Một cuộc điều tra được phát sóng trên kênh Four Corners cho thấy “cỗ máy kiếm tiền” này đã phục vụ lãnh đạo Kim Jong-un và những cộng sự thân tiết của ông như thế nào.
Nhà phân tích quốc phòng Andrea Berger, một trong những người tham gia điều tra, cho biết: "Nhiều người nghĩ rằng Triều Tiên bị cô lập với cộng đồng quốc tế, không có quan hệ thương mại với thế giới bên ngoài trừ Trung Quốc, nhưng sự thật lại không phải như vậy. Bắc Triều Tiên… đang kinh doanh ở nước ngoài và rất giỏi trong việc che giấu hoạt động này".
Văn phòng 39: “Quỹ hoàng gia”
Triều Tiên có một cơ quan chính phủ bí ẩn, được gọi là Văn phòng 39, hoạt động như một loại “quỹ hoàng gia”.
|
Có tin nói, Văn phòng 39 mang lại cho ban lãnh đạo Triều Tiên 1,6 tỷ USD mỗi năm. (Ảnh minh họa) |
Nhà phân tích Andrea Berger nói: "Trên giấy tờ, Văn phòng 39 chỉ là một cơ quan của Đảng Lao động Triều Tiên. Nhưng trong thực tế, Văn phòng 39 là quỹ được che đậy kín đáo. Văn phòng này kết hợp cả hoạt động bất hợp pháp lẫn hợp pháp và giúp Bắc Triều Tiên duy trì cuộc sống vương giả cho lãnh đạo tối cao và tầng lớp thượng lưu tinh túy”.
Văn phòng 39 được cho là mang lại 1,6 tỷ USD nỗi năm cho Bình Nhưỡng.
Vụ ám sát ở Malaysia bộc lộ “cỗ máy kiêm tiền ngầm” của Triều Tiên
Vụ ám sát công dân Triều Tiên Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam, anh trai của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) tại sân bay Kuala Lumpur bằng chất VX đã bộc lộ qui mô hoạt động của Bình Nhưỡng ở Malaysia.
Cựu Phó đại sứ Triều Tiên Thae Yong-ho, người đã đào tẩu sang Hàn Quốc, cho biết: "Malaysia được coi là một loại cửa sổ để CHDCND Triều Tiên ra nước ngoài vì nước này miễn thị thực cho công dân Triều Tiên. Đó là một thiên đường để Bình Nhưỡng mở rộng kinh doanh”.
Có tin nói, hơn 1.000 công dân Triều Tiên từng sống và làm việc tại Malaysia.
Ngoài công việc xây dựng đường sá và các dự án phát triển khác, bà Berger còn cho biết Triều Tiên cũng điều hành công ty truyền thông quân sự Glocom ở Malaysia. Bà cho biết thêm: "Glocom là một mạng lưới buôn bán quân sự từ Malaysia, tiếp thị vũ khí và các chất liệu liên quan ở nước ngoài. Với bình phong là một nhà sản xuất vũ khí của Malaysia, nhưng ở đằng sau hậu trường, Triều Tiên đã bán công nghệ cho một số nước châu Phi, Trung Đông và có thể Đông Nam Á".
Kiếm tiền từ Singapore đến Vương quốc Anh
Bà Berger nói rằng hoạt động kinh doanh của CHDCND Triều Tiên kéo dài đến tận châu Âu.
Bà nói: "Công ty bảo hiểm quốc gia Triều Tiên có thể hoạt động ở Anh. Người ta không tin rằng Bắc Triều Tiên có liên kết chặt chẽ với Mỹ (theo nghĩa thông thường), nhưng chúng ta đã thấy rằng Triều Tiên có thể tiếp cận các sản phẩm của Mỹ. Xe chuyên dụng chở ông Kim Jong-un được bọc thép ở Mỹ và sau đó lại xuất sang Triều Tiên mà hải quan Hoa Kỳ không hề biết gì ”.
Kim Kwang-Jin, cựu nhân viên tài chính của CHDCND Triều Tiên tại Singapore, cho biết công ty bảo hiểm của ông đã gửi tiền trực tiếp cho “Lãnh tụ kính yêu” Kim Jong-il. Ông tiết lộ: "Chúng tôi kiếm tiền và rút ra 20 triệu USD mỗi năm cho ngày sinh nhật của lãnh đạo Kim Jong-il. Chúng tôi giữ, đếm và đặt khoản tiền này vào trong 20 chiếc hộp, mỗi hộp chứa 1 triệu USD. Công ty bảo hiểm này được coi là một trong những tổ chức tốt nhất, mang lại lợi nhuận ở Triều Tiên, ở Bình Nhưỡng”.
Mặc dù cộng đồng quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt hơn để “giải quyết” chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng các doanh nghiệp của Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục hoạt động ở nước ngoài.
Nhà phân tích Andrea Berger kết luận: "Tôi muốn nói rằng các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên giống như một cái sàng thủng. Không một biện pháp trừng phạt nào được đưa ra chống lại Bắc Triều Tiên ở cấp độ của Liên Hợp Quốc lại được thực hiện triệt để trên phạm vi toàn cầu. Nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt của LHQ mà nước này đã ủng hộ, thì đó sẽ là một bước tiến lớn. Nhưng thực ra, không chỉ có Trung Quốc đóng vai trò quan trọng. Nhiều quốc gia trên thế giới có những cộng đồng kinh doanh Bắc Triều Tiên và có những mối quan hệ chính trị với Bình Nhưỡng. Các nước này không chịu sử dụng đòn bẩy mà họ có trong tay”.