động sản hoàn toàn không có kinh nghiệm chính trường để giữ cương vị ông chủ Nhà Trắng, một chính khách quyền lực nhất thế giới?
Tổng thống Obama để lại một núi công việc dang dở
Những công việc còn dang dở mà Tổng thống Barack Obama để lại cho người kế nhiệm quả là khủng khiếp, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Chương trình cải cách y tế của ông vẫn chưa hoàn tất, chương trình giáo dục và hạ tầng cơ sở của nước Mỹ vẫn ở trong tình trạng thảm họa. Syria là một ví dụ điển hình về tình trạng “chân không quyền lực”, khi “cảnh sát toàn cầu” Mỹ rút lui và không một nước nào – trừ Nga – muốn lấp đầy khoảng trống.
Rất có thể, bà Hillary Clinton sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Khoảng cách dẫn điểm của bà so với tỷ phú Donald Trump đang bị thu hẹp đáng kể, nhưng nhờ vào sự phức tạp của hệ thống bầu cử Mỹ, bà Clinton vẫn giành được con số phiếu bầu quá bán của các đại cử tri.
Bất chấp kết cục của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11 ra sao, rốt cuộc chỉ có những người thua cuộc. Trong nhiều tháng qua, nước Mỹ đã bị biến thành một đất nước của những âm mưu đen tối và những lời thóa mạ lẫn nhau. Điều này liên quan nhiều đến Donald Trump, một người hoàn toàn không am hiểu công việc làm chính trị. Nhưng ông Trump lại là người có tài hùng biện, biến lo ngại thành thù hận, biến bất an thành ảo tưởng về quyền năng vô hạn. Ông Trump đang tự biến mình thành vị cứu tinh duy nhất của nước Mỹ.
Kết quả là nhiều người trên thế giới đổ lên đầu Donald Trump tâm trạng thất vọng và lo ngại về tình hình nước Mỹ. Họ coi ông này là người phải chịu trách nhiệm về việc đưa nước Mỹ sa vào tình trạng vô chính phủ.
Nhưng xem ra cáo buộc này là không đúng, ít nhất xét trên góc độ chính trị. Tỷ phú Donald Trump không phải là chính khách, mà là một doanh nhân. Chính vì vậy mà quan tâm lớn nhất của ông là biến mọi thứ theo chiều hướng “lời lãi” cho bản thân.
Đây chính là cách mà Donald Trump điều hành lĩnh vực bất động sản và cũng là cách mà ông ta đã giành quyền đề cử của đảng Cộng hòa. Biết đâu, cách tiếp cận này lại chẳng giúp ông trùm bất động sản Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8/11/2016.
Mặt trái của đất nước có “cơ hội vô tận”
Phải chăng người Mỹ mù quáng, không nhận ra mối quan tâm thực sự của tỷ phú Donald Trump? Hoàn toàn không phải như vậy. Bất kỳ ai đến nước Mỹ và chịu khó tìm hiểu đều thấy rằng những người ủng hộ Donald Trump có cái lý riêng của họ. Những kẻ “ngoại bang” đi ra ngoài các thành phố lớn sẽ cảm nhận được mặt trái của đất nước có “cơ hội vô tận” này. Họ sẽ gặp những người sống chui rúc trong các ngôi nhà xập xệ, gặp những người già ốm yếu không biết làm cách nào để sống cho qua ngày. Trẻ con được sinh ra để lâm vào tình trạng vô vọng và không bao giờ có cơ hội trong cái xã hội bị phân chia giai cấp khá tàn bạo này.
Nếu như vậy là chưa đủ, thì những gì được báo chí đăng tải trong những tuần vừa qua đã xác nhận cái điều mà Donald Trump đã triệt để khai thác và biến mình thành một người ngoài cuộc trong sạch. Vụ bê bối thư điện tử cho thấy đảng Dân chủ tham nhũng đến mức nào, đặc biệt liên quan đến Quĩ Clinton.
Các chính đảng lớn ngày càng xa rời quần chúng
Trong năm bầu cử này, xem ra thể chế chính trị hiện hành đang phải trả giá cho cái tính kiêu căng ích kỷ của nó.
Phe Cộng hòa bị mù quáng bởi chiến thắng của chính sách chống đối chính quyền Obama mà không hề để ý xem các quyết định của họ có đúng hay không. Việc hoàn toàn xa rời với thực tiễn, với quần chúng đã khiến cho ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đã xem thường Donald Trump cho đến khi họ đành “ngậm bồ hòn làn ngọt” đề cử một ứng viên tổng thống mà cuối cùng sẽ hủy hoại đảng này.
Ngay cả khi Donald Trump thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ này 8/11, hàng triệu người ủng hộ ông vẫn còn đó. Họ sẽ “bắn hạ” mọi nỗ lực hòa giải với chính quyền Clinton, từ bên ngoài đảng và từ bên trong các ủy ban chính trị. Hiện thời, không có một chính khách Cộng hòa nào đủ khả năng hóa giải nỗi thất vọng và phẫn nộ trong số các cử tri vốn trung thành với đảng.
Chính vì vậy, ngay cả khi đắc cử tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton cũng không có nhiều đất trống để dụng võ, bất chấp kinh nghiệm chính trị đầy mình. Tình hình sẽ còn trở nên nghẹt thở hơn đối với bà Clinton, khi hy vọng phe Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ xem ra là không tưởng. Đây quả là một chướng ngại vật vô cùng to lớn đối với bất kỳ vị tổng thống Mỹ kế nhiệm nào. Và điều này cũng báo hiệu nhiều tai họa cho các công dân Mỹ. Trong khi đó, thế giới rất cần một nước Mỹ được điều hành có hiệu quả.